Cử tri TPHCM đề nghị “mạnh tay” với tội phạm ma tuý

Cử tri TPHCM đề nghị “mạnh tay” với tội phạm ma tuý
TPO - Trước vấn nạn ma tuý đang hoành hành trong cộng đồng, đầu độc một bộ phận người dân, dẫn đến tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, hành vi phạm tội ngày càng manh động gây, nhiều cử tri ở TPHCM cho rằng đã đến lúc xử lý mạnh tay đối với tội phạm ma tuý. 

Sáng nay, 29/11, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí và tổ đại biểu quốc hội đơn vị 4 (TPHCM) đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 5.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Minh Cường (phường 15) lo lắng: Hơn 10.000 người nghiện đang sống trong cộng đồng. Nhiều vụ án giết người liên quan đến tội phạm ma tuý diễn ra liên tiếp mấy này qua. 

Đối tượng sử dụng ma tuý đá, ma tuý tổng hợp, dẫn đến loạn thần, giết người một cách manh động, tàn bạo và không có bất cứ mâu thuẫn gì với nạn nhân.

“Đã đến lúc phải xem xét một cách nghiêm túc công tác phòng chống ma tuý để hạn chế những vụ việc hết sức đau lòng”, ông Cường nói.

Theo cử tri Trần Thế Hùng (phường 15), trước giải phóng, Sài Gòn cũng có tội phạm ma tuý nhưng nhiều như hiện nay. “Quốc hội có cho làm mạnh không, như Philippines chẳng hạn. Quê tôi ở Bến Tre, trước kia hiền hoà, bây giờ đầy rẫy xì ke, ma tuý”, ông Hùng kể.

Trả lời các cử tri, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nói nhiều cư tri đề nghị tử hình và xử lý nghiêm khắc tội phạm ma tuý nhưng xây dựng pháp luật trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế cần phải tránh các hiệp định và cam kết của Việt Nam với các nước và công ước của Liên hiệp quốc, nhất là xu thế trên thế giới hiện nay các nước phát triển đang đề cao quyền con người.

“Đối tượng có hành vi tổ chức đường dây mua bán ma tuý từ nước ngoài đưa vào Việt Nam hay biến Việt Nam thành nơi trung chuyển để đưa sang quốc gia khác thì việc đấu tranh xử lý còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Đối tượng có thể ẩn nấp ở nước ngoài.

Những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, hiệp định về dẫn độ tội phạm ký xử lý tương đối thuận lợi nhưng với một số nước chúng ta chưa có hiệp định này nên việc xử lý còn khó khăn”, ông Trí thừa nhận.

Người đứng đầu Viện KSND tối cao cho biết trong xu thế hiện nay, đối tượng chỉ chuyên vận chuyển, mua bán ma tuý nhưng cũng có người vừa sử dụng, vừa mua bán (mua bán nhỏ). Các đối tượng sử dụng trẻ em, phụ nữ để vận chuyển ma tuý. Nếu không phân tích cụ thể, xử lý nặng quá sẽ không đảm bảo quyền con người.

Đó là chưa kể các đối tượng thuê, lừa những người thuộc dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa vận chuyển hộ ma tuý…nên việc sàng lọc và phân hoá đối tượng rất phức tạp.

“Vừa rồi khi thảo luận Luật hình sự sửa đổi, các cơ quan chuyên môn, đại biểu tranh cãi quyết liệt là có giám định hàm lượng tinh chất ma tuý hay không. Quá trình xử lý tội phạm ma tuý cực kỳ khó khăn ở điểm này. Khung hình phạt lúc đầu tính theo khối lượng ma tuý thu giữ sẽ bị tử hình nhưng giám định tinh chất, hàm lượng dưới khung tử hình, thậm chí dưới 20 năm thì không công bằng với những đối tượng khác”, ông Trí cho biết.

MỚI - NÓNG