Trách nhiệm

Trách nhiệm
TP - Từ sau bão melamine, nỗi khổ cứ ngấm sâu dần vào nông dân chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc; Phù Đổng, Ba Vì (Hà Nội)... Vào đầu tháng 10/2008, nông dân đã phải vắt sữa bò tưới cây, nuôi lợn.

Cay đắng quá, dân kiện, đòi Bộ Y tế bồi thường. Không cần nghiên cứu lịch sử, họ nếm vị chua chát của thời kỳ khủng hoảng thừa như năm 1929-1930.

Các nhà tư bản Mỹ xưa đổ hàng ra biển, còn nông dân ta đổ sữa định kỳ. Có vẻ như cả người đổ và người nhìn thấy hành động đổ sữa ở Hà Nội đều vô tình không biết hàng triệu trẻ em ở vùng núi cao, nông thôn nghèo khó khát sữa lắm lắm?

Lỗi ở ai khi mà nông dân chỉ đòi kiện Bộ Y tế? Khi chưa có ngưỡng melamine, bò sữa vẫn là bò sữa, nhà khoa học phân tích của Bộ Y tế vẫn là nhà khoa học!

Khi đặt được ngưỡng melamine, bò sữa đang biến thành bò thịt, nông dân từ giàu có dần trở nên khánh kiệt; người tiêu dùng đang được dùng sữa ngon, rẻ, bổ bỗng trở nên kẹt sỉ phải cân nhắc hành vi mua món hàng vừa túi tiền.

Còn nhớ, vị giáo sư gạo cội ngành nông nghiệp khi hay tin sữa bò bị tưới cây, kêu gọi ba nhà vào cuộc cứu giúp. Nông dân nghe, hứng khởi chút ít nhưng lại cô đơn đổ sữa đến bây giờ. Buồn thay khi số mạng của ai đó cứ ngửa tay xin cơm thì cuộc đời chỉ ban cho vỏn vẹn hòn đá.

Ngại ngần khi thay vì khám bệnh, hỗ trợ cho nông dân, các nhà (quản lý, khoa học...) lại đi chẩn đoán hết mắm tôm chứa phẩy khuẩn tả, đến khăng khăng đòi sữa nhiễm melamine phải dưới ngưỡng an toàn. Sự khám phá cao siêu kiểu này khiến các em nhỏ ở nông thôn nghèo khó ăn mắm tôm liên miên tủm tỉm nghi ngờ kiến thức đơn giản luôn đúng của mình trong giây lát: Trong độ mặn lớn như vậy, lại có con gì đó sống được?! 

Mọi vấn đề bức bí nếu tìm sẽ có lối ra. Tranh cãi vô biên thì tất yếu cũng có trọng tài. Nông dân đổ sữa nhiều tháng không thể là chuyện đùa! Trả lời Tiền Phong ngày 16/10/2008, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, đã soạn nhiều văn bản kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức thu mua sữa cho dân; đã nghĩ đến việc kiến nghị cấp trên hỗ trợ thu mua sữa cho nông dân thông qua cấp tiền cho doanh nghiệp mua sữa bò tươi.

Thêm nữa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khi có lời chia sẻ với bà con nông dân nuôi bò sữa ở Mê Linh, Phù Đổng, còn nói: “Bộ trưởng đã uống sữa Hanoimilk!” Như thế đủ chưa?.

Giá như trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chọn được nhiều người hết lòng với khoa học, với nhân dân; khi nông dân đã phải đổ sữa ra đường, bán bò giá bèo, khánh kiệt gia sản, thì cần có biện pháp hữu hiệu hơn để giải quyết vấn đề.

MỚI - NÓNG