Ngày 5/11, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trước tình trạng dịch COVID-19 gia tăng tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ngành y tế TPHCM đã cử 3 đoàn chuyên gia cùng nhiều trang thiết bị y tế, kể cả vắc xin ngừa COVID-19 giúp các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang chống dịch.
TPHCM sẵn sàng hỗ trợ nhân lực cho các tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa vắc xin COVID-19 |
Trước đó, tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị TPHCM chi viện nhân lực, giúp địa phương tăng tốc tiêm ngừa COVID-19. Đây là địa phương đầu tiên lên tiếng nhờ TPHCM giúp đỡ về nhân sự phục vụ công tác tiêm chủng.
“Các BV chuyên sâu ở TPHCM lâu nay vẫn được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến đối với mạng lưới y tế phía Nam. Nay TPHCM hỗ trợ thêm chống dịch và tiêm ngừa COVID-19 là chuyện đương nhiên và rất sẵn lòng, như TPHCM từng nhận được sự chi viện của cả nước vậy” – TS Vĩnh Châu nói.
Để chuẩn bị cho lộ trình trên, ngày 3/11 Sở Y tế đã làm việc với Hội điều dưỡng TPHCM và giao tổ chức này nhanh chóng chuẩn bị nhân sự hỗ trợ Sóc Trăng tiêm ngừa COVID-19.
TS.BS Vĩnh Châu khẳng định, không chỉ giúp Sóc Trăng, ngành y tế TPHCM đang chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng lên đường chi viện các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên về tiêm ngừa COVID-19, ngay khi các địa phương cần hỗ trợ.
Về hiệu quả bảo vệ của người đã được tiêm ngừa COVID-19, BS. Vĩnh Châu dẫn kết quả khảo sát nhanh được thực hiện tháng 10/2021 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đối với 349 bệnh nhân COVID-19.
Cụ thể, đối với F0 chưa tiêm ngừa COVID-19 có đến 74% ca chuyển nặng, 26% ca nhẹ. Đối với F0 đã được tiêm ngừa có 40% ca chuyển nặng, 60% nhẹ. Trong đó, F0 đã được tiêm ngừa mũi 1 thì 49% ca nặng, 51% ca nhẹ; F0 đã tiêm đủ 2 mũi thì chỉ 12% ca nặng, 88% ca nhẹ.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy, tình trạng nặng ở F0 đã tiêm ngừa 1 mũi khá nhiều có tới 51 ca thở máy xâm lấn, 3 ca đặt ECMO. Còn tình trạng nặng ở F0 đã tiêm ngừa 2 mũi thì chỉ 1 ca thở xâm lấn, 5 ca thở ô xy mặt nạ.
“Dù cuộc khảo sát chỉ mang tính bỏ túi trong khuôn khổ của một bệnh viện, không đại diện cho tất cả trường hợp. Song, kết quả khảo sát cũng giúp cộng đồng hình dung rõ hơn về hiệu quả bảo vệ của vắc xin ngừa COVID-19. Ngoài tăng cường kháng nhiễm, quan trọng nhất với người đã được chích ngừa là khi nhiễm sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng chuyển nặng dẫn đến tử vong” – TS.BS Vĩnh Châu chia sẻ.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết 2 tuần qua, thành phố đang ở cấp độ 2 (tương ứng với vùng vàng – nguy cơ thấp). Tuy nhiên, theo tiêu chí số ca mắc mới trên 100.000 dân/tuần, thành phố vẫn đang ở cấp độ 3. Nhờ các tiêu chí khác như độ bao phủ vắc xin và tính đáp ứng của hệ thống điều trị, TPHCM được xét ở cấp độ 2.
Phân tích thêm về số bệnh nhân nhập viện tầng 2, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết trong số này có nhiều nhóm như bệnh nhân tự nhập viện; nhiều trường hợp bệnh nhân nhập tầng 2 vì có bệnh nền. Nhiều người trong số này có thể theo dõi, cách ly tại cơ sở cách ly cộng đồng. Tuy nhiên, TPHCM đang thu gọn dần khu cách ly và bệnh viện dã chiến tầng 2 còn chỗ trống nên bệnh nhân được chuyển lên nằm tại bệnh viện tầng 2.
Thực tế theo dõi tình trạng lây nhiễm COVID-19 của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM trong 2 tuần vừa qua ghi nhận, số ca mắc mới có chiều hướng tăng dù vẫn ở cấp độ 2. Số ca nhập viện ở tầng 2 cũng tăng nhẹ.
Độ phủ vắc xin của TPHCM cao nhưng người dân chưa tiêm vắc xin từ các tỉnh, thành khác có xu hướng trở lại thành phố. Đại diện Sở Y tế cho rằng cần cảnh giác nguy cơ số ca mắc mới và số ca bệnh nặng phải nhập viện tăng cao.
Bác sĩ Vĩnh Châu nhấn mạnh, dù đã tiêm vắc xin, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra. Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh thì số ca mắc mới nguy cơ sẽ tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, khi TPHCM gỡ bỏ giãn cách xã hội, tình trạng tiếp xúc sẽ nhiều hơn nên nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn. "Để TPHCM duy trì trạng thái bình thường mới, được an toàn ở cấp độ 2, tất cả mọi người tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch đặc biệt khuyến cáo 5K để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan"- bác sĩ Châu khuyến cáo.
24 giờ, thế giới ghi nhận 469.000 ca mắc COVID-19 và hơn 6.600 ca tử vong
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 469.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 249 triệu ca, trong đó trên 5,04 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 59.000 ca), Nga (40.217 ca) và Anh (37.269 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.195 ca), Mỹ (851 ca) và Ukraine (699 ca).
Diễn biến dịch COVID-19 hàng ngày cho thấy số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu đang tăng theo chiều hướng "đặc biệt lo ngại" và khu vực này đang trở lại là tâm dịch của thế giới. Đây là cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh tại châu Âu.
Ngày 4/11, Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã phê chuẩn sử dụng thuốc viên có tên Molnupiravir, do hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ phối hợp phát triển, để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Như vậy, Anh là nước đầu tiên phê chuẩn loại thuốc mang tính bước ngoặt trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
MHRA khuyến cáo thuốc Molnupiravir được sử dụng ngay sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Quán ăn ở Bắc Giang chỉ bán cho khách mang về để phòng chống dịch
Ngày 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ra thông báo về việc tạm dừng một số hoạt động để phòng chống dịch.
Theo đó, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tái phát và đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, không quản lý chặt chẽ người từ vùng dịch trở về địa phương, không thực hiện nghiêm việc xét nghiệm tầm soát trong doanh nghiệp, ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nhiều ca F0 có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người (liên quan đến quán bia, quán karaoke, ăn uống tập trung đông người, cỗ cưới, trường học,…) nên rất khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Để nhanh chóng kiểm soát dịch, nhất là trong các khu, cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông báo, kể từ 0 giờ ngày 6/11, trên địa bàn toàn tỉnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán cho khách mang về, không được phép phục vụ tại chỗ cho đến khi có thông báo mới.
Các hoạt động tổ chức đám cưới tạm dừng. Đối với đám tang, đám giỗ, sang cát… phải tổ chức hết sức gọn nhẹ, thông tin đến người thân ở các tỉnh, thành phố có dịch trong cộng đồng không về phúng viếng trong thời điểm hiện nay.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế tổ chức hội họp tập trung đông người, không tổ chức các lễ kỷ niệm. Các hội nghị sơ kết, tổng kết, các lớp bồi dưỡng, tập huấn nếu cần thiết thì tổ chức gọn nhẹ, không tổ chức ăn uống, khuyến khích tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng sức, đồng lòng, thực hiện nghiêm túc các quy định, quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19 trong thời gian nhanh nhất, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Giang xuất hiện một số ổ dịch ở xã Thượng Lan, Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên); huyện Yên Thế và huyện Lạng Giang, với hàng trăm ca F0.