Không giống bất kể đứa trẻ nào cùng trang lứa, ông có một tuổi thơ được rất nhiều người ngưỡng mộ với danh xưng chú bé học làm thơ và sau này là thần đồng thơ ca. Nhưng rút lại câu chuyện về thơ hay câu chuyện về một tài năng, Trần Ðăng Khoa cho rằng: "Tôi chỉ có một tủ sách để đọc, trong đó có một cuốn sách mà anh trai tôi ghi chú rất rõ ràng: sách độc hại!".
Trần Đăng Khoa thuở nhỏ - Ảnh: QUANG HUY . |
Lúc nào trong nhà cũng có khách
8 tuổi, cậu bé Trần Ðăng Khoa có thơ đăng báo, bởi anh trai là Trần Nhuận Minh có đặt báo Văn Nghệ cho người chị gái trên của Khoa đọc. Ðọc báo, và gửi thơ đi. Rồi thấy thơ mình trang trọng trên báo. "Tôi thấy lạ lẫm một chút lúc đầu, rồi quen đi". Sự quen đi của cậu bé Trần Ðăng Khoa kéo dài từ năm 1966 cho đến khi anh vào bộ đội (1975).
Đối với những người hàng xóm thuở ấy họ chỉ biết Khoa học làm thơ, và Khoa dạy những đứa trẻ cùng lứa tuổi ở xóm làm thơ chứ người ta không biết Khoa nổi tiếng như thế nào. “Tất cả những người về thăm nhà tôi cũng không ai gọi tôi là thần đồng. Họ chỉ gọi tôi là cậu bé làm thơ”. Và đối với hàng xóm, Khoa vẫn chỉ là một chú bé ham chơi và thích làm thơ. Dầu làm thơ như cháo chảy và không biết bao nhiêu người đã đến nhà để làm quen với thần đồng nhưng: “Đối với bố mẹ tôi chẳng có gì to tát cả”. Và đương nhiên, Trần Đăng Khoa cho rằng cái được nhất mà anh cảm thấy được sau khi lớn lên đó là mình đã được sống đúng tuổi thơ chứ không bị sức nặng thần đồng đè lên vai. |
Quá nhiều người đến nhà thăm hỏi và thử khả năng làm thơ của cậu bé Khoa. Người ta chỉ vào bức tranh: Khoa làm thơ về bức tranh đi, làm thơ về con gà đi, làm thơ về con chó đi... đến mức Khoa có hẳn một phản xạ là "làm thơ" mỗi khi có người yêu cầu.
Số người ngạc nhiên về cậu bé làm thơ nhiều đến mức: "Lúc nào trong nhà tôi cũng có khách, họ theo tôi đi học, đi chăn trâu, ra đồng, xới cỏ vườn và ngủ cùng". Từ khi có thơ đăng báo và xuất bản tập thơ đầu tiên cho đến khi vào bộ đội, chưa khi nào Trần Ðăng Khoa được ngủ một mình.
Không chỉ bị nhiều người tò mò quan sát xem cậu bé Khoa có gì khác người mà ai cũng thử xem Khoa có biết làm thơ thật hay không: "Nhiều bài thơ đã được ra đời trong hoàn cảnh như vậy, ví như bài Sao không về Vàng ơi chẳng hạn". Ðề tài của Khoa phong phú, tất tần tật những gì diễn ra xung quanh, từ mảnh vườn, góc sân đến tấm ảnh Bác Hồ được treo trong nhà.
Từ những truyện Nôm của mẹ
Trần Ðăng Khoa kể mẹ ông là người thuộc rất nhiều truyện Nôm khuyết danh và Truyện Kiều, thậm chí bà còn thuộc vô số câu thành ngữ, tục ngữ và ca dao.
Ðến mức mỗi khi có việc gì đó mẹ lại dùng ca dao, thành ngữ, tục ngữ để nói. Ðể thể hiện cảm xúc buồn khổ hay sung sướng bà lại đọc Truyện Kiều. Bà đọc Kiều, ngâm Kiều nhiều đến mức Trần Ðăng Khoa thuộc Truyện Kiều trước khi cầm cuốn Truyện Kiều để đọc.
Hỏi ông, liệu có phải chính những vần thơ trong các truyện Nôm khuyết danh đã khiến ông biết gieo vần ngay từ những ngày bé? Nhà thơ cho rằng chắc chắn có một phần những câu chuyện và bài hát ru của mẹ.
Những bồi đắp đó chắc chắn có giá trị rất lớn đối với những đứa trẻ lớn lên ở nông thôn và điều kiện khó khăn như cậu bé Trần Ðăng Khoa.
Trần Đăng Khoa - Ảnh: Quang huy. |
10 năm rũ bỏ văn phong cũ
Làm thơ hay nhưng Trần Ðăng Khoa cho rằng mình không phải là một học sinh giỏi văn.
Tuy nhiên, khi thấy Khoa có thơ đăng ở báo Văn Nghệ thì các thầy cô giáo lại đưa Khoa vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn văn. "Hình như tôi làm văn cũng chỉ được 7, 8 điểm chứ không xuất sắc gì. Nhưng vào lớp bồi dưỡng văn các thầy cô dạy cho tôi cách làm văn rất khác. Mỗi bài văn bao giờ cũng được viết theo một môtip từ xa đến gần, từ cao xuống thấp, từ chung đến riêng. Thậm chí có lần đi thi học sinh giỏi văn tôi đã đoạt giải".
Thế nhưng, đối với nhà thơ Trần Ðăng Khoa bây giờ điều đó chẳng có gì đáng để tự hào: "Có lần tôi đã nói với một ông phó thủ tướng là tôi phải mất đến gần 10 năm để rũ bỏ lối hành văn theo kiểu nhà trường. Ðó là một điều vô cùng khó khăn đối với bản thân tôi, khi tất cả những lối viết đã ngấm vào máu. Thậm chí sau này có nhà xuất bản định chọn một bài văn đoạt giải của tôi để đưa vào sách giáo khoa, tôi đã phải đến xin người ta đừng đưa vào kẻo tôi cảm thấy rất xấu hổ vì những bài văn đó dù lúc ấy nó được đánh giá rất cao và có giải".
Cho rằng lý do để mình viết được những vần thơ "vượt qua lứa tuổi" đó, nhà thơ Trần Ðăng Khoa khẳng định: "Cuộc sống bình thường và không xáo trộn gì chính là lý do để những vần thơ bay bổng. Kể cả những bài thơ được chỉ định làm như bài Sao không về Vàng ơi (tên ban đầu là Mất chó). Mãi sau này tôi mới biết đó là điều quan trọng nhất đối với sự nghiệp sáng tác của tôi".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện nay là phó bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói VN - Ảnh: NGUYỄN Á. |
Hàng xóm: Tôi là đứa trẻ bình thường
Dù bị làm phiền nhưng nhà thơ Trần Ðăng Khoa bây giờ cho rằng cuộc sống của mình không hề bị xáo trộn: "Tôi vẫn đi học trường làng, từ khi tiểu học cho đến cấp III. Và tôi cho rằng đối với tôi đó là điều may mắn".
Ông nói rằng cuộc sống may mắn bởi kể từ khi đọc trộm tủ sách cấm của anh trai, đọc ké những tờ báo Văn Nghệ của chị gái cùng những vần thơ mẹ đọc hằng ngày cứ như nhảy múa trong đầu chú bé 8 tuổi.
Làm thơ và đăng báo, và nhiều người biết đến nhưng cuộc sống của Khoa vẫn chỉ quẩn quanh góc sân và khoảng trời trong làng, lớp học làng, ao cá trong nhà, những vật dụng và con người thân thiết. Hằng ngày chú bé vẫn phải giúp bố mẹ làm việc nhà: rửa bát, quét sân, nhổ cỏ vườn, quải thóc cho gà ăn hoặc phơi lúa giúp mẹ...
Những khi rảnh rỗi, Khoa tập hợp các bạn học cùng xóm chia sẻ cách làm thơ và thành lập những nhóm làm thơ trong lớp học, trong xóm mà cậu bé thường đứng ở vai trò "thẩm định" và nhận xét thơ của các bạn.
"Lúc ấy có hẳn một phong trào làm thơ không chỉ ở quê hương tôi mà tôi nghĩ còn rất nhiều bài thơ khác rất hay đã được ra đời, ví như những gương mặt Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn Cẩm Thơ, Mai Thanh, Hoàng Hữu Nhân, Trương Nhuận...".
Cuộc sống quen thuộc, công việc quen thuộc hằng ngày không ném chú bé làm thơ ra khỏi guồng quay của cuộc sống. Nó không chỉ tạo môi trường mà còn khiến anh vững bước và tự tin trong cả học tập và ứng xử: quen với sự đông người, quen tiếp xúc với người lạ. "Suy nghĩ của tôi độc lập ngay từ những ngày còn bé chứ không phải đợi đến khi trưởng thành" - nhà thơ Góc sân và khoảng trời nói.
Theo Hoàng Điệp
Tuổi trẻ