Trạm cân tê liệt vì tài xế quyết 'vứt' xe giữa đường

Xe đầu kéo quyết nằm lì, lực lượng chức năng phải điều xe kéo đến để giải phóng trạm cân.
Xe đầu kéo quyết nằm lì, lực lượng chức năng phải điều xe kéo đến để giải phóng trạm cân.
Khẳng định xe chở đúng tải nhưng qua trạm cân lại bị kết luận là vượt tải hơn 6 tấn, tài xế xe đầu kéo đã đóng cửa xe, “án binh bất động” giữa đường khiến trạm cân bị tê liệt nhiều giờ.

Đến 10h30 ngày 7/3, tài xế Lê Thành Nghiệp (35 tuổi, ở thị trấn Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn không đồng ý điều khiển xe đầu kéo BKS 86H-4139 kéo theo rơ-moóc 51R-003.06 ra khỏi trạm cân lưu động trên QL1 (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Trước đó tài xế này bị lập biên bản xe vượt quá tải trọng hơn 6 tấn.

Cụ thể, khoảng 21h20 ngày 6/3, tổ công tác tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nói trên phát hiện xe đầu kéo 86H-4139 có dấu hiệu quá tải nên phát lệnh cho tài xế đưa xe vào kiểm tra. Kết quả, tổng trọng lượng của xe (đã trừ sai số) là 49,7 tấn, vượt quá tải trọng hơn 6 tấn. Kết luận, xe chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế 20%. Cán bộ trạm cân tiến hành lập biên bản yêu cầu tài xế ký, nộp phạt để tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, không đồng ý với kết quả trên, tài xế đã đóng cửa xe, đỗ xe tại chỗ khiến trạm cân bị tê liệt nhiều giờ.

Tài xế Nghiệp cho biết, xe của anh được phép chở 30,5 tấn, cộng 10% theo quy định nên xe được phép chở 33,5 tấn. Nếu trừ đi container hàng 5 tấn (tính cùng hàng hóa) xe được phép chở 28,5 tấn, trong khi xe chỉ chở 28 tấn, thì lấy đâu ra vượt tải hơn 6 tấn?

“Xe bốc hàng chuyển kho từ tỉnh Ninh Bình về Tây Nguyên, chở 28 tấn phân bón Urê (560 bao, mỗi bao 50kg), số lượng còn nguyên trên xe. Tôi đi qua nhiều trạm, trong đó tại trạm cân lưu động ở Thừa Thiên Huế, xe vượt tải trọng chỉ 70kg nên lực lượng chức năng cho phép xe lưu thông. Khi xe đi qua các trạm thu phí ở các tỉnh có bàn cân điện tử, tôi để ý trọng tải xe chỉ 44,7 - 45 tấn. Thế nhưng đến trạm cân này thì xe cân lên đến 51,77 tấn, trừ sai số là còn 49,7 tấn, xe vượt tải trọng hơn 6 tấn”, tài xế Nghiệp nói.

Anh Nghiệp đề nghị cán bộ trạm cân làm biên bản xác nhận làm chứng là anh không hạ tải khi đưa xe ra khỏi trạm cân để chờ cân lại, nhưng đề nghị của anh Nghiệp không được tổ công tác tại trạm cân chấp nhận. Vì vậy tài xế này quyết không chịu điều khiển xe ra khỏi đường dẫn vào trạm cân. “Nếu tôi đưa xe ra khỏi trạm cân, sau này họ “trở mặt” bảo tôi tự hạ tải. Lúc đó, ai làm chứng đây?”, tài xế nêu lý do.

Trao đổi với PV Dân trí về sự việc này, ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định, trạm trưởng trạm cân tải trọng xe lưu động cho biết: "Trạm cân tải trọng xe lưu động trên QL 1 tại tỉnh Bình Định được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư trang bị, được các cơ quan có chức năng kiểm định và chịu trách nhiệm về mức độ chính xác. Trạm cân này cũng chịu sự giáp sát của Tổng cục Đường bộ nên chúng tôi chỉ thực hiện đúng luật dựa trên kết quả cân tại trạm".

Theo ông Quả, xe đầu kéo BKS 86H-4139 chở quá tải trọng cho phép là 20%. Lực lượng kiểm soát tại Trạm cân lập biên bản đề nghị lái xe ký biên bản chấp hành, tiếp tục lưu thông nhưng tài xế không chấp hành. “Cán bộ trạm cân đã vận động, giải thích nhưng tài xế quyết không điều khiển xe ra ngoài, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của trạm. Nếu tài xế tiếp tục không chấp hành, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo cho xe kéo đưa xe này ra khỏi trạm cân nhằm đảm bảo trạm cân hoạt động an toàn”, ông Quả nói.

Được biết, trước đó ngày 25/2, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên QL 1 (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định) cũng xảy ra trường hợp tương tự khi tài xế xe tải chở mì điều khiển xe vào đường dẫn trạm cân, dừng xe trước bàn cân rồi bất ngờ ra khỏi xe, đóng cửa bỏ đi.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.