TPHCM cho thêm nhiều ngành nghề được ra đường

0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm thì TPHCM không yêu cầu có giấy đi đường.
Nhân viên hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm thì TPHCM không yêu cầu có giấy đi đường.
TPO - TPHCM bổ sung thêm nhóm đối tượng được phép ra đường như các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp, nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn… Trong khi đó, nhân viên hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm thì không yêu cầu có giấy đi đường.

Chiều 23/8, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ký văn bản khẩn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, các nhóm đối tượng được phép ra đường vẫn áp dụng theo 17 nhóm đã quy định tại phụ lục đính kèm công văn số 2800/UBND-VX ngày 22/8 nhưng có thêm hàng loạt sự điều chỉnh.

Cụ thể, các lực lượng được ưu tiên và không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt, gồm lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định; người dân đi tiêm vắc xin có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm và kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát; nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị.

Ngoài ra, TPHCM bổ sung thêm nhóm đối tượng được phép ra đường như các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy); giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TPHCM. Nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong khu chế xuất, khu công nghiệp; giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TPHCM. Đối với các phương tiện vận tải hàng hoá (bao gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được ngành Giao thông Vận tải cấp thẻ QR code, không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.

Công an TPHCM là đơn vị in và ký cấp giấy (hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp ký) cho toàn bộ các nhóm đối tượng trên. UBND TPHCM đề nghị các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan cung cấp số lượng và danh sách về Công an TPHCM trước 21h ngày 23/8. Khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an TPHCM thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại công văn số 2800/UBND-VX và công văn số 2796/UBND-VX cho đến 20h ngày 25/8.

Cũng tại văn bản này, UBND TPHCM giao Sở Công Thương, Bộ Tư lệnh TPHCM chuẩn bị số lượng áo nhận diện để trang bị và phân bổ cho cơ quan, đơn vị có liên quan. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể, các sở, ban, ngành TPHCM và các Ban quản lý trực thuộc UBND TPHCM.

UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trực thuộc; bao gồm cả khối Đảng, Đoàn thể cấp huyện.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.