TPHCM hiện có khoảng 30 cơ sở giết mổ, trong đó có 26 cơ sở giết mổ heo (lợn), 2 cơ sở giết mổ trâu bò, 2 cơ sở giết mổ gia cầm. Trong đó đa số là lò mổ thủ công của tư nhân. Hầu hết các lò mổ nằm trong khu dân cư, nguy cơ ô nhiễm tăng lên từng ngày.
Trước mắt, đến cuối tháng 6, hai lò mổ Nam Phong (Q.Bình Thạnh) và Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) sẽ chính thức đóng cửa. Đến cuối tháng 12, cửa hàng thực phẩm Bình Đông (Q.8) cũng ngưng hoạt động. Ba cơ sở này sẽ chuyển heo về trung tâm giết mổ Q.Bình Tân và nhà máy của Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động. Chỉ riêng hai cơ sở tại huyện Cần Giờ vẫn được hoạt động để cung cấp thịt cho người dân ở huyện.
Trao đổi riêng với PV báo Tiền Phong, ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng phòng Thanh Tra Chi cục Thú y TPHCM khẳng định: “Mọi dự định đều đã có lộ trình cụ thể và phù hợp theo từng giai đoạn. Sở dĩ kế hoạch trước đây không hoàn thành là do tâm lý của thương lái, chủ lò không muốn dời đi; đồng thời các nhà máy công nghiệp chỉ mới hoàn thành cấp phép xây dựng. Nay, thành phố quyết liệt, mạnh tay trong việc di dời lò mổ thủ công không đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường ra khỏi khu dân cư, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Theo ông Nguyên, hiện nay Chi cục rất khó khăn trong việc kiểm tra thú y tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, bởi có những lò mổ nhỏ lẻ chỉ vài chục con gia súc, gia cầm, nhưng cũng cần phải phân công cán bộ canh trực và xử lý. Vì vậy, nếu như TPHCM quy hoạch những lò mổ về một nơi thì việc giám sát Thú y và theo dõi dịch bệnh gia súc khi nhập về sẽ đỡ vất vả và sâu sát, thuận lợi hơn. Nhiều năm qua, Chi cục Thú y TPHCM đã giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ và điều kiện vệ sinh các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn. Từ năm 2011 đến 2015, Chi cục Thú y TPHCM đã xử phạt 186 trường hợp giết mổ trái phép với 1.160 con heo, 25 con bò, 170 con dê, 9.340 con gia cầm.
TPHCM sẽ xây dựng sáu nhà máy giết mổ gia súc quy mô, hiện đại tại hai huyện Hóc Môn và Củ Chi và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2017. Lo lắng khi ngày 1/7 tới đây, quy định bỏ kiểm dịch nội tỉnh sẽ tạo điều kiện để thịt bẩn tuồn vào thành phố, ông Nguyên cho rằng sẽ có những xáo trộn lớn. Lúc đó vướng tới đâu, gỡ tới đó. Còn bây giờ, vấn đề kiểm dịch thú y tại thành phố vẫn được kiểm soát tốt. “Hằng đêm, chúng tôi vẫn kiểm tra rất nhiều sản phẩm động vật đưa về thành phố, thịt ngoại tỉnh không phải có đủ giấy chứng nhận, kiểm dịch thú y là được thông quan ngay, mà chúng tôi phải kiểm định đạt yêu cầu mới cho đưa vào tiêu thụ”, ông nói.