5 cơ hội lớn
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, về mặt kinh tế, Việt Nam sẽ đạt được các lợi ích lớn, lợi ích cốt lõi khi tham gia TPP với khoảng 5 cơ hội lớn. Cụ thể, đối với ngành dệt may, thuế nhập khẩu vào Mỹ giảm 50% ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực (tương đương 1 tỷ USD) và tăng lên trong những năm tiếp theo sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 30%/năm. Với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, Việt Nam vẫn được hưởng một số điều khoản linh hoạt, như nhập nguyên liệu từ nước thứ ba để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ vẫn được hưởng ưu đãi theo TPP. Đối với ngành da giầy, việc dự kiến giảm khoảng 60% số thuế nhập khẩu phải nộp cho Mỹ giúp kim ngạch xuất khẩu có thể tăng khoảng 25% so với tốc độ tăng 15% trước khi tham gia TPP. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên.
Ngoài ra, tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu) và cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc. Cùng đó, Việt Nam có cơ hội tận dụng các ưu đãi, mở cửa thị trường của các nước để phát triển, thu hút mạnh đầu tư và công nghệ tiên tiến, chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản. Ở góc độ doanh nghiệp, các đơn vị sẽ có cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm chính phủ, tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư các nước thành viên TPP.
Đặc biệt, việc tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. “Tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ khẳng định vai trò, vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đi đôi với tăng cường quốc phòng, an ninh”, Bộ Công Thương đánh giá.
Nhiều doanh nghiệp có thể phá sản
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tham gia TPP cũng đem lại nhiều rủi ro, thách thức, vì Việt Nam là nước thu nhập trung bình, trình độ nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong 12 quốc gia thành viên TPP với hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chất lượng nguồn nhân lực thấp; thể chế kinh tế và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập.
Mở cửa thị trường là nội dung chủ yếu của TPP. Tuy Việt Nam được chấp nhận mở cửa theo lộ trình đối với nhiều lĩnh vực, mặt hàng, nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ mất thị phần thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mua sắm chính phủ. Cùng đó, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chia sẻ lợi ích cho doanh nghiệp nước ngoài, đối mặt nguy cơ giảm việc làm cũng như khả năng nhiều doanh nghiệp bị phá sản, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, kéo theo nhiều hệ lụy về chính trị, văn hóa và xã hội.
Do quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn. Thống kê cho thấy, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán ở Việt Nam năm 2013 là 45 tỷ USD với hơn 800 doanh nghiệp niêm yết nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp vốn hóa trên 5 tỷ USD, 8 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD , trong đó có 3 ngân hàng, 1 công ty về gas. Trong nhóm cổ phiếu VN30, chỉ có 2 công ty có giao dịch trên 2 triệu USD/ngày, 13 công ty có giá trị giao dịch trung bình 1-2 triệu USD/ngày. Với tỷ lệ sở hữu tối đa theo quy định, nhà đầu tư ngoại chỉ cần bỏ ra 3 tỷ USD là mua hết cổ phần trong rổ chỉ số VN30 và chỉ cần bỏ ra 6 tỷ USD là mua “kịch room” trên thị trường chứng khoán.
Theo Bộ Công Thương, để đón bắt cơ hội và vượt qua thách thức khi thực hiện TPP, Việt Nam phải tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tới mức trung bình của Thái Lan, Malaysia, Singapore vào năm 2020. Cùng đó, cần rà soát, bổ sung và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ gia nhập, hoạt động đến rút khỏi thị trường gắn với yêu cầu thực tiễn và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế. Việc nâng cao chất lượng ban hành chính sách, pháp luật cũng là yếu tố được coi là rất quan trọng trong việc tạo môi trường, động lực cho doanh nghiệp phát triển.