Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư muốn thoát hàng, DN hoãn binh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau những đổ vỡ nhen nhóm trên thị trường, người mua trái phiếu doanh nghiệp lo hiệu ứng domino lan sang khoản đầu tư của mình. Thị trường chứng kiến nhu cầu sang nhượng tăng vọt, nhà đầu tư sốt sắng tìm cách rút trước hạn. Ngoài mua lại trước hạn, doanh nghiệp phát hành còn hoãn binh với hình thức hoán đổi trái phiếu sang bất động sản.

Rốt ráo sang nhượng, cắt lỗ

Khoảng 2 tuần trở lại đây, trên thị trường tự do, nhu cầu sang nhượng, cắt lỗ trái phiếu tăng vọt. Nhiều nhà đầu tư vừa mua trái phiếu, đã vội rao cắt lỗ.

Chị Nguyễn Trang (Hà Nội) đang có nhu cầu bán trái phiếu bất động sản mới mua tháng 3. Sau hơn 8 tháng đầu tư, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xuất hiện những rủi ro, chị Trang lo lắng muốn rút sớm, hoặc sang nhượng. Nhà đầu tư này thừa nhận không có kiến thức, không tìm hiểu về TPDN, nên bất an, muốn rút lại tiền gửi tiết kiệm.

Tính đến hết tháng 10, doanh nghiệp đã chi 143 nghìn tỷ đồng, mua lại trái phiếu trước hạn tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Bất động sản và ngân hàng là 2 lĩnh vực mà DN mua lại lượng trái phiếu lớn nhất. Giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, chị Trang mua TPDN tại một ngân hàng. Vì mua trước tháng 11, nên trái phiếu của chị Trang có thể rút sớm, mất phí 0,1%, chờ 30 ngày để nhận tiền. Cũng mua tại ngân hàng này, nhưng nhiều người mua sau không may mắn như chị Trang, khi yêu cầu rút trước hạn nhưng nhà băng không cam kết thanh khoản, mà chỉ giới thiệu bên thứ 3 mua lại.

Anh Nguyễn Hùng (Đống Đa, Hà Nội) đầu tư 4 tỷ đồng vào lô trái phiếu của một tập đoàn bất động sản lớn ở Hà Nội. Đến thời điểm này, dù chưa đến thời gian đáo hạn nhưng doanh nghiệp đã thông báo không đủ khả năng trả lãi. Phía tập đoàn cũng đưa ra hình thức hoán đổi trái phiếu bằng bất động sản đang bán của mình.

“Mặc dù đưa ra thông tin như vậy nhưng khi đến trực tiếp tại tập đoàn, tôi đều bị nhân viên từ chối vì các căn hộ đã bán hết. Còn những căn chưa bán thì chưa bàn giao nên không biết số phận những nhà đầu tư trái phiếu như chúng tôi thế nào”, anh Hùng nói.

Hàng đổi hàng - có khả thi?

Theo lý giải của một doanh nghiệp bất động sản có phát hành trái phiếu đang thực hiện hình thức chuyển đổi trên, do tác động của thị trường bất động sản nói chung, hạn mức tín dụng tại các tổ chức tín dụng cũng bị thắt chặt hơn, cùng các khoản thu bị chậm nên dẫn đến ảnh hưởng dòng tiền của doanh nghiệp.

Để đảm bảo việc thanh toán cho khách hàng đã bị chậm thanh toán và sẽ đến hạn thời gian tới, bên cạnh việc đưa ra phương án chi trả hợp đồng đến hạn, doanh nghiệp đưa ra phương án chuyển đổi bất động sản với các lựa chọn.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đãng (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc hoán đổi trái phiếu bằng bất động sản vẫn có rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý, thanh khoản. Bởi lẽ, sản phẩm bất động sản được chiết khấu tới 50% là sản phẩm hình thành trong tương lai. Nếu quá chủ quan, nhà đầu tư có nguy cơ chuyển từ rủi ro trái phiếu sang một tài sản rủi ro khác.

“Trong trường hợp thủ tục, hồ sơ pháp lý của sản phẩm bất động sản không có vấn đề, nhà đầu tư có thể cân nhắc chuyển đổi như doanh nghiệp đề nghị. Tất nhiên, với việc thị trường bất động sản cũng đang có xu hướng trầm lắng, khoản chiết khấu mà doanh nghiệp đưa ra sẽ là một động lực để nhà đầu tư đưa ra quyết định”, luật sư Đãng nói.

Với tình hình thị trường TPDN hiện nay, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Phân tích dữ liệu FiinGroup, cho rằng, nếu không tháo gỡ các vướng mắc, thị trường sẽ đối mặt 3 rủi ro lớn. Thứ nhất, nhà đầu tư mất niềm tin tiếp tục tháo chạy khỏi trái phiếu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Thứ hai, vỡ nợ trái phiếu và vi phạm chéo tiếp tục lan rộng. Cuối cùng, khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp sẽ ngày càng trầm trọng, từ đó gia tăng nợ xấu ngân hàng.

Ngoài ra, rủi ro còn đến từ khả năng tháo chạy của dòng vốn ngoại và nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

MỚI - NÓNG