HCDC đang cung ứng đủ vắc xin bạch hầu (cả vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin dịch vụ) cho hệ thống tiêm chủng trên địa bàn.
Chủ động tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. (Ảnh: Vân Sơn) |
Tuy nhiên, tại Viện Pasteur TPHCM, vắc xin tiêm chủng dịch vụ phòng bệnh bạch hầu đã tạm thời bị gián đoạn. BS.Đinh Văn Thới, Trưởng phòng Khám-Tiêm chủng, Viện Pasteur TPHCM, cho biết, từ chiều 11/7, Viện đã hết vắc xin phòng bệnh bạch hầu do số lượng tiêm chủng tăng cao. Giai đoạn bình thường mỗi ngày có khoảng 10-15 người dân đến tiêm nhưng chỉ trong 3 ngày sau khi xảy ra ca bệnh bạch hầu tại Nghệ An tử vong, số lượng tiêm phòng bạch hầu tại Viện đã tăng hơn 100 người mỗi ngày. Viện Pasteur TPHCM đang khẩn trương triển khai mua sắm bổ sung vắc xin.
BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cho rằng, ca bệnh bạch hầu tử vong tại Nghệ An không có gì lạ. Trên thực tế, thời gian qua cứ vài năm cả nước lại có một vài trường hợp tử vong xảy ra ở người lớn hoặc trẻ lớn, nhóm trẻ dưới 4 tuổi nhiễm bệnh tử vong rất ít gặp vì hầu hết trẻ đã được tiêm phòng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
BS Khanh cho rằng, bệnh bạch hầu ít khi xảy ra ở thành phố lớn mà chủ yếu xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa. Độ phủ của vắc xin ở những khu vực này chưa đạt miễn dịch cộng đồng hoặc người lớn không tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh. Trên thực tế bệnh bạch hầu không dễ lây nhiễm như COVID-19, bệnh đã có thuốc dự phòng nguy cơ lây nhiễm và điều trị đặc hiệu nên khó có thể gây tử vong trên nhiều người. “TPHCM và Hà Nội là những khu vực có độ phủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở mức tốt, cộng đồng không nên hoang mang. Ngoài tiêm vắc xin, người dân có thể phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng các giải pháp mang khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh”, BS. Khanh nói. Ông cũng khuyến cáo, tiêm phòng là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh, cộng đồng không nên chờ cho tới khi có ca tử vong mới ùn ùn đi tiêm. Những đối tượng cần tiêm bạch hầu là người lâu năm chưa tiêm, người hay đi đến các vùng nguy cơ bệnh lưu hành, người lớn trong các gia đình có trẻ em, những người làm vườn nên tiêm bạch hầu, uốn ván, ho gà.
BS.Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm HCDC, cho biết, sau khi khu vực các tỉnh phía Bắc và Nghệ An ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu khiến 1 người tử vong, trên mạng xã hội có một số thông tin TPHCM cũng xuất hiện ca bệnh nhưng đây là thông tin sai sự thật. Tính từ đầu năm đến ngày 19/7, hệ thống giám sát các bệnh truyền nhiễm ở TPHCM không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Ca bệnh bạch hầu được ghi nhận gần đây nhất tại TPHCM là vào năm 2020 trên một bệnh nhân từ tỉnh khác đến thành phố.