Trăm kiểu “móc túi” ở fanzone

Một khu vui chơi bóng đá dành cho các CĐV trong fanzone.
Một khu vui chơi bóng đá dành cho các CĐV trong fanzone.
TP - Ở fanzone, CĐV không chỉ được uống bia, cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích mà còn có thể tham gia trò chơi, đá bóng, mua sắm đồ lưu niệm… Tất tật, khoản nào tín đồ túc cầu giáo mê nhất, khu vực fanzone đều có.

Chia tay Lens với những anh chàng CĐV Anh ồn ào, chúng tôi trở lại Paris vào chiều qua, và có mặt tại khu vực fanzone vào tầm 14h. Ở 10 thành phố đăng cai các trận đấu của EURO 2016 tại Pháp, BTC nước chủ nhà đều bố trí fanzone, làm chỗ vui chơi, cổ vũ cho CĐV. Nhỏ như Lens, fanzone có sức chứa khoảng 10.000 CĐV.

Paris là nơi có fanzone quy mô lớn nhất, với sức chứa lên tới 90.000 CĐV, thậm chí cả 100.000 người nếu cần thiết. Fanzone ở Paris được bố trí ngay cạnh tháp Eiffel, một địa chỉ đặc biệt thu hút khách du lịch quốc tế. Tại đây, BTC cũng bố trí 5 màn hình lớn, với màn hình to nhất rộng 420m2, đảm bảo thỏa mãn tối đa nhu cầu xem và nghe của các “thượng đế”.

Paris hôm qua không khác nhiều so với những ngày đầu chúng tôi đặt chân tới. Vẫn cảnh nhân viên an ninh đi lại khắp nơi, trang bị từ đầu đến chân và ánh mắt thì luôn như soi xuyên qua người khách. Có cảm giác nhất cử, nhất động của người trên đường đều không ngoài tầm ngắm của cảnh sát.

Khu vực fanzone càng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. CĐV bị rà soát từng chút, phóng viên có thẻ vào fanzone cũng không ngoại lệ. Ba lô, túi xách và đồ tác nghiệp, tất tật đều phải qua kiểm tra an ninh. Để vào tới nơi làm việc của báo chí ở trong, chúng tôi phải qua ba lần kiểm soát. Chỗ nào cũng chặt như nhau. 

Vòng ngoài ở đoạn phố Motte Picquet, vòng trong ở trước cổng vào fanzone và tới trung tâm báo chí lại phải chịu khó thêm “phát” nữa. Dù chia sẻ với mối lo an ninh của nước chủ nhà, nhưng thi thoảng cánh phóng viên cũng không khỏi thấy vất vả khi phải qua quá nhiều công đoạn. Đến gian nan!

Trăm “ngón” chơi bời

Với các CĐV kém may mắn không thể mua được vé vào sân, fanzone là lựa chọn tốt nhất để theo dõi trận đấu. Lý do là chính quyền Pháp cũng không khuyến khích các tụ điểm xem bóng đá tụ tập đông người ở công cộng, lại cũng vì vấn đề an ninh.

Ở fanzone, CĐV có thể vừa nhâm nhi một cốc cô-ca, hoặc muốn phấn khích hơn dùng bia, ngồi cổ vũ đội bóng yêu thích trước chiếc màn hình đại 420m2. Trong fanzone không khuyến khích dùng tiền mặt, CĐV có thể mua thẻ (cỡ 50 euro) để thanh toán.

Giá cả không quá đắt, một cốc cô-ca cỡ 3 euro, bia khoảng 7 euro. Hết lại mua tiếp. Bia ở đây được các nhân viên vác trên lưng như đeo balo khổng lồ, đi bán dạo tận nơi để phục vụ cho CĐV.

Trăm kiểu “móc túi” ở fanzone ảnh 1

Lực lượng an ninh Pháp kiểm soát ở fanzone Paris. Ảnh: M.Q

Anh nào ham chơi thì fanzone cũng là địa điểm lý tưởng, bởi có đủ các món chơi bời, từ billard tới bóng đá, chơi Pes…May mắn thì còn trúng thưởng với các trò chơi như Pes hay bóng đá. Ngoài ra thì khi đến fanzone, CĐV còn có thể chi tiền vào các quầy hàng lưu niệm, vốn bán đủ loại từ quần, áo thể thao tới kỷ vật của “sao”.


 Nếu xét về giá cả thì hoá ra ở Pháp, anh chàng Zinedine Zindane lại có giá hơn cả nhiều ngôi sao đương thời. Một chiếc áo của đương kim thuyền trưởng Real Madrid lên tới 770 euro, “ăn đứt” cả Ronaldo hay  Gareth Bale.

Lúc chúng tôi tới fanzone ở Paris hôm qua, có khoảng hơn 1.000 CĐV, chủ yếu là “fan” của Ý và Thụy Điển. Mấy tay CĐV Bồ Đào Nha trong khi chờ đội nhà xuất trận cũng loay quanh đi lượn, bia bọt rất rôm rả. Nói chung, đã vào tới fanzone thì không ít cũng nhiều, khó có chuyện CĐV giữ được tiền trong túi.


MỚI - NÓNG