TPHCM là địa phương cuối cùng triển khai thu phí này sau khi kỳ họp thứ 17 diễn ra cuối năm 2014, HĐND TPHCM khóa VIII đã thông qua. Thời hiệu thi hành là sau 10 ngày kể từ khi ban hành nghị quyết thu phí.
Người dân đồng tình
Trao đổi với Tiền Phong, hầu hết người dân cho biết sẵn sàng đóng khi địa phương triển khai thu phí. Ông Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi, xe ôm) cho biết thu nhập nghề xe ôm bấp bênh, ngày có ngày không nhưng số tiền phải nộp không nhiều nên sẽ chấp hành. Đường mình đi thì mình phải đóng phí. Một năm 100.000 đồng cũng không đáng là bao” - ông Tiến nói. Còn chị Trần Thị Thương (nhân viên văn phòng tại quận Phú Nhuận) cho biết, từ đầu năm đến nay, mỗi lần ra đường lại nơm nớp lo bị phạt vì nghe TPHCM sẽ thu phí xe máy từ 1/1 nhưng đến nay chưa thấy ai đến thu.
Ông Trần Hữu Cảnh, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp xác nhận nhiều người dân gọi điện hỏi phương thức và thời gian thu phí. Hiện, công tác chuẩn bị của phường đã cơ bản hoàn tất, chỉ cần có văn bản hướng dẫn của cấp trên là sẽ chuyển trực tiếp đến các tổ dân phố, tổ chức họp dân công bố thời gian thu. Theo thống kê, phường hiện có 3.119 xe máy với gần 500 xe dung tích xi lanh dưới 100cm3 và trên 2.600 xe từ 100 đến dưới 175cm3.
Phường 7 dự kiến có hai phương án, một là giao cho các tổ chịu trách nhiệm thu phí. Mỗi tổ thu trong 1-2 ngày cuối tuần để người dân có thời gian. Phương án hai là tổ chức thu tại UBND phường để người dân trực tiếp đến nộp phí. Nếu giao tổ dân phố thu, phần lớn số tiền được trích lại sẽ để lại cho các tổ, một phần chi cho giấy tờ, thủ tục, khen thưởng. “Việc thu phí cần có kế hoạch rõ ràng. Hiện chúng tôi vẫn chưa được hướng dẫn tiền thu về nộp ngân sách như thế nào, biên lai, thời gian thu kéo dài đến lúc nào kết thúc…” - ông Cảnh nói.
Công khai, minh bạch
Đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cho biết phường đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để thu phí khi có hướng dẫn chính thức. Theo Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Huỳnh Thanh Nhân, trên địa bàn quận có khoảng 37.000 xe máy, tổng số tiền thu được dự kiến 17 tỷ đồng/năm. UBND quận đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận cao từ người dân.
Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết, với trên 180.000 xe máy, mỗi năm quận dự kiến thu được khoảng 20 tỷ đồng. Số tiền được trích lại sẽ được sử dụng để duy tu, sửa chữa nhằm phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, phục vụ đi lại cho người dân tốt hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, từ kinh nghiệm của các tỉnh mức thu đạt được rất thấp so với kế hoạch, vấn đề quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận, tự giác chấp hành. Ngoài ra, trong tổ chức thực hiện thu phí, TPHCM yêu cầu các quận huyện công khai, minh bạch và công bằng.
Ông Tín cho biết, người dân có thể đên UBND xã, phường, thị trấn để nộp phí hoặc UBND xã, phường, thị trấn cử cán bộ trực tiếp đến nhà thu và cấp biên lai cho người dân. TPHCM sẽ để lại 100% cho các quận, huyện ngoại thành, vùng ven. Dự kiến TPHCM sẽ thu được khoảng 300 tỷ đồng từ 6 triệu xe máy đăng ký. “Quá trình thu sẽ tổ chức sơ kết và báo cáo kết quả cho Chính phủ, Quốc hội. Qua sáu tháng thực hiện sẽ nắm lại tình hình. Tinh thần là những quy định nào không phù hợp sẽ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và điều kiện của thành phố” - ông Tín cho biết.
Mức thu từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/xe/năm
Theo Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy thông qua tại kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM, mức thu phí được áp dụng là 50.000 đồng/năm đối với xe máy có dung tích xylanh đến 100cm3; 100.000 đồng/năm đối với xe từ trên 100cm3 đến 175cm3 và 150.000 đồng/năm với xe trên 175cm3. Trường hợp xe máy đăng ký tại TPHCM nhưng nộp phí tại địa phương khác thì được miễn nộp tương ứng với thời gian đã trả phí. Những trường hợp không nộp phí sẽ bị phạt tiền từ 1-3 lần khoản tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng theo theo quy định tại Thông tư số 186/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.