Ăn nên làm ra từ việc nuôi động vật hoang dã nhiều năm nay, ông Thái Vinh Thai, chủ trang trại nuôi trăn, cá sấu ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết: “Trước đây trại tôi nuôi trên 1.000 con gồm cả trăn đất và trăn gấm mà rất hiếm khi có được trăn đột biến. Năm vừa rồi không hiểu sao một con trăn trong trại cho sinh sản ra 30 con trăn con toàn là đột biến. Sau khi hay tin, một thương lái ở TP.HCM xuống ngã giá 2 triệu đồng/con, thấy được giá nên gia đình tôi đã bán”.
Vừa rồi, cũng với con trăn bố mẹ có trọng lượng khoảng hơn 25 kg sinh tiếp tục 15 con trăn đột biến. Thông qua việc thu mua trăn thịt, cá sấu thương lái đã hỏi gia đình ông Thai để mua ổ trăn con, nhưng vì để gây giống nên ông Thai không bán.
Từ những gì loài động vật hoang dã này mang lại mà người thầy giáo Thái Vinh Quang quyết định bỏ việc dạy học về vừa phụ giúp gia đình cũng như thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nhờ vậy giờ đối với thầy giáo dạy môn hóa học này từ chăm sóc, phân biệt…đều nằm lòng. Thầy Quang cho biết: “Trăn đất sau 18 tháng nuôi cho sinh sản, còn trăm gấm thì phải mất thời gian từ 3 – 4 năm. So với trăn đất, trăn gấm khó nuôi hơn nên giá của loại này cao hơn, đặc biệt là những con đột biến”.
Nói về việc phân biệt trăn đất với trăn gấm, trăn đột biến so với trăn thông thường, thầy Quang, chia sẻ: “Việc phân biệt trăn đất và trăn gấm không khó, hộ nuôi chỉ cần dựa vào hoa văn, lớp da trên lưng và mắt của từng loại. Cụ thể trăn gấm thường là mắt đỏ, có đầu dài, nhỏ, màu vàng nhạt hay nâu. Đầu có đường vạch hình chữ thập hoặc vạch chấm ở giữa đầu, có một vệt xám đen mảnh chạy dọc chính giữa từ mõm tới gáy nối liền với vết trên lưng…còn trăn đất đa phần mắt đen, có viền sọc hai bên đầu…”.
Gắn bó với việc nuôi và thu mua các loại trăn hàng chục năm trời mà anh Lê Minh Đường ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) cũng không mấy khi gặp được những con trăn đột biến. Anh Đường, cho biết: “Tôi nuôi và thu mua trăn diễn qua quanh năm, nhưng đối với loại trăn đột biến rất hiếm khi mua được. Vừa rồi cơ sở có được một cặp trăn đất đột biến màu trắng (trăn bạch tạng), sau đó thương lái đến mua lại với giá 8 triệu đồng, còn lại một con hơn 3 kg được ngã giá hơn chục triệu mà gia đình tôi quyết giữ lại nuôi”.
Cũng theo anh Quang, đối với loại trăn đột biến giá trị của nó nằm ở hoa văn, màu sắc, lạ mắt hơn so với trọng lượng cơ thể. Vì thế giá của loại này thường đắt hơn gấp nhiều lần so với trăn bán thương phẩm. Bởi nó thuộc dạng hàng hiếm.
Theo ông Thai, trăn giống cũng chỉ ở mức 260.000 – 300.000 đồng/con, trong khi đó trăn đất nếu đột biến mà loại mới nở sẽ có giá từ 2 - 3 triệu đồng/con; từ 3 kg trở lên sẽ có giá 8 – 10 triệu đồng/con. Đối với trăn gấm đột biến mới nở sẽ có giá 6 - 7 triệu đồng/con; 4 – 5 kg là trên 10 triệu đồng; loại có trọng lượng 15 kg là 20 - 30 triệu đồng, còn nếu là trăn bạch sẽ có giá khoảng từ 25 – 40 triệu đồng/con.
Nhiều hộ nuôi và thương lái thu mua trăn lí giải: Trăn đột biến có giá cao bởi thị trường của loài vật này chủ yếu là nước ngoài và bán cho người có tiền mua về chơi kiểng nên rất được ưa chuộng. Vả lại, loại trăn này trong nước lại không nhiều. Trăn đột biến hiếm vì đối với một cơ sở nuôi trăn vài ngàn con chỉ có thể tìm được 1 – 2 con, thậm chí nuôi hàng chục năm vẫn không có được con nào.
Hiện tại trăn đột biến có giá rất cao, nhưng số lượng cũng chỉ ở mức hạn chế. Do vậy, thương lái ở các tỉnh miền Tây nghe đâu có trăn đột biến sẽ tìm đến ngã giá để mua cho bằng được.