TPHCM đề xuất mua 5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Những liều vacxin phòng COVID-19 được tiêm tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng ngày 8/3 (ảnh: N.T)
Những liều vacxin phòng COVID-19 được tiêm tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng ngày 8/3 (ảnh: N.T)
TPO - Trong tờ trình khẩn gửi UBND TPHCM do Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam ký, đề xuất mua 5 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm cho người dân Thành phố.

Theo Sở Y tế, Thành phố là địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu vực có lưu lượng lưu thông lớn, tập trung đông người (nhà ga, bến xe, sân bay, khu công nghiệp, khu chế xuất).

Hiện nay, số lượng người trên 18 tuổi và người dân vãng lai thuộc đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của thành phố là 9 triệu người. Số lượng vắc xin phòng COVID-19 cần cung cấp để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng là 18 triệu liều.

Trong khi đó, theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt ngày 9/2 về việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vacxin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ, số lượng vacxin phòng COVID-19 được phân bổ cho TPHCM theo kế hoạch dự kiến không đủ đáp ứng nhu cầu của thành phố.

TPHCM đề xuất mua 5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 ảnh 1 TPHCM đề xuất mua khoảng 5 triệu liều văc xin phòng COVID-19 để tiêm cho người dân Thành phố (ảnh: N.T)

Vì vậy, thời gian qua, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với các cơ sở kinh doanh dược tìm nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.

Theo kết quả đàm phán, đại diện phân phối vắc xin của Công ty Moderma đồng ý cung cấp 5 triệu liều mRNA-1273 trong quý 3/2021 cho TPHCM.

Sở Y tế TPHCM cho biết, vắc xin mRNA-1273 có hiệu quả phòng bệnh lên đến 94.1%; tác dụng không mong muốn thấp; điều kiện bảo quản phù hợp với dây chuyền bảo quản vắc xin hiện có của thành phố. Vắc xin mRNA-1273 tiêm 2 mũi tiêm bắp, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, bảo quản ở nhiệt độ âm 20 độ C trong vòng 6 tháng; ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, bảo quản trong 30 ngày.

Việc mua sắm vắc xin này sẽ dùng nguồn kinh phí được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phòng, chống dịch; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tiếp nhận.

Trước đó, ngày 8/3, Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử dự kiến với 100.000 liều vắc xin phòng COVID-19 cho toàn dân. Trong đó, 117.600 liều của AstraZeneca được phân bổ ưu tiên cho 13 tỉnh thành có dịch và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, ưu tiên tiêm cho 11 đối thượng theo Nghị quyết của Chính phủ.

Tính đến hết ngày 8/3, có 377 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và tỉnh Hải Dương. Hiện chưa ghi nhận phản ứng bất thường sau 24 giờ tiêm.

Tính đến ngày 8/2, có 11 vắc xin phòng COVID-19 được các quốc gia cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) phê chuẩn. Đến ngày 28/2, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cấp phép sử dụng 3 loại vắc xin phòng COVID-19.

Còn tại Việt Nam, có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu sản xuất và tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19, trong đó vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen và Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến đến quý 2/2022, vắc xin phòng COVID-19 sản xuất trong nước mới có thể đưa ra thị trường.

MỚI - NÓNG