Ngày 19/12, UBND TPHCM phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM đang chuẩn bị các điều kiện, các chương trình cần thiết và dự kiến ngày 31/12 tới sẽ làm lễ công bố thành lập TP Thủ Đức.
Ông Phong cũng cho biết, để chuẩn bị cho bộ máy chính quyền TP Thủ Đức, TPHCM đã đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét thêm số lượng Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức tối đa là 4 người. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức không quá 13 phòng, trong đó có 10 phòng theo Nghị định 108 năm 2020 và 3 cơ quan khác. Số lượng phó phòng bình quân của mỗi phòng là 3 người.
Trước đó, theo phương án Sở Nội vụ trình UBND TP HCM, UBND TP Thủ Đức có một Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch, 653 công chức, nhân viên sẽ đảm nhiệm công việc tại các phòng, ban; nhân sự của cơ quan Đảng là 128 người, gồm: Bí thư, Phó bí thư, các trưởng ban; biên chế Ủy ban MTTQ và các đoàn thể là 112 người.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, UBND TP Thủ Đức có thể trình HĐND cùng cấp thành lập cơ quan khác phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
“TP Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ, do đó cần thiết phải có phòng khoa học - công nghệ", ông Phong nhận xét.
Chủ tịch UBND TPHCM nói quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ chuẩn bị, thành phố nhận thấy cần đề xuất một chương nhằm quy định cơ sở nền tảng cho việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM như cơ cấu bộ máy, vấn đề ngân sách của thành phố theo tinh thần Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 6 Nghị quyết 1111 quy định Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định và trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù với TP Thủ Đức thuộc TP HCM để thực hiện từ năm 2021. Đây là cơ sở để thành phố chuẩn bị tốt nhất cho tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết sau khi Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Bội Nội vụ đã phối hợp với UBND TPHCM, các bộ ngành liên quan dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM dựa trên cơ sở của Luật Chính quyền địa phương, các luật có liên quan và Nghị quyết 131/2020/QH14. Hiện nay, dự thảo đang tiếp tục lấy ý kiến nhằm hoàn thiện để trong thời gian ngắn nhất trình Chính phủ ban hành Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 và triển khai thực hiện từ 1/7/2021.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, dự thảo Nghị định có 7 chương và 44 điều; trong đó liên quan đến các vấn đề như tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường; tổ chức bộ máy với UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn quận, phường; chế độ công chức, viên chức khi triển khai thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM, đặc biệt là các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn quận và phường; dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước khi mà quận, phường không còn tổ chức HĐND.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho hay bên cạnh Đề án về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được Quốc hội thông qua, TPHCM cũng xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Đây là mô hình mới trong tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2, dân số hơn một triệu người.
Dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Thành phố này đang được kỳ vọng trở thành động lực thúc đẩy TPHCM và vùng Đông Nam Bộ phát triển.