Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo tài chính 9 tháng năm 2022 với kết quả kinh doanh vượt trội, ấn tượng, các chỉ số hoạt động an toàn, vững mạnh. TPBank đã hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản, sức mạnh nội tại, năng lực tài chính luôn nằm trong top đầu ngành, với việc tiên phong trong việc áp dụng theo chuẩn Basel III, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được ngân hàng quản lý rất chặt chẽ.
Đó cũng là lý do TPBank là một trong 9 ngân hàng được Moody’s nâng xếp hạng là nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn tốt, nhận định TPBank sở hữu khả năng sinh lời tốt, chất lượng tài sản an toàn, nền tảng vốn vững chắc và khả năng thanh khoản rất cao.
Tại TPBank, từ cuối năm 2021, nhà băng này đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, trở thành ngân hàng đầu tiên áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn này tại thị trường Việt Nam.
Đồng thời, TPBank cũng đưa vào áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS 9). Chỉ hai tiêu chuẩn rất cao của thị trường này cũng đã đủ để thấy được TPBank rất coi trọng quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế cũng như xây dựng niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư, thị trường và đặc biệt là khách hàng.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo TPBank, ngân hàng luôn phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, nhưng đổi lại đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu với các biến động bất thường của thị trường, đặc biệt trong thời gian qua. TPBank đã chọn tiên phong áp dụng các chuẩn mực cao về quản trị rủi ro để hướng tới phát triển ngày càng bền vững hơn sau các năm.
Với các khoản Trái phiếu doanh nghiệp do TPBank nắm giữ, đây tương tự là các khoản vay nợ mà TPBank cấp cho các doanh nghiệp, đều đang được quản lý hiệu quả, an toàn, không phát sinh chậm trả hay nợ xấu. Tỷ lệ nắm giữ TPDN hay phát hành trái phiếu không mang nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá “sức khỏe” hay sự vững mạnh của một ngân hàng như TPBank.
Nợ tiềm ẩn, không xấu
Đến mùa công bố báo cáo tài chính, nhìn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của nhiều ngân hàng, dù báo con số lợi nhuận rất cao, nợ xấu ở mức rất thấp tuy nhiên nhiều ngân hàng tại Việt Nam hay bị hiểu lầm về con số hàng chục tới hàng trăm nghìn tỷ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” như thể nợ bị mất vốn/nợ xấu, điều này là hoàn toàn không chính xác.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của các ngân hàng lớn trên thế giới thường ở mức khoảng 20% so với tổng tài sản, và ở Việt Nam, các ngân hàng tốt và có hoạt động dịch vụ phát triển thì tỷ lệ này trên 10% như tại VCB 10.45%., BIDV 16%, TCB 17.2%, TPB 10.56%... Thực tế, chỉ số này càng cao, lại càng mang lại hiệu quả cho ngân hàng.
Nhưng khi thông tin “nợ tiềm ẩn của ngân hàng hàng chục nghìn tỷ đồng” xuất hiện trên truyền thông, các ngân hàng đều có mong muốn sử dụng một cụm từ khác để tránh sự hiểu lầm. Tuy nhiên câu trả lời ở đây là không thể, vì quy định chuẩn mực kế toán là vậy, không thể vì tránh sự hiểu lầm mà gọi khác đi.
Ở góc nhìn chuyên môn, giới kiểm toán cũng có những quan điểm rõ ràng về nợ tiềm ẩn, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng của kiểm toán EY trong một phát biểu gần đây, đã làm rõ: “Không ai coi ‘nợ tiềm ẩn/tiềm tàng’ như khoản nợ mất vốn, nợ nghi ngờ mất vốn và đặc biệt là gán cho chúng hàm ý xấu”.
Bà phân tích thêm, nghĩa vụ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng...Với những cam kết này, đối tác chỉ phải trả một khoản phí cho ngân hàng nhưng cũng có ngân hàng yêu cầu đối tác phải ký quỹ một khoản tiền rất lớn, thậm chí bằng 100% so với khoản cam kết đã đưa ra.