"Thành phố điện ảnh" đầu tiên của Đông Nam Á
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - cho biết thành phố đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu "Thành phố điện ảnh" vào năm 2025. Ảnh: Phú Quang. |
Theo bà Thúy, việc được UNESCO công nhận là "Thành phố điện ảnh" sẽ nâng tầm ngành công nghiệp điện ảnh TPHCM, trở thành một trung tâm sáng tạo và giải trí hàng đầu khu vực, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật.
Đặc biệt, thành phố đang triển khai Công viên Điện ảnh đầu tiên của Việt Nam dọc bờ sông Sài Gòn – khu vực được đánh giá là "di sản vô giá" gắn với lịch sử, văn hóa và kinh tế của thành phố. Công viên điện ảnh dự kiến được xây dựng trên bán đảo Thủ Thiêm, sẽ được thiết kế như một phim trường mở, tái hiện bối cảnh Sài Gòn đầu thế kỷ 20, góp phần quảng bá di sản đô thị và phục vụ nhu cầu làm phim.
Dự án này là một phần trong đề án quy hoạch bờ sông Sài Gòn và Công viên Sáng tạo tại TP Thủ Đức nhằm hiện thực hóa cam kết khi TPHCM gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo Toàn cầu của UNESCO.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Phối cảnh dự kiến của Công viên điện ảnh ven sông Sài Gòn. |
Bên cạnh mục tiêu phát triển điện ảnh, nhiều công trình văn hóa trọng điểm cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Trong đó, đáng chú ý là dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến ra mắt vào tháng 6, đúng dịp chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Công trình này được kỳ vọng trở thành rạp xiếc lớn nhất Đông Nam Á, phục vụ các hoạt động văn hóa và giải trí.
Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc tế vào tháng 6 và triển khai 22 công trình phục vụ thiếu nhi với tổng kinh phí 135 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu, gồm Nâng cấp Nhà Thiếu nhi huyện Củ Chi, Cải tạo Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, Xây dựng công viên giải trí tại Trường đua Phú Thọ...
Nhân dịp này, lãnh đạo ngành văn hóa cũng khuyến khích thanh niên TPHCM tích cực đến rạp xiếc Gia Định để xem vở Vùng đất kỳ bí, đến nhà hát giao hưởng Nhạc, Vũ kịch để biết rằng loại hình nghệ thuật hàn lâm bác học đang rất gần gũi và có giá trị riêng hoặc đến nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để xem những vở cải lương kinh điển. Qua đó, giúp bồi dưỡng, nâng cao đời sống tinh thần.
Cần cơ chế phát triển ổn định
Tại hội nghị, Bí thư Thành Đoàn TPHCM Ngô Minh Hải đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động văn hóa, đặc biệt là những lễ hội thanh niên sôi động, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, tiêu biểu như concert Anh trai Say hi đã tạo tiếng vang lớn, kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và văn hóa truyền thống. Thành công của chương trình này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của giới trẻ đối với những sự kiện văn hóa có chất lượng.
Để duy trì và nâng tầm những hoạt động này, Thành Đoàn đề xuất lãnh đạo UBND TPHCM cần có cơ chế phát triển văn hóa ổn định, chính sách hỗ trợ nguồn lực đồng bộ và dài hạn, giúp tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động nghệ thuật và sáng tạo của thanh niên TPHCM...