Sau vụ cháy chung cư Carina

TPHCM: 'Tháo chạy' khỏi chung cư

Chung cư Carina tan hoang sau vụ cháy làm 13 người chết rạng sáng 23/3.
Chung cư Carina tan hoang sau vụ cháy làm 13 người chết rạng sáng 23/3.
TP - Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, nhiều người dân có tâm lý e ngại, thậm chí bỏ ý định mua căn hộ bán tháo căn hộ, chuyển sang nhà đất.

Sợ chung cư

Vụ cháy làm 13 người chết, hàng chục người bị thương xảy ra tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TPHCM) khiến nhiều người dân ở đây trở nên lo sợ, muốn bán căn hộ để đi tìm nơi ở khác an toàn hơn. Thậm chí nhiều người dự định chấp nhận bán lỗ vốn.

Bà Nguyễn Thị Vân (ở tầng 3, lô B, chung cư Carina) cho hay, trong đêm xảy ra vụ cháy, gia đình bà không có ở chung cư mà đi chơi nên cả gia đình may mắn thoát nạn. Đến sáng sớm, nghe tin chung cư bị cháy, bà quay về thì thấy căn hộ của mình tan hoang, khu hành lang hoang tàn, khói đen bám xám xịt.

Sau vụ cháy vài ngày, gia đình bà Vân đến dọn tài sản đi tìm nơi ở tạm trong thời gian chờ sửa căn hộ. Tuy nhiên, bà cũng đang phân vân có nên quay lại ở trong căn hộ đó hay bán để đi tìm mua nhà đất. “Giờ không biết nên ở hay đi. Ở thì vừa ngủ vừa run, không biết hoả hoạn sẽ ập đến lúc nào. Còn đi thì phải chấp nhận bán lỗ, bán tháo, chứ giờ nhắc đến chung cư này, ai dám vào mua nữa”, bà Vân nói.

Chị Nguyễn Thị Phương (lô C, chung cư Carina) cho hay, chị mua căn hộ tại đây với giá hơn 1 tỷ đồng và mới dọn về ở chưa lâu. Dù ban đầu xác định mua căn hộ để an cư, yên ổn làm ăn, nhưng khi xảy ra vụ cháy, chị luôn trong tình trạng lo sợ và muốn bán căn hộ để đi tìm mua đất nền. “Mua hơn 1 tỷ, ở chưa được bao lâu nhưng giờ chắc tôi phải bán để tìm nơi ở an toàn hơn, ở chung cư mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ thì thà bán lỗ đi nơi khác”, chị Phương tâm sự.

Cũng lo cho sự an toàn của gia đình khi ở chung cư, nhiều người dân chấp nhận mất tiền, huỷ hợp đồng đặt cọc căn hộ mới. Anh Nguyễn Văn Tân (quê Hà Tĩnh) vừa quyết định bỏ 50 triệu đồng tiền đã đặt cọc mua căn hộ cao cấp ở quận 4, TPHCM để chuyển hướng sang tìm mua đất nền.

Chọn nhà đất hay chung cư?

Theo anh Tân, dự án anh dự định mua thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, chủ đầu tư hứa hẹn trang bị đầy đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy hiện đại, nội thất cũng được làm từ chất liệu chống cháy. Tuy nhiên, gia đình anh vẫn không yên tâm nên quyết định đổi hướng. “Thà chấp nhận mất 50 triệu nếu chủ đầu tư không cho lấy lại tiền, chứ bỏ mấy tỉ ra để ở chung cư mà không thấy an toàn, không thoải mái về tâm lý thì... Biết rằng tìm mua đất hiện nay rất khó, nhưng mình cũng ráng kiếm ở khu vực xa xa”.

Việc người dân có tâm lý lo ngại ở chung cư khiến nhiều người môi giới bất động sản cũng lâm vào cảnh trầy trật nhiều ngày qua vì khách hàng liên tục huỷ hợp đồng, chuyển hướng. Anh Nguyễn Văn Hưng, nhân viên kinh doanh căn hộ ở quận Thủ Đức, TPHCM, cho biết, mấy ngày qua anh liên tục bị “vỡ” hợp đồng dù lúc trước đã thoả thuận giá cả và dẫn khách đi xem căn hộ. “Dù chấp nhận mua căn hộ ở quốc lộ 13 với giá 1,3 tỷ đồng nhưng đến hẹn giao tiền thì khách gọi điện nói không mua nữa vì lo sợ sau vụ cháy chung cư Carina. Dù mình đã cố thuyết phục, đảm bảo an toàn PCCC ở đây nhưng khách vẫn không mua nữa”, anh Hưng nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, nhiều người dân đổ xô đi tìm mua đất nền mặc dù giá đất liên tục tăng, dịch vụ môi giới nhà đất cũng bùng nổ kể từ sau vụ cháy chung cư Carina. Sau khi huỷ hợp đồng mua căn hộ ở quận 12, TPHCM, anh Nguyễn Như Quỳnh (quê Đồng Nai) đi tìm mua đất nhiều ngày qua nhưng vẫn chưa mua được vì giá đất quá cao, khu vực ngoại thành thì quá xa và chỉ có giấy tờ tay. “Dự định ban đầu là mua căn hộ chung cư ở quận 12 với giá hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vụ cháy chung cư, mình thấy hơi lo nên thôi, chịu khó đi tìm đất ở ngoại thành để xây nhà, anh nói”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, vụ cháy chung cư Carina phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi lựa chọn giữa chung cư hay nhà đất. Không chỉ chung cư Carina, ông Châu thống kê, từ năm 2012 đến tháng 9/2016, TPHCM đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó có 26 vụ cháy tại các chung cư. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư cho người dân vào ở dù chưa được thẩm định an toàn PCCC, thiết bị PCCC không đảm bảo…

“Có chung cư đang xây dựng nhưng vẫn cho người dân vào ở, nhiều chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy. Có trường hợp, cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu dành đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố; có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...”, ông Châu nói.

Ông Châu cho rằng, vụ cháy chung cư Carina tác động tâm lý người dân lựa chọn chung cư hay nhà đất, tuy nhiên, tác động này chỉ xảy ra trong ngắn hạn bởi ở chung cư là xu thế toàn cầu, không riêng Việt Nam. Nhu cầu nhà ở chung cư tại TPHCM rất lớn và không hề giảm trong vài chục năm tới, ông nhận định.

Chuyên gia nói gì?

Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên BCH Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

Mọi người nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan về vấn đề cháy nổ trong thời gian vừa qua. Hiện nay có rất nhiều tòa nhà cao tầng được thiết kế theo hướng tiết kiệm mặt bằng, tăng diện tích căn hộ để bán và giảm diện tích phục vụ tiện ích công cộng, chủ đầu tư thu lợi lớn nhưng lại đe dọa tính mạng cư dân nếu xảy ra cháy, nổ. Mặc dù quy trình thiết kế, thẩm định, lắp đặt, kiểm tra hệ thống PCCC tại các chung cư, tòa nhà cao tầng trên thực tế được tổ chức, thực hiện rất chặt chẽ nhưng vẫn chưa đủ để bảo đảm an toàn. Ví dụ có thể nhận diện các loại thiết kế không an toàn như: khép kín, căn hộ bao vây toàn bộ các hành lang sảnh tầng nên khi cháy, khói len lỏi vào các sảnh tầng phía trên, khiến cư dân không thấy đường đi, dễ bị chết ngạt do quá kín. Ngoài ra, sảnh tầng có giếng trời ở giữa để lấy một phần gió và ánh sáng từ trên cao xuống như chủ đầu tư áp dụng tại chung cư Carina, vụ cháy xảy ra, giếng trời vô tình trở thành ống dẫn khói lên các tầng cao, gây ra vụ thương tâm khiến hàng chục người thương vong.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản

Vụ cháy tại tầng hầm chung cư Carina khiến những người đang có ý định mua căn hộ ở TPHCM sẽ có tâm lý cân nhắc, có nhiều giao dịch phải dừng lại vì biết được thông tin xấu này. Để biết mức độ thị trường căn hộ bị ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm thì cơ quan chức năng phải xác định lỗi thật sự do ai gây ra. Do ý thức của cư dân hay do góc độ quản lý kém của nhà chức trách. Vấn đề này còn đợi thời gian kiểm chứng, nhưng ở góc độ thực tế thì mức độ ảnh hưởng tới thị trường căn hộ nói chung hiện nay là có. Vụ hỏa hoạn này đã để lại rất nhiều bài học cho chủ đầu tư suy ngẫm về khâu vận hành quản lý sau khi đưa tòa nhà vào sử dụng.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang

Chắc chắn thị trường căn hộ sẽ chịu tác động không tốt từ vụ cháy chung cư Carina. Chẳng hạn như thời gian tìm hiểu dự án sẽ kéo dài, thời gian giao dịch cũng lâu hơn và việc tư vấn bán hàng cũng khó khăn hơn. Thanh khoản thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng. Người mua cũng sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở chủ đầu tư trong việc lắp đặt, vận hành hệ thống PCCC. Vụ cháy tác động tích cực đến công tác PCCC cho nhà cao tầng trong hiện tại và tương lai. Về nguyên tắc, xây dựng chung cư cao cấp hay vừa túi tiền đều được phê duyệt và nghiệm thu PCCC rất nghiêm ngặt. Do đó, khi xảy ra hỏa hoạn, trách nhiệm kiểm tra của cơ quan chức năng, đơn vị quản lý tòa nhà và ý thức của cư dân rất quan trọng.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TPHCM

Vụ cháy chung cư Carina sẽ làm thay đổi hành vi tiêu dùng và hành vi đầu tư căn hộ của người dân. Thị trường địa ốc ít nhất trong vòng 6-12 tháng tới sẽ bị ảnh hưởng do khách hàng lo ngại, khiến họ ngán căn hộ, rút lại ý định mua, dẫn đến thị trường căn hộ có khả năng tiêu thụ giảm sút. Đây là phản ứng bình thường. Thời gian bị ảnh hưởng ngắn nhất là 6 tháng và dài nhất là một năm. Sau khoảng thời gian nhạy cảm này, thị trường căn hộ sẽ dần bình ổn trở lại và hoàn thiện, thích nghi với những đòi hỏi ngày càng cao về an toàn cháy nổ. Do đó, các doanh nghiệp chỉ cần vượt qua khó khăn này, thực thi các cam kết mạnh mẽ về độ an toàn của nhà chung cư, thì thị trường căn hộ sẽ sớm sôi động trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Vụ cháy này tác động đến hành vi người tiêu dùng, thị trường bất động sản chắc chắn sụt giảm trong vài tháng tới. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu mua căn hộ ở các thành phố lớn ở nước ta rất lớn, thị trường cũng sẽ nhanh chóng hồi sinh. Theo quy định trong xây dựng, khâu thẩm định thiết kế chung cư rất chặt chẽ, khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng cũng rất nghiêm ngặt. Năm 2013, khi sửa luật kinh doanh bất động sản, một số cơ quan ban ngành có đề xuất sau khi chủ đầu tư nghiệm thu PCCC xong, phải thông báo cho Sở Xây dựng biết, để đơn vị này thẩm tra để ra văn bản đủ điều kiện mới được đưa dân vào ở, nhưng quy định này không được đưa vào luật kinh doanh bất động sản. Kỳ này Hiệp hội sẽ kiến nghị quyết liệt để đưa vấn đề này vào luật kinh doanh bất động sản. Để tránh nhũng nhiễu xuất phát từ Sở Xây dựng, Hiệp hội đề nghị thời gian thụ lý giải quyết hồ sơ không được quá 10 ngày, như vậy vừa đảm bảo chặt chẽ an toàn, vừa đảm bảo chuyện gây khó của Sở Xây dựng.

Ngô Bình - Đình Du

MỚI - NÓNG