TPHCM bảo vệ 'thành lũy'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước việc có thêm nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19 với nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM chỉ đạo thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ đối với nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân; siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến thăm khám, điều trị…
TPHCM bảo vệ 'thành lũy' ảnh 1

Bệnh viện Ðại học Y Dược TPHCM tạm ngưng nhận bệnh từ ngày 16/6 sau khi phát hiện ca mắc COVID-19. Ảnh: U.P

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chỉ đạo thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ đối với nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân, đặc biệt ở các khoa, phòng nguy cơ cao để phát hiện sớm nguồn lây nhiễm. Đối với nhân viên điều trị người bệnh COVID-19, sẽ ở khu riêng, không tiếp xúc nhân viên y tế khác, thực hiện chế độ làm việc luân phiên, mỗi kíp làm việc liên tục trong 4-5 tuần rồi đổi ca. Sở Y tế yêu cầu nhân viên y tế sau giờ làm không tụ tập bạn bè hoặc người thân (không ở cùng gia đình) để sinh hoạt, ăn uống; nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh; không đi đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết.

Theo GS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cả nước có hàng ngàn bệnh viện và dù có nhiều nỗ lực nhưng nguy cơ lây nhiễm chéo vẫn có thể xảy ra. Điều này đặt ra nhiệm vụ tối quan trọng cho các bệnh viện là phải tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn. “Với dịch COVID-19, chỉ cần lơ là một chút, bỏ qua khâu phòng hộ một chút... là có thể xảy ra nhiễm chéo giữa bệnh nhân với bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhân viên y tế, bệnh nhân với người nhà. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lúc nào cũng phải “lên dây cót” cho công tác phòng dịch trong bệnh viện”, ông Khuê lưu ý.

Phát hiện sớm

Ngày 16/6, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát hiện hai ca nghi mắc COVID-19 là một bệnh nhân khám ngoại trú cùng vợ là nhân viên khoa Thần kinh của bệnh viện. Trước đó, một bệnh nhân nam đến khám có triệu chứng sốt, ho, được sàng lọc, chuyển vào khu vực khám riêng biệt và cách ly, kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi. Do được phát hiện ngay tại khu sàng lọc, không vào khuôn viên bệnh viện nên không ảnh hưởng đến hoạt động bệnh viện.

“Vợ của người bệnh ngoại trú nói trên là nhân viên bệnh viện làm việc tại Khoa Thần kinh, kết quả xét nghiệm cũng dương tính. Nhân viên này đã được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi một vào ngày 5/5, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ virus thấp, khả năng lây lan thấp. Nhân viên này đã được chuyển đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ”, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thông tin. Ngay sau đó, bệnh viện cô lập Khoa Thần kinh, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tất cả nhân viên y tế, người bệnh và người nuôi bệnh tại Khoa. Tất cả mẫu xét nghiệm của Khoa đều âm tính. Bệnh viện đã thông báo tạm ngừng hoạt động khám chữa bệnh từ ngày 16/6 để phục vụ công tác phòng chống COVID-19.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho rằng, mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng. Để đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội, người dân cần tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động khám bệnh, khai báo y tế trung thực khi có biểu hiện viêm đường hô hấp.

Gần đây, TPHCM liên tục ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 là nhân viên y tế. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhân dân, Gia Định, Nhi đồng 1, Bệnh viện quận Tân Phú và Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn có nhân viên mắc COVID-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ghi nhận 60 ca nhiễm, nhiều nhất trong số các viện. Bệnh viện đã phong tỏa từ chiều 12/6, phun khử khuẩn toàn bệnh viện. Bệnh viện vẫn duy trì hoạt động xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR và điều trị bệnh nhân COVID-19.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.