Theo báo cáo của Sở Du lịch, TPHCM hiện có trên 200 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có khoảng 150 công trình được xây dựng, lắp đặt tại các bến xe, nhà ga, chợ, khu vực đông người. Nhiều công trình đã xuống cấp, mất vệ sinh, gây tâm lý ngán ngại cho người dân và du khách.
Ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Du lịch cho biết trong số 39 khu, điểm du lịch đã kiểm tra, khảo sát trong hai năm 2014, 2015, đến nay mới có 12 khu, điểm tham quan đã sửa chữa hoặc có dự án đầu tư chỉnh trang, nâng cấp nhà vệ sinh phục vụ du khách, trong đó có 5 điểm tham quan, du lịch đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn.
12 khu, điểm tham quan còn lại sớm nhất đến cuối năm mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong số đó có nhiều khu du lịch là điểm đến của du khách trong v2 ngoài nước như khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Khu du lịch Văn Thánh, chợ Bình Tây, địa đạo Phú Thọ Hoà, Lăng ông Bà Chiểu, Hội quán Tuệ Thành, chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Xá Lợi, khu di tích Ngã ba Giồng…
Có 5 điểm tham quan, khu du lịch, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách tham quan. Việc nâng cấp, cải tạo, xây mới đang gặp nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng. Chợ vải Soái Kình Lâm (thương xá Đồng Khánh) không còn diện tích để xây thêm. Hai khu vực nhà vệ sinh hiện hữu của chợ không đủ chuẩn và không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách.
Tại buổi làm việc, phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh TPHCM là một đô thị lớn, tập trung rất đông du khách nên không thể thiếu nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu tế nhị của du khách, người lao động tự do và người dân từ địa phương khác đến TPHCM.
Sở TNMT đã được giao xây dựng đề án quy hoạch hệ thống các nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách trình UBND TPHCM phê duyệt
Trước mắt, TPHCM tập trung chỉnh trang, nâng cấp các nhà vệ sinh hiện có, đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh để phục vụ nhu cầu của du khách và người dân.
Sắp tới, thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hoá, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, đổi lại, DN được quảng cáo, lắp đặt máy rút tiền ATM… tại vị trí lắp đặt. Riêng tại khu vực trung tâm thành phố có thể sẽ lắp đặt các kios vừa là nhà vệ sinh vừa bán hàng lưu niệm,... không chỉ đảm bảo vệ sinh mà toàn bộ quy trình hoàn toàn tự động, thiết kế độc đáo, lạ mắt nhằm thu hút du khách.
Nhà vệ sinh chuẩn 4 sao phục vụ khách tham quan tại công viên Lê Văn Tám.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vỉnh Tuyến làm việc với các sở ban ngành chiều nay.
Theo ông Tuyến, nhà vệ sinh cũng là hạ tầng. Nhà nước đã có chủ trương đổi đất lấy hạ tầng nên Sở TNMT cần nghiên cứu, vận dụng chủ trương này như vận động các DN bỏ vốn xây dựng nhà vệ sinh. Đổi lại, thay vì trả bằng tiền, UBND thành phố sẽ giao cho DN một số khu đất đã khấu trừ tiền sử dụng đất. TPHCM sẽ kêu gọi đầu tư đồng loạt chứ làm manh mún từng cái thì không đáp ứng đủ nhu cầu.
“Nhà vệ sinh thì dứt khoát không được mất vệ sinh và không để trở thành nơi tụ tập các thành phần bất hảo, cho vay nặng lãi, ma tuý như tại nhà vệ sinh công cộng ở khu vực Nguyễn Thái Bình (quận 1), gây ngán ngại cho du khách và người dân” – ông Tuyến nhấn mạnh.