Bất thường khi bệnh hiếm liên tiếp xuất hiện
Ngày 11/7, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tổ chức cuộc họp báo về 11 trường hợp được phát hiện bị cốt tủy viêm xương vùng đầu mặt, gây hoại tử nặng (chết xương). Cụ thể, từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022 bệnh viện đã tiếp nhận 11 trường hợp có biến chứng viêm các xoang, áp xe xương thái dương, áp xe ngoài màng cứng vùng trán do nấm hoặc vi trùng. Trong số 11 trường hợp được phát hiện có 2 ca bệnh đã tử vong.
Nhiều bệnh nhân bị chết xương đã may mắn được cứu sống |
Qua thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ ghi nhận, tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử mắc COVID-19 giai đoạn bùng phát của biến chủng Delta vào nửa cuối của năm 2021. Các dấu hiệu thường gặp là tình trạng đau nhiều ở người bệnh trong thời gian mắc COVID-19. Những cơn đau thường xuất hiện ở đầu, mặt, răng tiến triển âm ỉ kéo dài. Một số bệnh nhân vùng mắt sưng to do viêm xương sọ, viêm xương sọ vùng trán, hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái, răng lung lay, hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ khiến hơi thở bệnh nhân bốc mùi hôi thối. Chụp CT-Scan, MRI ghi nhận tổn thương lan rộng xoang - sọ - hàm - mặt.
“Đến nay chưa có phác đồ của Bộ Y tế trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh bị cốt tủy viêm xương. Khả năng ngoài cộng đồng đã có nhiều trường hợp gặp phải tình trạng chết xương nhưng chưa được chẩn đoán phát hiện. Bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 từ 6 đến 8 tháng nếu bị nhức đầu kéo dài, viêm xoang nên chụp CT-Scan sọ não để được chẩn đoán, điều trị kịp thời” Bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo
BS Trần Anh Bích, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, căn cứ trên những biểu hiện chung qua thăm khám cho thấy chùm ca bệnh bị cốt tủy viêm xương (osteomyelitis) sọ mặt. Đây là một tình trạng bệnh lý nặng, hiếm gặp, thường có nguồn gốc từ những ổ viêm nhiễm mạn tính như viêm tai xương chũm, sâu răng, viêm xoang. Đặc biệt, xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt trường hợp bệnh hiếm được phát hiện tại bệnh viện với nguy cơ tử vong rất cao là sự bất thường. Sau 2 ca tử vong, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận thêm nhiều trường hợp nặng. Đặc biệt có 3 ca ở mức độ nguy kịch là nữ bệnh nhân P.T.H. (SN, 1962, ngụ tại Tây Ninh); nữ bệnh nhân A.T.L. (SN, 1979, ngụ tại TPHCM); nữ bệnh nhân N.T.T. (SN, 1959, ngụ tại Khánh Hòa) đều tiên lượng tử vong cao.
Có liên quan đến COVID-19 hay không?
Trước tình hình trên, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn chuyên môn và mời chuyên gia hỗ trợ. Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Minh Trường, Phó chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam - người trực tiếp đưa ra quyết định mang tính sống còn cho các bệnh nhân chia sẻ: “Đây là những ca bệnh xưa nay chưa từng gặp nên có rất nhiều ý kiến chuyên môn khác nhau. Có người ủng hộ phương pháp phẫu thuật, có người ủng hộ phương pháp điều trị nội khoa. Sau khi kiểm tra kỹ và nghiên cứu nhiều báo cáo trên thế giới tôi nhận định nếu không phẫu thuật, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong nên đã đề xuất với bệnh viện thực hiện 3 cuộc mổ cho các trường hợp bệnh nặng”.
Theo bác sĩ Trường thực tế thực hiện cuộc mổ cho 3 trường hợp trên, ê kíp ghi nhận, các bệnh nhân đều bị hoại tử, chết xương vùng xoang - sọ - hàm - mặt. Xương của bệnh nhân bị mục, vỡ vụn, toàn bộ xương hàm đổ sụp, răng không còn chỗ bám, dưới những vùng xương bị hoại tử có nhiều ổ nhiễm trùng tạo mủ, nếu không phẫu thuật chắc chắn sẽ nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa tạng.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp liên chuyên khoa thực hiện phẫu thuật, loại bỏ xương hoại tử, điều trị thuốc kháng sinh, kháng nấm… Sau phẫu thuật cả 3 bệnh nhân đã qua được nguy kịch, sức khỏe dần bình phục. Các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng bệnh, đánh giá nguy cơ và đưa ra giải pháp tái tạo xương đã phải cắt bỏ để cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Phân tích chuyên môn của TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ ra, tình trạng chết xương ở người bệnh có nguyên nhân tại chỗ là do tắc mạch máu hoặc tác nhân bên ngoài là do vi sinh vật tấn công.
Cụ thể, trong chùm ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có một trường hợp bệnh nhân nam 60 tuổi, bị viêm xương đa sàn sọ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có nấm sợi tơ ở vùng xương sọ bị viêm hoại tử. Theo TS Quốc Hùng, trước thời kỳ COVID-19 những trường hợp bị nhiễm nấm hoại tử xương được phát hiện rất thấp, tuy nhiên sau giai đoạn dịch COVID-19 số ca bệnh gia tăng. TS Quốc Hùng cho biết: “Tình trạng suy giảm miễn dịch sau nhiễm COVID-19 kéo dài khiến cơ địa bệnh nhân suy yếu là nguy cơ gia tăng tỷ lệ người bệnh bị nhiễm nấm, tạo điều kiện cho vi sinh vật tấn công. Bên cạnh đó, tình trạng đông máu gây thuyên tắc mạch ở bệnh nhân COVID-19 cũng là yếu tố nguy cơ khiến xương bị thiếu máu nuôi dẫn tới hoại tử”.
Còn theo PGS Trần Minh Trường hiện chưa dám khẳng định 100% bệnh lý trên là do COVID-19. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua trên thế giới đã có khoảng 80 báo cáo liên quan tại Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Á, một số ca châu Âu… ghi nhận những trường hợp tương tự bệnh nhân đã gặp tại Chợ Rẫy. “Có mối liên hệ với COVID-19 vào giai đoạn bùng phát chủng Delta trên bệnh nhân có sử dụng Corticoid, bệnh nền đái tháo đường” - bác sĩ Trường nói.