Trong Thế chiến II, thiết giáp hạm là mối đe dọa luôn khiến tàu sân bay phải dè chừng. Điều này được chứng minh vào ngày 8/6/1940, khi tàu sân bay HMS Glorious của Anh có trận đụng độ thảm họa với hai thiết giáp hạm Đức ngoài khơi Na Uy, theo National Interest.
Tàu Glorious vốn là một tuần dương thiết giáp được đóng cuối năm 1916, sau đó được hoán cải thành tàu sân bay do có tốc độ hành trình 55 km/h và kích thước lớn để chứa máy bay. Con tàu từng gặp vận rủi khi đâm phải tàu chở khách Pháp trong sương mù hôm 1/4/1931, khiến một thủy thủ trên tàu và 34 hành khách của tàu viễn dương thiệt mạng.
Tháng 4/1940, sau khi phát xít Đức tấn công Na Uy, tàu sân bay Glorious được điều động tham chiến. Đây đáng ra sẽ là thất bại của hải quân Đức, bởi họ hoạt động tương đối gần các căn cứ hải quân Anh, trong khi hạm đội Anh chiếm ưu thế áp đảo về số lượng.
Tuy nhiên, phản ứng của phe Đồng minh lại có phần lóng ngóng. Dù hải quân Đức chịu tổn thất nặng nề, lính dù và quân đổ bộ của họ vẫn đủ sức bảo vệ các cảng biển và căn cứ không quân ở Na Uy. Liên quân Anh - Pháp huy động nhiều tiểu đoàn và máy bay đổ bộ nhưng không thể làm được gì, buộc phải rút lui vào cuối tháng 5 do liên tục bị không quân Đức tập kích.
Đầu tháng 6, tàu Glorious được lệnh di chuyển đến ngoài khơi bờ biển Na Uy để sơ tán một số chiến đấu cơ Gladiator và Hurricane sống sót của không quân hoàng gia Anh. Để dành chỗ cho số máy bay này, HMS Glorious chỉ có thể mang theo 9 tiêm kích Sea Gladiator và 5 máy bay ngư lôi Swordfish.
"Do không có tàu chiến Đức hoạt động trong vài tháng trước đó, hầu hết sĩ quan cao cấp của Anh tỏ ra chủ quan, chỉ điều hai tàu khu trục hộ tống Glorious trong nhiệm vụ này. Họ tin rằng HMS Glorious sẽ không bị hải quân Đức tấn công ở ngoài khơi Skagerrak", sử gia Geirr Haar cho biết.
Ngày 8/6, hai thiết giáp hạm Scharnhorst và Greisenau của Đức phát hiện cột khói của tàu Anh từ khoảng cách 48 km. Đây là các tàu chiến hiện đại được đóng trong thập niên 1930, dư sức đối phó với một tàu sân bay và hai khu trục hạm hộ tống.
Thiết giáp hạm Scharnhorst khi mới hạ thủy. Ảnh: World War Photos.
Tàu HMS Glorious khi đó không có máy bay trinh sát hay chiến đấu cơ tuần tra, cũng như thiếu lực lượng cảnh giới, nên không máy bay nào trên tàu sẵn sàng xuất kích khi người Đức khai hỏa. Các khu trục hạm hộ tống Acasta và Ardent theo sát tàu sân bay chỉ để đối phó tàu ngầm, thay vì trinh sát phía trước để cảnh báo về tàu mặt nước của Đức. Không một tàu nào của Anh trang bị radar cảnh giới, một số nồi hơi trên tàu Glorious còn bị ngắt khiến tốc độ hành trình giảm đáng kể.
Sự chuẩn bị hời hợt khiến hạm đội Anh phải trả giá đắt. Các thiết giáp hạm Đức áp sát đối phương với tốc độ 55 km/h. Các khu trục hạm Anh cố gắng tạo màn khói cho HMS Glorious rút lui, trong khi thủy thủ trên tàu này vội vã cho máy bay cất cánh. Nhưng các thiết giáp hạm Đức kịp khai hỏa ở khoảng cách 24 km. Chỉ trong vòng vài phút, đài chỉ huy trên tàu Glorious bị trúng đạn làm thuyền trưởng thiệt mạng.
Tàu khu trục HMS Ardent cố gắng lao đến hai con tàu khổng lồ của Đức để cầm chân đối phương.
"Thiếu tá hải quân Barker hiểu rõ những gì mình phải đối mặt và tin rằng biện pháp tốt nhất là tấn công hai thiết giáp hạm để câu giờ cho tàu Glorious và Acasta trốn thoát xuống phía nam", Haarr viết.
Chỉ huy phó của thiết giáp hạm Scharnhorst cho biết tàu Ardent đã tấn công bằng ngư lôi, sử dụng các kỹ năng tuyệt vời để chạy lắt léo tránh hỏa lực phòng thủ từ pháo hạng trung trên các tàu chiến Đức. Chiếc khu trục hạm của Anh cuối cùng cũng bị chìm sau khi bị trúng nhiều phát đạn. Họ vẫn cơ động với tốc độ cao và các pháo phía trước vẫn khai hỏa đến phút cuối. Chỉ có một người duy nhất trên tàu Ardent sống sót.
Tàu khu trục HMS Ardent vào năm 1930. Ảnh: Wikipedia.
Tàu Acasta cũng không chịu thua kém. Dù bị trúng nhiều loạt đạn pháo hạng nặng, nó vẫn kịp phóng một loạt ngư lôi, trong đó một quả trúng tàu Scharnhorst khiến nó bị hỏng nặng. Tuy nhiên, nỗ lực của hai chiếc tàu khu trục vẫn là vô ích. Các thiết giáp hạm Đức bắt kịp tàu HMS Glorious và dội pháo cho đến khi nó chìm hẳn.
Hải quân Anh không nhận được tín hiệu cầu cứu, nhiều khả năng là do các sĩ quan trên tàu Glorious đã thiết lập sai tần số radio. Chỉ có tàu tuần dương HMS Devonshire gần đó nhận được tín hiệu khẩn cấp. Nhưng họ lúc đó đang hộ tống vua Haakon của Na Uy đến Anh, nên chỉ huy tàu quyết định nhiệm vụ ưu tiên là bảo vệ nhà vua. Trên vùng biển Bắc lạnh giá, 1.519 thủy thủ Anh trên tàu Glorious thiệt mạng khi nó bị chìm xuống biển.