Kỳ công bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm

Đo kích thước rùa Hoàn Kiếm sau khi bẫy bắt được.
Đo kích thước rùa Hoàn Kiếm sau khi bẫy bắt được.
TPO - Hồ Đồng Mô rộng 1400ha với nhiều ngóc ngách, đảo nổi, vùng nước sâu, trở thành thách thức cho việc bẫy bắt cá thể rùa Hoàn Kiếm sống tại đây.

Việc bẫy bắt, xác định giới tính rùa Hoàn Kiếm là một phần trong Kế hoạch 200 của UBND thành phố Hà Nội về Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030, đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Ngay cuối năm 2018, khi Kế hoạch 200 được ban hành, cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn đã lên kế hoạch bẫy bắt cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Theo anh Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP), việc bãy bắt gặp nhiều thử thách vì đây là lần đầu tiên ở Việt Nam cũng như thế giới thực hiện bẫy bắt một cá thể rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên. Chưa kể, hồ Đồng Mô có diện tích rộng tới 1400ha với nhiều ngóc ngách và vùng nước sâu. Loài rùa Hoàn Kiếm lại có tập tính sinh sống bí ẩn, hoang dã, thường dành nhiều thời gian ngâm mình dưới nước sâu.

Kỳ công bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm ảnh 1  

Đội ngũ thú y tiến hành lẫy mẫu của cá thể rùa Hoàn Kiếm để tiến hành phân tích gene. Ảnh: ATP.

Từ đầu năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thực hiện nhiều cuộc họp tham vấn và đánh giá nhằm xây dựng các phương pháp kỹ thuật; tiến hành thêm các cuộc khảo sát khu vực hồ và lựa chọn vị trí đặt bẫy. 

Anh Hà chia sẻ, cơ quan chức năng và giới chuyên gia đã lên nhiều phương án để thử nghiệm. Đến tháng 5/2019, hội thảo lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia về việc bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm được tổ chức. Sau nhiều thảo luận, khảo sát và thử nghiệm, Tổ Công tác đã quyết định sẽ áp dụng đồng thời cả 3 phương án là bẫy nước sâu, lưới vét và lưới 3 lớp.

Nhóm các thợ lặn của Viện Nghiên cứu hải sản cũng có mặt để khảo sát đáy hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh, nơi hai cá thể rùa Hoàn Kiếm của Việt Nam sinh sống.

Sau khi chốt được phương án, kế hoạch bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm được lên kế hoạch vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch này do nhóm thú y và các chuyên gia quốc tế không thể đến Việt Nam. Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 9 năm 2020, nhóm thực địa bao gồm ngư dân địa phương, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội, tổ chức IMC và tổ chức WCS đã dành nhiều tuần để thả lưới, khoanh vùng khu vực bẫy bắt, đảm bảo quan sát được rùa trong khu vực 90ha được ngăn bằng lưới, thay vì 1,400ha diện tích toàn bộ hồ.

Kỳ công bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm ảnh 2Siêu âm để xác định giới tính cá thể rùa Hoàn Kiếm bẫy bắt được ở hồ Đồng Mô. Kết quả cho thấy đây là một cá thể cái. 

Vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, cá thể rùa được nhìn thấy bên cạnh hàng rào lưới và nhóm thực hiện đã nhanh trí quây bắt và được đưa vào bể nuôi tạm thời trên một đảo nhỏ tại hồ. Chỉ trong vòng vài giờ, đội ngũ thú y từ WCS, ATP/IMC, và bác sĩ thú y quốc tế từ trung tâm cứu hộ gấu Four Paws Viet đã có mặt, với thiết bị siêu âm để thu mẫu và xác định giới tính cá thể này. 

Với sự khẩn trương và phối hợp chặt chẽ của các nhóm (Tổ bẫy bắt và Tổ chăm sóc và Thú y), vào ngày 23 tháng 10 năm 2020, cá thể rùa được kiểm tra sức khỏe, được siêu âm, gắp chip, các loại mẫu đã được thu thập để xác định loài phục vụ cho kế hoạch bảo tồn trong tương lai, và được cân đo với trọng lượng là 86kg và dài 1m. Ngay sau đó, cá thể cái này được thả lại xuống hồ vào cùng ngày.

Sau khi bẫy bắt thành công cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, Tổ công tác đang lên kế hoạch cho việc bẫy bắt cá thể rùa Hoàn Kiếm còn lại ở hồ Đồng Mô và cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh với hy vọng có thể hoàn thành công việc vào mùa xuân năm tới. Theo đại diện của ATP việc bẫy bắt và xác định giới tính loài của các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam sẽ là điều kiện tiên quyết cho kế hoạch nhân nuôi, bảo tồn loài trong những năm tới.

MỚI - NÓNG