Trăm miền thơ có gì lạ?

Trăm miền thơ có gì lạ?
TP - Nếu khán giả đến sân Thái Học- Văn Miếu sáng 5-2 dự Ngày Thơ VN lần thứ 10 với lòng hồi hộp xem các nhà thơ trẻ “bày trò” gì với thơ- nào sắp đặt, nào trình diễn, nào múa hát… như những lần trước thì sẽ hơi thất vọng vì thơ năm nay chủ yếu được đọc diễn cảm. Bù lại chẳng mấy khi có các nhà thơ từ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… đến tận nơi không những đọc thơ mà còn múa hát.

> Lảnh lót tiếng thơ trong Văn Miếu

Đào Anh Khánh “phê” cùng Vi Thùy Linh.Ảnh: Hồng Vĩnh
Đào Anh Khánh “phê” cùng Vi Thùy Linh.
Ảnh: Hồng Vĩnh .

Sân thơ trẻ năm nay chuyên môn hóa, toàn đọc thơ và bản dịch thơ, đâm ra hơi bị tẻ. Thực sự nó cũng không phải là sân thơ trẻ nữa, dù vẫn do Ban Văn trẻ của Hội Nhà văn đứng ra tổ chức - mà trở thành sân Thơ trăm miền, với sự tham gia của các nhà thơ quốc tế đang dự Liên hoan Thơ châu Á- Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ngoài việc tuổi đời của các nhà thơ trong sân này vẫn trẻ hơn sân ngoài, thì cách chơi thơ của cả hai sân nói chung giống nhau, với hình thức thơ nặng về truyền thống, kinh điển.

Nhà thơ người Việt duy nhất làm thơ bằng tiếng Anh tại sân Thơ trăm miền là Vũ Tú Anh đến từ Thái Nguyên. Chị giới thiệu một tràng bằng tiếng Anh đủ để khán giả biết Việt Nam là đất nước của thơ ca, các nhà thơ làm thơ hàng ngày và giới trẻ thì chắc là cũng đọc thơ hàng ngày luôn. Bản thân chị du học ở Mỹ và sẽ đọc bài thơ làm bằng tiếng Anh.

MC Hữu Việt ngắt lời: “Đây là ngày thơ Việt Nam, mời chị dịch toàn bộ phần giới thiệu vừa rồi sang tiếng Việt”. Vậy là Tú Anh đành giới thiệu ngắn bằng tiếng Việt rồi đọc luôn bản (tự) dịch tiếng Việt.

Đó là người có phần tự giới thiệu dài nhất. Còn chủ nhân của phần đọc thơ dài nhất là Goro Takano (Nhật Bản). Ông đọc một hồi, vẫn chưa hết, dịch giả Hữu Việt phải ra hiệu để được phép đọc phần chuyển ngữ.

Lần thứ hai, Hữu Việt “đánh tiếng”, nhà thơ Nhật mặt lạnh hỏi lại: “Should I?” Có thể hiểu là: “Có nhất thiết phải ngưng giữa chừng không?!”. Rồi Goro đọc một lèo đến hết bài thơ Con lạc đà và máy chụp ảnh. May mà bài thơ tuy dài nhưng khá lạ, có phần siêu thực chứ không chỉ hiện thực pha lãng mạn như phần lớn các bài còn lại.

Chỉ có khoảng chục nhà thơ Việt được chọn lên đọc ở sân Thơ trăm miền, sánh vai cùng các nhà thơ quốc tế. Như vậy hẳn rất vinh dự. Tuy nhiên bài thơ mở màn cho sân thơ dường như của tác giả khuyết danh. Chỉ thấy MC giới thiệu đó là “bài Quê tôi- tác phẩm thơ và múa của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc”.

Nhà thơ Trần Tuấn chọn đề tài hậu chiến để giao lưu với bạn bè nước ngoài
Nhà thơ Trần Tuấn chọn đề tài hậu chiến để giao lưu với bạn bè nước ngoài .
 

Mải xem múa, nên đọng lại trong tôi chỉ còn vài câu như “Tôi nhớ cái nồi không chịu được” hay “Không thể xa được cái nồi…” gì đó. Nếu chỉ xem múa không, thì hoạt cảnh diễn ra như sau: Cô gái chăm chú thổi cơm. Chàng trai đến lượn lờ chạm vào nồi bị bỏng. Cô gái thổi phù phù vào tay bỏng của chàng trai. Chàng trai nhanh tay bưng lấy nồi cơm. Cô gái không những không giằng lại mà còn công kênh chàng trai lên… May mà có thơ nên ta hiểu cô gái nom trẻ hơn chàng trai nhưng đóng vai mẹ của chàng.

Vi Thùy Linh vẫn trình diễn với Đào Anh Khánh. Còn Đào Anh Khánh mặc nguyên bộ vét xanh lá mạ từ lần trình diễn với Vi Thùy Linh trên sân thơ này năm ngoái. Đương nhiên bộ năm nay đã bạc màu, khuỷu tay có miếng vá. Nhân vật thứ ba tham gia màn trình diễn là nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc. Bộ ba trình diễn bài Tan biến.

Trong bài, tình yêu lứa đôi hòa vào với mùa xuân đất nước nên có câu đại ý: “Khi đông tan lạnh giá/ Ta nhìn đất nước tất tả vào xuân/ Mơ con rồng cháu tiên khoan thai cất cánh…”. Nói chung bài thơ rất tỉnh táo, trong khi bộ dạng, nhất là nét mặt của Đào Anh Khánh có thể nói không bình thường lắm. Cho nên chịu, chưa thể hiểu hết thông điệp của tập thể nghệ sĩ.

Hai nhà thơ- nhà báo có giải được đọc thơ trong sân là Trần Tuấn (giải Bách Việt) và Đỗ Doãn Phương (giải Hội Nhà văn). Dưới dạng lời bố tâm sự với con, Bài ca đưa con đi mẫu giáo của Đỗ Doãn Phương có câu: “Chính nhờ sống với những người xa lạ mà chúng ta đã lớn lên”. Trần Tuấn lại chọn một đề tài gai góc.

Buổi sáng ở làng Cam Tuyền nói về những người dân nghèo ở Quảng Trị phải mưu sinh bằng cách đào bới bom mìn lấy phế liệu: “Cái đầu tôi ú ở cơn mơ/ Xương trắng hóa cành/ Lá xanh ngậm nổ/ Máu đỏ treo sương…”. Trần Tuấn quan niệm: “Lần đầu tiên mình nói với thế giới thì phải nói câu chuyện thế giới quan tâm. Cuộc chiến tranh chưa phải đã chấm dứt hẳn. Một số người dân vẫn phải chọn cái chết để mưu sinh. Đây không phải là nói xấu xã hội mà là nỗi đau triền miên của nhân loại. Thế giới vẫn đang xảy ra các cuộc chiến lớn nhỏ…”.

Các nhà thơ nước ngoài không có điều kiện trình diễn thơ nhưng tích cực đóng góp bằng những tiết mục văn nghệ. Đọc thơ xong, Cyril Wong (Singapore)- hát tặng bài Summertime (bài hát kinh điển trong kho tàng jazz Mỹ). Điều đặc biệt là anh hát bằng giọng nữ cao. Azam Abidov đến từ Uzbekistan hát tới 2 bài, một bài nhạc pop và một bài dân ca cho nhà thơ nữ đồng hương Guzal Begim múa.

Sau đó anh tiếp tục đọc Bài thơ về sự bình đẳng của mình. Nguyễn Phan Quế Mai đọc bản dịch tiếng Việt thật truyền cảm. Kết thúc, nhà thơ nữ Việt Nam làm động tác khiêu vũ với bạn thơ và hai người ôm hôn thắm thiết.

Năm nay, sân thơ trẻ không hợp tác với các họa sĩ, các nghệ sĩ đương đại nữa mà với hội văn học nghệ thuật các địa phương. Có 10 gian hàng thơ của các địa phương đóng trong sân Thơ trăm miền. Gian hàng của Hòa Bình xem ra đông khách nhất vì có rượu cần miễn phí. Thái Nguyên “cử” cả một công ty chè xuống pha nước mời hội thơ, tiện thể tiếp thị sản phẩm.

Mỗi địa phương lại đóng góp cả những tiết mục văn nghệ đặc sắc cho ngày thơ. Hải Phòng đem đến ca trù; Ninh Bình- hát dậm Quyển Sơn; Cao Bằng- hát then; Vĩnh Phúc- múa theo nền hát xoan. Bên sân “Thơ già” có màn cồng chiêng Mường mở màn hoành tráng… Tuy hơi bị quá tải những tiết mục chẳng liên quan đến thơ, nhưng dù sao cũng là dịp để khoe bản sắc, chiêu đãi khách thơ nước ngoài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG