Trăm kiểu trục lợi đất công ở TPHCM: Chỉ rõ hàng loạt địa chỉ 'đen'

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Cùng thời điểm Thành ủy TPHCM yêu cầu Cty Tân Thuận hủy thương vụ chuyển nhượng giá “bèo” khu đất công hơn 32 ha ở huyện Nhà Bè, HĐND TPHCM tổ chức giám sát tình hình quản lý sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại một số quận, huyện và chỉ ra hàng loạt địa chỉ có dấu hiệu bị trục lợi.

“Xẻ thịt” đất công

Khu đất có diện tích hơn 1.000m2 tại số 97/2/19 Kinh Dương Vương (phường 12, quận 6) là một trong số 11 khu đất mà Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM (TNMT) đưa vào danh sách nhà đất đã thu hồi, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn vướng gần 20 hộ dân.

Theo Sở TNMT, phần lớn các gia đình đang sinh sống tại đây trước kia là cán bộ, nhân viên, công nhân Nhà máy Phụ tùng máy nổ số 2 Biên Hòa (Đồng Nai) – đơn vị được giao quản lý sử dụng khu đất và được lãnh đạo nhà máy cho vào ở. Một số trường hợp mua lại nhà của công nhân nhà máy bằng giấy tay đầu những năm 1990. Nhiều hộ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được UBND quận 6 giải quyết vì nguồn gốc đất công.

Một số trường hợp mong muốn được làm thủ tục mua nhà, bồi thường, tái định cư nếu Nhà nước thu hồi khu đất nhưng giá bồi thường, hỗ trợ di dời quá cao nên không có cơ sở giải quyết.

“Hiện nay, có tình trạng vô trách nhiệm đối với tài sản công và chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ đất công, tài sản công. Quốc hội vừa thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản công và đang chờ nghị định hướng dẫn thi hành. Những lỏng lẻo về quản lý sử dụng tài sản công có thể đưa vào các nghị định hướng dẫn để quản lý chặt chẽ hơn”. 

 GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT

Tương tự, các khu đất công ở địa chỉ 46 Phú Châu, quận Thủ Đức (983m2); mặt bằng ở số 161 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) cũng còn vướng nhiều hộ dân nên chưa thể thu hồi.

Đại diện Sở TNMT cho biết, theo quy định, các đơn vị phải chịu trách nhiệm giải tỏa di dời, nhưng hầu như không đơn vị nào thực hiện. TPHCM hiện có trên 700 khu đất được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý và hơn 200 khu đất công do các đơn vị khác sử dụng đang quản lý đều chưa có pháp lý sử dụng đất. Nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí. Nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép.

Trong khi đó, các doanh nghiệp được giao sử dụng trước đây do quản lý lỏng lẻo dẫn đến chồng lấn ranh đất, bị lấn chiếm, chiếm giữ trái phép, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thu hồi đất. Các trường hợp bị thu hồi đất theo quy định đa số không thực thi quyết định thu hồi và yêu cầu phải hoàn trả chi phí đầu tư trên đất mới bàn giao mặt bằng.

Ngày 18/4, giải trình với đoàn giám sát HĐND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND quận 6 Nguyễn Minh Hùng cho biết, việc thu hồi phần đất công đang cho một công ty thuê trong công viên Phú Lâm gặp nhiều khó khăn.  Sau khi thu hồi hơn 500 triệu đồng tiền thuê đất, Trung tâm Văn hóa quận đã chấm dứt hợp đồng thuê và yêu cầu công ty thuê đất thu xếp di dời tài sản khỏi chỗ thuê. Tuy nhiên, bên thuê đất không đồng ý, mà đề nghị Trung tâm Văn hóa quận bồi thường 37 tỷ đồng. UBND quận đã yêu cầu Trung tâm Văn hóa bồi thường những khoản chi phí hợp lý, còn những khoản không thỏa thuận được đang chờ tòa án giải quyết.

Cho thuê lại kiếm bạc tỷ

Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho biết khu đất số 97 Quang Trung, phường 8 (quận Gò Vấp) rộng hơn 18.000m2 được Cty Dược liệu Trung ương 2 thuê để đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng, văn phòng làm việc và nhà kho với giá thuê là 7.700 đồng/m2 trong thời hạn 50 năm. Tổng giá thuê đất trả cho Nhà nước là 142 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, công ty này hợp tác với hai đơn vị bên ngoài để mở nhà hàng ăn uống, thu lợi hàng tỷ đồng/năm.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, khu đất Cty Dược liệu Trung ương 2 đang sử dụng có diện tích hơn 18.400m2. Cty trực tiếp sử dụng 12.490m2 làm nhà kho, văn phòng làm việc, nhà xe, sân. Phần diện tích gần 6.000m2, Cty ký hai thỏa thuận hợp tác kinh doanh để xây dựng nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo.

Để “hợp thức hóa” việc này, Cty đã có văn bản xin phép UBND quận Gò Vấp cho sửa chữa, cải tạo nhà kho, văn phòng làm việc cũ làm căng tin, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, nhà xe phục vụ công nhân… và được chấp thuận. Sau khi Cty cải tạo xong, các phần kho trở thành nhà hàng.

Theo số liệu sơ bộ của Sở TNMT về phân bổ quản lý đất công, Cty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà đang quản lý 110 khu đất; công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện quản lý 636 khu đất.

Ông Hùng cho biết, quận 6 hiện có 370 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó khu đất công tại địa chỉ 353 An Dương Vương (phường 10) có diện tích hơn 4.000m2 được cho một tư nhân thuê từ năm 2003 làm nhà xưởng. Giá thuê đất đang được tính theo bảng giá thuê do UBND TPHCM ban hành từ năm 1994. Khu đất giáp mặt tiền đường, nhưng giá thuê đất đã rẻ còn được tính theo giá trong hẻm.

Ông Bình cho hay, từ năm 2017, đã có rất nhiều nhà, đất công tại quận 6 được UBND TPHCM phê duyệt phương án cho bán đấu giá như các mặt bằng tại địa chỉ 12 Cao Văn Lầu, 751/14 Hồng Bàng, 751 Lò Gốm, 361 Đặng Nguyên Cẩn, 215 Hậu Giang… Hầu hết các mặt bằng được đem cho thuê với các mục đích như làm chành xe khách, làm kho kinh doanh nước giải khát sỉ và lẻ, cho thuê sản xuất nhựa, dập lồng quạt máy, mở quán cơm, kinh doanh vàng... theo đơn giá cho thuê sản xuất, kinh doanh cách nay hàng chục năm.

Cty Dịch vụ công ích quận 6 cho thuê 4 mặt bằng trên đường Hậu Giang, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An, Mai Xuân Thưởng nhưng không thu được tiền thuê mặt bằng vì người thuê bỏ trốn. Sắp tới, UBND quận phải rà soát tài sản người thuê và nếu còn thì sẽ siết nợ.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.