Trong thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin truyền thông đưa tin Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khám và điều trị một số người bệnh bị hoại tử xương hàm mặt có liên quan tới bệnh lý hậu COVID-19. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc hai bệnh viện khẩn trương báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị căn bệnh này từ tháng 2/2022 đến nay cho Bộ Y tế trước ngày 16/7.
Bộ Y tế cũng yêu cầu thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên. Hai bệnh viện cần tiếp tục quan tâm tổ chức đón tiếp khám, điều trị chu đáo, tận tình với người bệnh. Đồng thời có các thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học và đề xuất có các biện pháp để người dân chủ động đề phòng, tránh làm hoang mang bất ổn trong xã hội.
Theo các bác sĩ, hiện chưa có bằng chứng nào để chứng minh những ca bệnh hoại tử xương hàm gần đây do COVID-19 gây ra, tuy nhiên nhiều nhà lâm sàng đánh giá có yếu tố liên quan COVID-19.
Ngay sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy công bố 11 trường hợp bị hoại tử xương hàm trên sau mắc COVID-19 thì Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM, Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM cũng thông báo, thời gian qua, tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự và chưa khẳng định có liên quan đến COVID-19 hay không. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, đây là bệnh lý phức tạp, hiện chưa có phác đồ điều trị.
Tại Bệnh viện Chợ rẫy cả 11 ca bệnh được tiếp nhận tại bệnh viện đều có chung đặc điểm biểu hiện là nghẹt mũi, đau đầu kéo dài, sưng mặt, mắt. Khi chụp CT Scan, MRI thì phát hiện có hoại tử xương sọ, hàm mặt. Các bệnh nhân này khi vào viện tưởng chừng mắc những bệnh phổ biến như viêm xoang, răng hàm nhưng tiến triển rất lạ, đều ghi nhận tình trạng hủy xương. Khai thác bệnh sử cho thấy, các trường hợp đều từng mắc COVID-19 thời điểm biến chủng Delta và có bệnh lý nền. Sở Y tế TPHCM cho biết đây là vấn đề mới, sẽ họp bàn với các chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (TPHCM) cho biết: “Số lượng bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên đúng là có hiện tượng gia tăng. Nếu trước đây, vài tháng chúng tôi gặp 1 ca hoại tử xương hàm trên, chủ yếu ở bệnh nhân tiểu đường, thì trong 5 tháng qua có đến 16 người nhập viện vì bệnh này nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Điều này rất đáng lo ngại bởi xương hàm rất khó hoại tử. Vậy mà thời gian qua, số lượng người bệnh tăng đột biến. Trong đó, 3 trường hợp hoại tử nặng lan đến sàn sọ, chúng tôi phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ Tuấn, thực tế, các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm, sọ tại bệnh viện đúng là đã từng mắc COVID-19, nhưng có phải do di chứng hậu COVID-19 hay không, cần thêm thời gian và các dữ liệu liên quan. Trên thế giới cũng đã ghi nhận các trường hợp tương tự, y văn thế giới cũng chỉ ra 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ dẫn đến viêm hoại tử xương hàm mặt, xương sọ sau COVID-19. Trong đó, có thể do virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung nhiều ở niêm mạc mũi, miệng làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên, gây nên tình trạng tăng đông, tắc mạch máu nuôi dưỡng xương. “Cũng có giả thuyết cho rằng do việc sử dụng thuốc kháng viêm (corticoid), hoặc tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Cuối cùng là người bệnh bị tiểu đường gây biến chứng mạch máu, giảm sức đề kháng nên cơ thể dễ bị bội nhiễm”, bác sĩ Tuấn nói.