TPHCM tầm soát bệnh hoại tử xương hàm mặt hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi mắc COVID-19, nhiều người bị hoại tử xương hàm gây ra những hậu quả nặng nề hoặc tử vong. Sở Y tế TPHCM tiếp tục yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tăng cường tầm soát bệnh hoại tử xương hàm.

Tại TPHCM Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghi nhận 24 trường hợp hoại tử xương sọ mặt trên bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TPHCM cho biết, trong 16 bệnh nhân hoại tử xương hàm trên, có 3 ca hoại tử rất nặng lan lên đến sàn sọ. Bệnh nhân cần phối hợp điều trị của nhiều chuyên khoa nên được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương đã phẫu thuật cho 13 trường hợp lấy hết xương hàm trên hoại tử, sử dụng kháng sinh điều trị hậu phẫu.

Hiện nay, các bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị ngoại trú. Tình trạng khuyết xương sau phẫu thuật ảnh hưởng rất lớn đến chức năng nhai nuốt tác động tiêu cực tới chất lượng sống và tính thẩm mỹ trên gương mặt của người bệnh. Dự kiến, khoảng 6 tháng sau phẫu thuật, nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định và bệnh không tái phát, bệnh viện sẽ tiến hành tái tạo phục hình xương hàm đã bị cắt cho người bệnh.

TPHCM tầm soát bệnh hoại tử xương hàm mặt hậu COVID-19 ảnh 1

Các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt sau can thiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (hàng đầu)

Trong số 11 bệnh nhân được khám chẩn đoán tại tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các cơ sở khác chuyển đến đã có 2 trường hợp tử vong, 3 trường hợp được phẫu thuật cắt bỏ xương hàm và loại bỏ mô xương bị hoại tử. Các bệnh nhân khác tiếp tục được theo dõi, điều trị.

Theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương hàm mặt trong cộng đồng có thể cao hơn những trường hợp đã được ghi nhận. Cốt tủy viêm xương dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm xoang, áp xe não, viêm nhãn cầu… nên bệnh nhân có thể mất đi cơ hội điều trị sớm. Bệnh viện đang chủ động tầm soát, phát hiện sớm các trường hợp liên quan để có giải pháp can thiệp, điều trị kịp thời.

Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế cho rằng, hoại tử xương sọ - mặt là một bệnh lý ít gặp nhưng không phải là một bệnh lạ, có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu mặt cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ - mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget).

Trao đổi với phóng viên về diễn biến của bệnh hoại tử xương hàm trên địa bàn TPHCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, tính đến ngày 28/7, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trực thuộc Sở Y tế TPHCM chưa ghi nhận ca bệnh lý nào bị hoại tử xương hàm mặt. Tuy nhiên, để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện khi tiếp nhận trường hợp có liên quan đến bệnh lý cốt tủy viêm xương hàm mặt cần hội chẩn chuyên khoa để chẩn đoán và có kế hoạch điều trị kịp thời cho người bệnh”.

MỚI - NÓNG