Liên đoàn Lao động quận Bình Tân TPHCM tặng quà tết cho người dân khó khăn. Ảnh: Hồng Đào |
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, “tâm dịch” TPHCM đã có hơn 17.000 người tử vong. Lần đầu tiên trong lịch sử, đầu tàu kinh tế cả nước tăng trưởng âm…
Hàng hóa dồi dào, giá bình ổn…
Tại buổi đối thoại, nhiều người dân cho biết gần đây, giá rau củ, thịt, cá…đều tăng và lo ngại sắp tới giá cả hàng hóa phục vụ Tết sẽ leo thang khiến cuộc sống người dân vừa gượng dậy sau đại dịch gặp nhiều khó khăn. “Chính quyền có biện pháp gì để kiểm soát giá cả thị trường nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng” - cử tri Huỳnh Thị Đẹp (quận 3) thắc mắc.
Giải đáp thắc mắc của người dân, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá hơn 19.000 tỷ đồng. Với số lượng này, thành phố hoàn toàn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu kịp thời, chi phối giá cả thị trường. Ông Phương khẳng định, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng quan trọng trong ngày Tết như gia súc, gia cầm, trứng,… Hiện nay, các chuỗi cung ứng lớn đều đăng ký tham gia bình ổn thị trường nên bảo đảm trong dịp Tết sắp tới sẽ đủ nguồn hàng cung ứng cho người dân với giá ổn định. Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các hệ thống phân phối tổ chức khoảng 380 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng đến vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Phương, giá một số loại rau củ vừa qua có tăng là do trong thời gian dịch bệnh, các chợ truyền thống ở TPHCM đóng cửa khiến chuỗi cung ứng hàng gặp khó khăn. Nhiều nhà vườn tạm dừng sản xuất làm nguồn hàng trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn đã sản xuất trở lại sau dịch và có thành phẩm cung ứng nên sắp tới giá sẽ ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Sài Gòn Co.op cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng Tết trên 5.000 tỷ đồng, trong đó, nhóm hàng bình ổn giá được dự trữ gấp 2-3 lần thời điểm bình thường. Với sự tham gia của Sài Gòn Co.op và các đơn vị bán lẻ khác, TPHCM đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa Tết cho người dân. Tuy nhiên, ông khuyến cáo người dân có kế hoạch mua sắm hợp lý, tránh tập trung quá đông cùng một thời điểm nhằm bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TPHCM Phạm Minh Tuấn cho biết, với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại các khu xóm trọ, MTTQVN 21 quận huyện và TP Thủ Đức phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức chuỗi “siêu thị mini Tết 0 đồng”, hoạt động từ ngày 8/1. Người dân đến siêu thị sẽ được chọn các sản phẩm ngày Tết yêu thích. Mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng.
Tết nghĩa tình…
Theo ông Phạm Minh Tuấn, ngoài chăm lo Tết cho 2.100 trẻ mồ côi cha mẹ và 380 người già neo đơn sau đại dịch COVID-19, MTTQVN các cấp lên kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội cho bà con từ sớm. “Tết Nhâm Dần đến với bà con trong điều kiện khó khăn hơn do phải chống dịch thời gian dài. Ban Thường trực MTTQVN TPHCM và Trung tâm An sinh đặt ra yêu cầu, cố gắng không để sót người dân cần chăm lo, đảm bảo không để người dân quá khó khăn mà không được quan tâm. Hệ thống MTTQVN các cấp của TPHCM dự kiến huy động hơn 200.000 suất quà trị giá trên 200 tỷ đồng. Riêng Ban thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM và Trung tâm An sinh cũng huy động và hỗ trợ trên 40.000 phần quà trị giá trên 46 tỷ đồng cho các trường hợp khó khăn”, ông Tuấn chia sẻ và cho biết số tiền chăm lo cho người dân Tết năm nay tăng hơn 21 tỷ đồng so với năm ngoái.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, qua khảo sát, có trên 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, làm việc với ngành lao động, các doanh nghiệp cam kết cố gắng thưởng Tết cho người lao động theo quy chế, đồng thời có nhiều chương trình chăm lo cho công nhân lao động như hỗ trợ vé xe, tặng quà hỗ trợ…Theo ông Khiết, để người dân bớt khó khăn, tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức đang khẩn trương hoàn tất việc chi trả gói hỗ trợ thứ 3 trước ngày 15/1 theo chỉ đạo của UBND TPHCM.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết đã trình UBND TPHCM kế hoạch đi thăm và tặng quà bổ sung cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể: Thăm và hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình có người thuộc lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch không may tử vong; thăm và hỗ trợ 2 triệu đồng cho lực lượng tham gia tuyến đầu có cha mẹ tử vong do COVID-19…
900 tỷ đồng lo tết
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã chân thành xin lỗi một cá nhân tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông cho biết đó là sai sót đáng tiếc và đề nghị các đơn vị chức năng rà soát, không để sót bất kỳ trường hợp nào.
Cũng theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, dù khó khăn nhưng TPHCM vẫn chuẩn bị khoản kinh phí 900 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người dân. Ông đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đầy đủ các chương trình chăm lo Tết, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người khó khăn do dịch bệnh, đồng thời vận động các đơn vị trả lương, thưởng sớm để người lao động chủ động mua sắm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; kế hoạch trả lương và các khoản trợ cấp cho công nhân để hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp gặp khó khăn và quan tâm chăm lo cho người lao động, sinh viên không có điều kiện về quê đón Tết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh dự báo vẫn rất khó lường, nhất là biến chủng Omicron đã xuất hiện tại TPHCM. Người dân vui xuân, đón Tết nhưng vẫn không quên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.