Trạm biên phòng nơi sông Đà chảy vào đất Việt

Tại ngã 3 sông Đà - Nậm Na, đồn biên phòng quản lý 2 cột mốc và phía Trung Quốc quản lý 1 cột (phần bê tông màu trắng gần giữa ảnh)
Tại ngã 3 sông Đà - Nậm Na, đồn biên phòng quản lý 2 cột mốc và phía Trung Quốc quản lý 1 cột (phần bê tông màu trắng gần giữa ảnh)
TP - Sông Đà, dòng sông hung dữ chọn cho mình một con đường khó khăn giữa vực sâu, núi cao để chảy vào lòng đất Việt. Nơi đây, giữa bốn bề rừng thẳm đang có những con người chịu đựng mọi gian khó để “Giữ lấy Thao, Đà dải thượng lưu”.  

“Tôi đi với sông Ðà/Bao lần rồi vẫn lạ”

Câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương đã lột tả phần nào sự bí ẩn, cuốn hút của sông Đà, con sông hùng vĩ gắn bó với người Việt suốt chiều dài lịch sử. Trong hành trình gần 1.000 km của mình, sông Đà cất những dòng chảy đầu tiên ở Trung Quốc và đi vào đất Việt tại Mường Tè (Lai Châu). Ngã 3 sông Đà - Nậm Na thuộc địa danh Kẻng Mỏ (xã Ka Lăng, Mường Tè) là nơi con sông chính thức “nhập tịch” Việt Nam và từ đây, nó bắt đầu hành trình dài xuyên núi đồi, rừng thẳm miền Tây Bắc.

Đường lên Kẻng Mỏ xa diệu vợi. Từ thành phố Lai Châu muốn vào Ka Lăng mất ít nhất 7 tiếng ngồi xe. Hành trình thực sự mệt mỏi nhưng bù lại, người đi được chứng kiến cảnh núi rừng hết sức hùng vĩ. Từ Ka Lăng, để đặt chân ở nơi sông Đà chảy vào đất Việt phải thêm 2h đồng hồ di chuyển xuyên qua những tán rừng già luôn tỏa sương lạnh buốt, trên con đường gập ghềnh một bên là vực sâu hút, một bên là những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ.

Con đường mới được làm năm 2007. Trước đó, lính biên phòng muốn lên Ka Lăng đều phải ngủ một đêm ở phố huyện Mường Tè để sáng sau nhờ đò dọc sông Đà lên, vượt ghềnh thác và sự hung dữ của nước xiết. Sông Đà đoạn qua Kẻng Mỏ nhỏ hơn hạ nguồn nhưng dữ dội gấp bội. Dòng nước xiết như con quái thú mà Nguyễn Tuân mô tả trong tùy bút sông Đà: “Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn ngọn gió gùn ghè suốt năm”.

Giữa dòng, những bãi đá trên sông bị sóng bào mòn tạo hình thù kỳ dị và có những tảng đá lớn bị dòng nước cuốn trôi, mắc lại bên bờ lạ như tự hỏi đây là đâu? Cùng với đá, những thân gỗ lớn bị nước cuốn cũng nằm lại bên những khúc quanh của dòng sông. Có cây lớn người ôm không hết, vắt ngang một lạch nhỏ tạo một đường tuần tra tạm thời của lính biên phòng. “Trông vậy mà có chủ cả rồi đấy. Ai đặt một viên đá lên trước, cây gỗ sẽ là của họ, người tới sau không bao giờ tranh. Đồng bào Hà Nhì, La Hủ nơi đây chất phác lắm” - những người lính biên phòng Ka Lăng cho biết.

Ðối mặt gian khó

Minh chứng cho sự chất phác của người dân nơi đầu nguồn sông Đà là rất nhiều xe máy được dựng cả ngày lẫn đêm ở ven đường, cạnh những lối lên đồi, xuống suối. Đây là xe của những người đi làm nương, vào rừng thậm chí vài ngày nhưng họ hoàn toàn yên tâm về tài sản của mình. Các chiến sĩ chia sẻ, từng có một thanh niên Hà Nhì dựng xe ven đường rồi đi làm ăn xa, 6 tháng sau người này trở về lấy, lúc đó cây cối đã mọc phủ kín chiếc xe.

Trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc đồn Ka Lăng nằm nép vách núi, cách cột mốc số 18 vài trăm mét. Đối diện mốc 18 cũng có 2 cột mốc, một do đồn Mù Cả quản lý và một cột thuộc phía Trung Quốc. Ba cột mốc thành hình tam giác, ghi dấu nơi suối Nậm Na (Trung Quốc gọi là Tiểu Hắc Giang) đổ vào sông Đà và giữa sông, chính là biên giới, là nơi sông Đà hoàn toàn chảy vào đất Việt. Xuôi dòng độ trăm mét, một cầu treo bắc ngang dòng nước xiết, nối 2 xã Mù Cả, Ka Lăng và đây là cây cầu đầu tiên trên dòng sông Đà.

Tuy đã có đường ô tô vào tận nơi nhưng Kẻng Mỏ vẫn là trạm biên phòng đối mặt với bộn bề gian khó: Không điện lưới, không sóng điện thoại, không nhà kiên cố. Trung tá Lương Xuân Hà - Đồn trưởng Ka Lăng cho biết trạm thành lập đã lâu với ngôi nhà được dựng tạm bằng gỗ từ những năm 2007 tới nay vẫn chưa có điều kiện xây mới. Nhưng may, trạm ở địa thế không bị gió Bắc thổi trực tiếp nên chiến sĩ không đến nỗi phải chịu cảnh rét cắt da của vùng cao.

Trò chuyện với trung tá Hà mới biết, trạm Kẻng Mỏ cũng được cấp dấu để đóng vào sổ thông hành cho người dân hai nước có nhu cầu qua lại. Tuy nhiên, từ lúc thành lập trạm đến nay, trải hàng chục năm nhưng con dấu ấy chưa một lần được “khai trương” bởi trạm cách nhà dân gần nhất tới 22km, đường vào rất xấu và bên kia biên giới cũng hoang vắng không kém. “Anh em ở đây quý người lắm, bởi có khi cả năm không thấy người nào lại qua” - vị trung tá bộc bạch.

“Con nuôi” của đồn

Đại úy Trần Quốc Việt, quê Vĩnh Phúc mới lên nhận công tác tại Kẻng Mỏ được gần 3 tháng chia sẻ: Ở đây khó khăn nhiều, từ việc tiếp tế đồ ăn, y tế cho tới công tác bảo vệ biên giới nhưng thiếu nhất là tình cảm. Con anh Việt mới hơn 3 tuổi, ở chỗ khác còn được gọi điện về thăm nhà nhưng nơi đây, các anh phải chạy ra một khu đất trống, chờ đợi khi có đợt “sóng rơi” mới có thể gọi về, nói câu được câu chăng. “Mà phải là điện thoại cục gạch mới gọi được, điện thoại thông minh ở đây không dùng nổi” - anh Hà cười.

Trạm biên phòng nơi sông Đà chảy vào đất Việt ảnh 1 Bộ đội biên phòng thực hiện nghi thức chào cột mốc

Trạm vắng, có sân bóng chuyền nhưng các chiến sĩ ít khi chơi vì không đủ 2 đội. Việc giải trí tập trung vào chiếc tivi thi thoảng lại hỏng do máy phát chạy bằng dòng nước dưới sông Đà không ổn định. Khi nước xiết, dòng điện mạnh làm cháy hết bóng đèn, thiết bị nhưng lúc sông cạn lại không có điện dùng. Ở đây, chỉ có nước sinh hoạt được lấy trực tiếp từ khe rừng xuống là đầy đủ và luôn trong vắt, ngọt lịm.

Nghe các chiến sĩ chia sẻ, đại úy Việt là người “mát tay” trong việc tăng gia sản xuất. Từ ngày anh lên trạm, số gà, dê hay cây cối quanh đây tăng lên nhanh. Theo họ, trạm phải nuôi một số để khi: “Có khách không phải chạy cả ngày ra chợ mua đồ ăn”. Nói vậy cho “sang” thôi chứ trạm ít khi có khách. Vợ con các anh có lên thăm, mỗi người cũng chỉ một lần bởi sự xa xôi, cách trở. Các anh cũng nuôi 4 con ngựa, có thể cưỡi nhưng đường tuần tra chủ yếu trong rừng rậm nên không thể dùng.

Khó khăn là vậy nhưng những người lính thuộc đồn Ka Lăng vẫn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo với đồng bào. Buổi chiều trong doanh trại chợt có 2 đứa trẻ đi học về, ùa vào chơi cùng các chiến sĩ. Đây là những “con nuôi” của đồn, cả 2 đều ở trên địa bàn nhưng có hoàn cảnh khó khăn và thậm chí khó có thể đi học nếu ở cùng gia đình. Hai em học lớp 6, hồn nhiên trong trẻo như nước suối, cây rừng. Thấy người lạ, chúng bắt chuyện: “Chú có phải bộ đội không? Không phải bộ đội không giàu đâu, có lương những 2 triệu một tháng cơ… Bộ đội tốt, sau cháu cũng làm bộ đội”.

Ba cột mốc thành hình tam giác, ghi dấu nơi suối Nậm Na (Trung Quốc gọi là Tiểu Hắc Giang) đổ vào sông Đà và giữa sông, chính là biên giới, là nơi sông Đà hoàn toàn chảy vào đất Việt.

MỚI - NÓNG