Chiều ngày 9/2, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM dưới hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ thường trực đặc biệt chống COVID-19 tại TPHCM của Bộ Y tế cho biết, các ca bệnh ban đầu được ghi nhận tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhấ. Lúc đầu tưởng đơn giản nhưng nảy sinh tình huống rất bất ngờ là F1 âm tính nhưng 15 ca F2 lại dương tính.
“Về mặt logic, BN 1979 không phải ca đầu tiên, chúng tôi đang điều tra tìm hiểu rõ. Trong sáng nay, khi họp với Sở Y tế, HCDC, Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của TPHCM, đặc biệt các đội nhóm truy vết, phản ứng nhanh của HCDC và các quận huyện. Chúng ta càng làm nhanh càng đuổi được dấu vết của virus. Phải tăng cường công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch cách ly càng sớm càng tốt” – ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, TPHCM cần quy định thời gian lấy mẫu xong bao lâu phải có kết quả, tránh để mẫu lâu quá một ngày, không theo kịp sự lây lan của virus. Việc đẩy nhanh xét nghiệm còn góp phần giúp lý giải tại sao F1 âm tính mà F2 lại dương tính. Các xét nghiệm tại TPHCM hiện tiến hành theo phương pháp RT-PCR có giá trị khẳng định, tuy nhiên thời gian có kết quả hơi lâu, nhanh nhất cũng phải mất 24 giờ.
Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus trong máu (xét nghiệm nhanh) cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm, hoặc trước đó phơi nhiễm với virus hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng SARS-CoV-2.
Xét nghiệm này thường chỉ định cho các trường hợp sau hai tuần bị phơi nhiễm, thời gian đủ để cơ thể sản xuất ra kháng thể. Kỹ thuật đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh nhưng nếu làm sớm trong hai tuần đầu khi cơ thể chưa sinh ra kháng thể thì kết quả vẫn âm tính mặc dù cơ thể đã nhiễm SARS-CoV-2. Trong trường hợp kết quả dương tính, cũng không thể xác định được kháng thể được sinh ra trong lần nhiễm gần đây hay lần nhiễm trong quá khứ. Khi đó, cần làm bổ sung xét nghiệm RT-PCR để có khẳng định chính xác.
Do đó xét nghiệm kháng thể mang ý nghĩa sàng lọc nhanh nhưng không khẳng định, mà cần xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR.
Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị thuộc Bộ tại TP.HCM và khu vực lân cận sẵn sàng nguồn lực trong truy vết, giám sát dịch tễ, xét nghiệm, không để tình trạng chờ kết quả như hiện nay. Tại sân bay Tân Sơn Nhất phải tăng cường thêm công tác rà soát, quét đi quét lại. Chiều nay sẽ lấy 1.600 mẫu máu làm xét nghiệm kháng thể để tiếp tục truy vết thêm những kháng thể dương tính.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Pasteur TPHCM đẩy nhanh tốc độ phân tích chủng gen, đặc biệt các chủng đột biến xem có liên quan đến ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh hay chủng Anh, Nam Phi hay không.
Khẳng định tình hình dịch bệnh ở TPHCM hiện nay đang ở mức độ nguy cơ rất cao, và sẵn sàng có kịch bản cho tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị, ngành y tế Thành phố phối hợp với Bộ Y tế nhanh chóng chuẩn bị các bệnh viện dã chiến; các khu cách ly tập trung ở các quận, huyện; đồng thời sẵn sàng trưng dụng đội ngũ, cơ sở vật chất của các cơ sở y tế vào công tác phòng chống dịch nếu có tình huống khẩn cấp. Ngoài Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Bệnh viện Ung bướu… thì các cơ sở y tế khác cũng phải sẵn sàng từ đội ngũ, cơ sở vật chất cho các tình huống đặc biệt.
“Từ khi tiếp nhận 2 ca đầu tiên của cha con người Trung Quốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cho đến thời điểm này thì chưa có lúc nào lúc các ca bệnh lên hơn 30 ca như lần này. Tinh thần chống dịch là phải khẩn trương, thần tốc, quyết liệt, đồng bộ để phòng chống dịch được hiệu quả. Vì sự bình yên, an toàn của người dân Thành phố, các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành chia sẻ, luôn trong tư thế sẵn sàng khi có triệu tập phải có mặt phối hợp hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của người dân. Chúng ta không được rời khỏi vị trí chiến đấu vì bình yên của người dân Thành phố” – ông Phong nói.