Ngày 9/3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành chức năng, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện về việc xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn TPHCM.
Vi phạm nhiều, xử lý ít
Ông Võ Văn Hoan nhận định ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn tồn tại khá lâu, đặc biệt “nóng bỏng” trong thời gian gần đây. Không chỉ người dân bức xúc, UBND TPHCM cũng đã nhận được nhiều thư phàn nàn từ một số lãnh sự quán, tổng lãnh sự quán các nước đóng trên địa bàn TPHCM.
“Không thể chấp nhận một đô thị lớn như TPHCM mà từ khu dân cư đến quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thủ phạm gây tiếng ồn có 4 nhóm, gồm: Hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn (quán bar, vũ trường); quán nhậu vỉa hè mở nhạc công suất lớn; hộ gia đình; các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo.
Trong 2 năm 2019 và 2020, có 17/22 quận, huyện ở TPHCM tiếp nhận thông tin phản ánh và đã xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn, trong đó vi phạm trong sinh hoạt khu dân cư mới xử phạt 20 trường hợp với số tiền phạt 2,6 triệu đồng.
Giải thích số vụ xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay, bà Mỹ cho biết, việc xử phạt vi phạm căn cứ theo hai Nghị định (NĐ) số 155 và 167 của Chính phủ. NĐ 155 quy định mức phạt từ 1 đến 160 triệu đồng nhưng để xử phạt phải có kết quả đo tiếng ồn từ một đơn vị có chức năng được Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận. Nếu căn cứ NĐ 167 thì mức phạt chỉ từ 100.000 đến 300.000 đồng và thời gian xử phạt là từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng.
“Khi phát hiện có đoàn kiểm tra, người vi phạm ngưng hoặc giảm âm lượng. Loa kéo hát karaoke gây ồn nhưng dễ di chuyển và điều chỉnh khi cần nên khó xử lý”, bà Mỹ cho hay.
Ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết đã phối hợp với một đơn vị tư vấn để đo cường độ tiếng ồn làm căn cứ xử lý một số tụ điểm vi phạm trong vài ngày qua. “Các tụ điểm e dè hơn khi lực lượng chức năng xuất hiện, sau đó lại quậy tưng bừng như cũ. Trong các khu dân cư, tình trạng hát hò ồn ào phổ biến vào cuối tuần. Có địa điểm cố định thì xử lý không khó. Riêng loại hình lưu động như gắn loa công suất lớn vào xe chạy loanh quanh thì phạt rất khó”, ông Phương thừa nhận.
Xử lý nghiêm
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Trần Thế Thuận nói: “Một số sở ban ngành cho rằng Nghị định 167, 155 không đủ sức răn đe. Tôi không đồng tình. Cứ cái gì khó chúng ta đổ cho quy định pháp luật. Trong 2 năm, thành phố xử phạt 141 trường hợp, trong đó 20 trường hợp vi phạm trong khu dân cư thì đã quyết liệt chưa? Nếu xử phạt đúng, mức phạt 100, 200 nghìn đồng, người dân vẫn chấp hành chứ không phải cứ phạt thật nặng bà con mới sợ. Vấn đề chính là trách nhiệm của cán bộ”.
Theo ông Thuận, cảnh sát khu vực cũng có thể xử phạt vi phạm về tiếng ồn trong khu dân cư. Hiện nay, camera được lắp đặt khá đầy đủ, không khó phát hiện các trường hợp vi phạm, nhất là những hộ thường tổ chức hát karaoke…
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng, tiếng ồn không phù hợp nếp sống đô thị, ảnh hưởng sức khỏe và giảm chất lượng sống của người dân. Chính quyền TPHCM tôn trọng quyền tự do kinh doanh nhưng không chấp nhận các ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động này đến cộng đồng. Ông Hoan nói và cho biết TPHCM sẽ mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về tiếng ồn; cụ thể, từ nay đến cuối tháng 5 sẽ tập trung tuyên truyền, yêu cầu người dân ký cam kết, từ tháng 6 sẽ tập trung xử phạt vi phạm.
Liên ngành trực tiếp tuần tra ở phố nhậu
Ngày 9/3, đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, cơ quan này đã lập đoàn liên ngành gồm cán bộ tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị và công an để xử lý các quán nhậu, beerclub trên địa bàn mở nhạc quá mức cho phép để câu khách. Trong đêm 7/3, đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý ba quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng. Để xử lý được các cơ sở này, lực lượng chức năng đã thực hiện đo độ ồn, lập biên bản xử phạt theo NĐ 167 với hành vi làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng sau 22 giờ.Ngô Bình
Âm thanh lớn có thể gây điếc, đột qụy
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhiều thiết bị karaoke loa kéo công suất lên tới 110 dBA (decibel), trong khi âm thanh có cường độ trên 80 dBA có thể gây điếc. Tiếng ồn còn có thể gây mất tập trung, thậm chí gây đột qụy.