Trải lòng của nữ đại biểu Quốc hội tự ứng cử: Đã hứa thì phải thực hiện bằng được

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Từ nhỏ, cha tôi luôn dạy phải tiết kiệm lời hứa và đã hứa thì phải cố gắng thực hiện cho bằng được”, bà Khương Thị Mai, người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV chia sẻ.

Tân đại biểu Quốc hội khoá XV, bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung Việt Nam, 1 trong 4 người tự ứng cử được bầu, trò chuyện với Tiền Phong.

Đã hứa phải cố gắng thực hiện

Trải lòng của nữ đại biểu Quốc hội tự ứng cử: Đã hứa thì phải thực hiện bằng được ảnh 1

Bà Khương Thị Mai, 1 trong 4 đại biểu tự ứng cử được bầu làm đại biểu Quốc hội

có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi là 1 trong 4 đại biểu tự ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa mới?

Tôi rất vui và vinh dự khi được cử tri nơi ứng cử tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XV. Tôi nhận thức sâu sắc đây vừa là vinh dự, song cũng là trách nhiệm lớn trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Cá nhân tôi sẽ nguyện cố gắng hết sức để đem năng lực và tâm huyết để thực hiện tốt vai trò của người đại biểu nhân dân. Đồng thời là giám đốc điều hành doanh nghiệp, tôi cũng sẽ có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như của tỉnh nhà.

Tôi sẽ không ngừng học hỏi, tu dưỡng để nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt những điều mình đã hứa với cử tri và nhân dân. Những điều mình đã hứa thì phải quyết tâm thực hiện cho được. Từ nhỏ, cha tôi luôn dạy phải tiết kiệm lời hứa của mình và đã hứa thì phải cố gắng thực hiện cho bằng được.

Từng là một Phó chủ tịch HĐND tỉnh, động lực, cơ duyên nào để bà quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi và tự ứng cử?

Tôi thuộc trường hợp những người không đủ tuổi tái cử, nên nghỉ hưu trước tuổi theo quy định. Sau đó, tôi có tham gia điều hành doanh nghiệp. Quá trình công tác, tôi cũng tích luỹ được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh tế, điều hành doanh nghiệp, tôi có nhiều góc nhìn mới hơn.

Tôi cũng mong muốn đưa kiến thức, kinh nghiệm bản thân đóng góp một phần nhỏ bé cho Quốc hội, mong muốn truyền tải, hiện thực hoá những kiến nghị chính đáng của cử tri. Đồng thời tôi cũng muốn có cơ hội được học hỏi, hoàn thiện bản thân hơn nữa từ những đại biểu Quốc hội. Đây chính là hai động lực lớn nhất, mạnh mẽ nhất để tôi quyết định ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Từng có kinh nghiệm nhiều năm làm phó chủ tịch HĐND tỉnh, chắc hẳn đây sẽ là một điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghị trường tới đây của bà?

Bản thân tôi đã có 30 năm công tác, trải qua rất nhiều môi trường, vị trí. Thời gian làm đại biểu HĐND tỉnh, trong vai trò đại biểu chuyên trách cũng mang lại cho tôi nhiều kiến thức bổ ích, giúp tôi đóng góp nhiều hơn cho xã hội và nhân dân.

Khi đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, tôi thấy mình cần có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để quyết định những vấn đề quan trọng, tham gia giám sát tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, tôi thường xuyên học hỏi, cập nhật các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và luôn nắm vững định hướng phát triển, lắng nghe ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân.

Đặc biệt, bản lĩnh của đại biểu dân cử là điều rất quan trọng, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết và sẵn sàng thể hiện quan điểm, chính kiến của bản thân với tinh thần xây dựng và thiện chí. Nhờ đó mà những nội dung tôi điều hành, kết luận đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như cử tri và nhân dân.

Cấp thiết sửa Luật Đất đai

Là một đại biểu khối doanh nghiệp, doanh nhân tham gia Quốc hội lần này, bà sẽ quan tâm tới lĩnh vực gì nhất trong hoạt động nghị trường?

Trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, Quốc hội sẽ luật hoá các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2045. Đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao. Tuy nhiên để thực hiện được những mục tiêu này, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Tôi cũng hứa với cử tri sẽ cố gắng tham gia, để Quốc hội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tạo việc làm cho lao động ngay tại quê hương. Như vậy người lao động đỡ phải đi xa, đáp ứng được nguyện vọng “ly nông bất ly hương”, muốn làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua kinh nghiệm thực tế, nhiều ngành liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng, các doanh nghiệp rất cần, nhưng nguồn cung còn hạn chế, đặc biệt là lao động có chất lượng cao, được đào tạo bài bản.

Tôi thấy còn nhiều con em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng vẫn chưa có việc làm. Khi trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở có sự kết hợp ba bên giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Quốc hội có chức năng lập pháp, quy định tương đối đầy đủ rồi, tuy nhiên cũng có những quy định chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn. Khi còn công tác ở địa phương, tôi thấy những kiến nghị của cử tri chủ yếu là liên quan đến vấn đề đất đai. Trong đó nguyên nhân của sự bất cập là những quy định của Luật Đất đai chưa thực sự phù hợp.

Cho nên theo tôi Quốc hội phải hoàn thiện thể chế, rà soát lại các quy định, đáp ứng với sự phát triển kinh tế xã hội và tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng, cấp thiết nhất là cần sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật liên quan.

Tôi rất tâm đắc với câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Nguyện vọng của cử tri hình thành nên chính sách”. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng cập nhật kỹ năng, kiến thức, làm sao có lý lẽ để thuyết phục được Quốc hội và 499 đại biểu trong từng nội dung mình góp ý, tham gia.

Theo bà, đâu là những rào cản, vướng mắc nhất của doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân hiện nay?

Trong thời gian này, đặc biệt trước đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua giai đoạn rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã bị giải thể, phá sản. Nên đầu tiên là phải đẩy nhanh việc cải cách hành chính, giúp môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, rồi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời loại bỏ những giấy phép con, thủ tục hành chính rườm rà, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG