TP Hồ Chí Minh: Ưu tiên văn hóa giáo dục, an sinh xã hội

Năm qua, TPHCM thu được hơn 30 tỷ đồng nhờ xã hội hóa việc bắn pháo hoa.
Năm qua, TPHCM thu được hơn 30 tỷ đồng nhờ xã hội hóa việc bắn pháo hoa.
TP - Gặp nhiều khó khăn về ngân sách trong năm 2017 khi được giao tăng nguồn thu và giảm điều tiết về địa phương, song Thành ủy TPHCM vẫn mạnh dạn tăng chỉ tiêu tăng trưởng so với dự kiến ban đầu và đặt ưu tiên hàng đầu cho văn hóa giáo dục và an sinh xã hội.

Ngày 1/12, trong phiên bế mạc hội nghị lần 8, Thành ủy TPHCM biểu quyết điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2017 từ khung 8,1-8,4% lên 8,4-8,7%.

Gỡ khó từ bộ máy

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017 cho TPHCM trên 347.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2016. Nếu không tập trung thúc đẩy kinh tế, không sản xuất được sẽ không tạo ra nguồn thu.  Trong khi đó, bộ máy hành chính đang tồn tại nhiều điểm nghẽn trong phân tầng, phân cấp và trong giải quyết thủ tục hành chính, nếu khơi thông, vận hành thông suốt sẽ tạo dư địa phát triển.

Ông Phong kể: “Tôi về tiếp nhận công việc, có hỏi giám đốc Sở Văn hoá về quy hoạch ngành thì ổng trả lời phòng ban đang làm nhưng khó quá. Trời đất ơi, một trung tâm văn hoá như TPHCM vẫn chưa có quy hoạch. Quy hoạch tượng đài cũng không có. Muốn đặt tượng ở đâu phải ngồi suy nghĩ. Ngành du lịch cũng chưa có quy hoạch”. Theo ông Phong tháng 6/2016, khi làm việc với Thủ tướng, UBND TPHCM đã giao ngay cho Sở Nội vụ lập đề án phân cấp, phân quyền nhưng đến nay vẫn chưa xong.

“Dù khó khăn cỡ nào cũng phải đảm bảo tỷ lệ đầu tư cho văn hóa giáo dục và an sinh xã hội”. 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

“Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nói cấp phép kinh doanh hiện nay chỉ còn 2 ngày nhưng nhiều người nói với tôi chuyên viên Sở KH&ĐT nó hành lắm anh ơi. Hoặc một điểm nghẽn ai cũng thấy là điểm nghẽn giao thông trong giờ cao điểm, lấy của xã hội không biết bao nhiêu thời gian. Nếu tổ chức lại giao thông tốt, chống được ùn tắc đó cũng là nguồn lực cho xã hội”, ông Phong khẳng định.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết tiềm năng phát triển du lịch rất lớn nhưng tác động về quản lý thì còn hạn chế, dịch vụ chưa khai thác hết. “Trong năm 2016, TPHCM có 5,2 triệu lượt khách nhưng tỷ lệ quay lại là bao nhiêu? Chúng ta đã tạo ra sản phẩm dịch vụ gì để giữ chân họ lại ăn uống, mua sắm. Làm được điều đó sẽ thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển. Sắp tới UBND thành phố sẽ bàn kế hoạch triển khai từng ban ngành, có đầu việc, thời gian thực hiện, hành động phải cụ thể chứ không nói khơi khơi được. Có như vậy mới tạo sự chuyển động”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Hiệu quả từ xã hội hóa

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng gợi ý: “Trước tôi có trao đổi với một đồng chí rằng TPHCM có nên xã hội hóa việc bắn pháo hoa vào cuối tuần, không dùng vốn ngân sách, không dùng vốn doanh nghiệp nhà nước. Cứ cuối tuần, kỷ niệm ngày lễ là cho bắn pháo hoa. Giống như Đà Nẵng hai năm thực hiện thi bắn pháo hoa quốc tế. TPHCM cuối tuần thực hiện bắn pháo hoa. Bắn cao cũng được, bắn nghệ thuật cũng được. Và như thế, nó trở thành một thương hiệu du lịch của TPHCM”. Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, TPHCM cần khẩn trương nghiên cứu chính sách xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao để thu hút các nguồn lực trong điều kiện ngân sách khó khăn. Thành phố đang có chính sách xã hội hóa đạt hiệu quả. Đơn cử như việc bắn pháo hoa với kinh phí hàng năm khoảng 15-16 tỷ đồng.

“Nhờ cho các doanh nghiệp đấu thầu rộng rãi, TPHCM thu được 22 tỷ đồng. Chi phí thiết kế, thi công do đơn vị trúng thầu làm, trong khi mọi năm riêng kinh phí này TPHCM tốn gần 2 tỷ đồng… Giao thừa hằng năm, TPHCM tổ chức gala đếm ngược, mọi năm không thu được đồng nào nhưng nay cho đấu thầu cũng thu được 12 tỷ đồng, tổng cộng TPHCM thu về hơn 30 tỷ đồng. Nhờ đó, thay vì 4 điểm, năm nay TPHCM sẽ bắn pháo hoa 5 điểm, trong đó có một điểm luân phiên phục vụ vùng sâu vùng xa”, bà Thu gợi mở.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, tỷ lệ ngân sách trung ương điều tiết lại giảm từ 23% xuống còn 18%. Dù xã hội hoá, huy động từ nguồn vốn ODA, hợp tác công tư (PPP) hay các nguồn khác thì cần phải có vốn đối ứng từ ngân sách. Việc cắt giảm sẽ gây khó khăn. Tuy nhiên, TPHCM lợi thế hơn nhiều địa phương khác là một đồng vốn “mồi” từ ngân sách có thể thu hút được 14 đồng vốn từ xã hội, cao hơn nhiều với một số địa phương.

MỚI - NÓNG