Tour không gian sống cho khách Tây thăm Hà Nội

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn kể chuyện Hà Nội cho những du khách đặc biệtẢnh: DUY PHẠM
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn kể chuyện Hà Nội cho những du khách đặc biệtẢnh: DUY PHẠM
TP - Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn lâu nay tâm huyết ghi lại ký ức Hà Nội, nay kiêm vai trò hướng dẫn viên du lịch trong tour đặc biệt thiết kế riêng cho khách Tây và những người khó tính, muốn nhìn sâu vào lịch sử,  văn hóa Hà Nội.

Kén khách

Nguyễn Thế Sơn cũng chính là giám tuyển dự án bích họa phố Phùng Hưng. Thời gian qua, đoạn phố nhếch nhác trước đây khoác áo mới, trở thành không gian đi bộ mỗi dịp cuối tuần và là điểm “check-in” cho đông đảo du khách. Nay Sơn được chọn làm hướng dẫn viên đặc biệt cho tour du lịch thuộc hàng hiếm khách thường là sinh viên đại học Mỹ, châu Âu, nhà báo, nhà nghiên cứu và những người ưa tìm hiểu chuyên sâu về lịch sử Hà Nội thông qua tác phẩm nghệ thuật. Khách thăm xưởng nghệ thuật của Sơn, xem các tác phẩm của anh về Hà Nội và muốn được “sờ tận tay, nhìn tận mắt” ngoài phố.

Họa sĩ Thế Sơn một tháng đôi lần dẫn nhóm khách bách bộ quanh khu phố cổ. Điểm khởi đầu là phố bích họa Phùng Hưng. Anh bảo muốn đưa họ tới không gian có ý nghĩa về lịch sử Hà Nội. Phố Phùng Hưng xưa chính là kênh đào quanh Hoàng thành Thăng Long. Cây cầu cạn đường sắt vắt sang Long Biên với bức tường bên dưới nay hiện diện các tác phẩm có sự tương tác với bối cảnh lịch sử phố phường Hà Nội.

Tác phẩm “Ngôi nhà số 63 Phùng Hưng” của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế- từng gây lùm xùm, bị một lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội đòi xóa sổ, được giới thiệu kỹ lưỡng. Khách được dẫn qua số nhà 63 thật để hình dung sự biến đổi của một ngôi nhà kiến trúc Pháp. Nhóm khách lần theo con đường đó xuyên qua Hàng Mã, qua Hàng Đào, Hàng Chiếu, xuyên qua phố bia Tạ Hiện rồi qua Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ với ngôi nhà 50 Đào Duy Từ-công trình do thành phố Toulouse và Hà Nội kết hợp trùng tu, nhưng ít được đưa vào lịch trình giới thiệu cho khách nước ngoài. Kho tư liệu và hình ảnh trên tầng 2 của ngôi nhà này cho du khách cái nhìn tổng quan về lịch sử Hà Nội, sự biến đổi theo thăng trầm lịch sử.

Khách còn được thăm ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Điểm cuối cùng là đình Kim Ngân. Đây là công trình do thành phố Toulouse phối hợp Hà Nội di dời hơn 30 hộ dân sang các khu nhà tái định cư do thành phố bố trí. “Ngôi đình Kim Ngân sau khi di dời dân và trùng tu dường như trở thành ngôi đình hiếm hoi chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử của khu phố cổ. Khách có thể sang ngôi đình Trương Thị bên cạnh thờ tổ nghề để thấy sự khác biệt: Thành phố chưa có kinh phí trùng tu, ngôi đình không khác gì các ngôi nhà trong khu phố cổ với cửa hàng thương mại, dấu vết đình chỉ còn lại cột trụ cổng. Qua đây, du khách có thể hình dung sự biến đổi kinh khủng như thế nào của phố cổ Hà Nội", họa sĩ Thế Sơn nói.

Tìm lại ký ức Hà Nội

Một năm trở lại đây, mỗi tháng khoảng bốn, năm đoàn khách tìm tới xưởng của Nguyễn Thế Sơn. Anh bảo đó là do các công ty du lịch chuyên đón khách Tây Âu, một số công ty du lịch lớn ở Hà Nội kết nối đưa khách đến. “Trước hết, họ muốn tới gặp nghệ sĩ, thăm xưởng và trò chuyện về nghệ thuật, sau đó nếu có nhu cầu, tôi sẽ dẫn họ ra thực địa coi như chuyến điền dã Hà Nội”, Sơn nói.

Khách theo chân Sơn để tìm lời giải cho những câu hỏi xoay quanh không gian sống của phố cổ Hà Nội. Chẳng hạn, ngôi nhà của nhà tư sản chủ rạp Đông Đô nay bị chia sẻ không gian cho cả chục hộ sinh sống. Nhiều ngôi nhà bị biến thành khách sạn, nhà hàng; thực tế, chủ của những khách sạn này không liên quan đến người gốc phố cổ. Những cư dân phố cổ gốc thường co cụm lại trên tầng 2, biến ban công thành bếp, toilet. Ngôi nhà số 87 Mã Mây là ngôi nhà gốc duy nhất ở Hà Nội còn giữ lối kiến trúc hai tầng được thiết kế kiểu nhà ống dành cho một gia đình độ 10 người sinh sống. Sau giải phóng thủ đô, mỗi số nhà là nơi sinh sống của cả trăm con người.

Tour không gian sống cho khách Tây thăm Hà Nội ảnh 1  

Nguyễn Thế Sơn chính là người kể chuyện ký ức Hà Nội, bởi anh đau đáu trước sự biến đổi không ngừng của khu phố cổ. Đó là nơi ông bà nội anh từng sinh sống, tuổi thơ gắn với các khu phố Tây như phố Huế, Hàng Giấy nên anh nắm bắt hết những đổi thay chóng mặt của không gian này. Anh nói rằng, người dân phố cổ hiện nay có sự đứt gãy về ký ức, bởi nhiều người sống trong nhà cổ không có mối liên hệ đến chủ nhân xây ra những ngôi nhà đó, họ cũng chẳng có nhu cầu gìn giữ di sản.

Số tour thăm phố cổ tăng dần lên, đều do hiệu ứng truyền tai nhau từ du khách. Trở về nước nhiều du khách gửi phản hồi cảm ơn họa sĩ cho họ hiểu sâu hơn về đô thị Hà Nội. Có những nhà nghiên cứu, nhà báo gửi lại cho anh bài báo đầy tâm huyết, như nhà báo Bernard Pichon đăng một bài viết về họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với câu chuyện Hà Nội trên tờ báo uy tín của Thụy Sĩ.

Hỏi anh có ý định nâng tầm và mở rộng quy mô, Sơn lắc đầu bởi chỉ mưu cầu chất lượng. Khách đến với nghệ sĩ phải thực sự yêu nghệ thuật, đủ quan tâm và tri thức để nắm bắt lịch sử, văn hóa qua mỗi câu chuyện anh kể về từng biển tên phố, từng số nhà hay kiến trúc đặc trưng nào đó của Hà Nội xưa. Sơn nhiều khi phải gạt bỏ dự án riêng để làm hướng dẫn viên, trực tiếp thuyết minh bằng tiếng Anh chứ không chịu để phiên dịch vì lo tam sao thất bản, khó tải nổi khối kiến thức chuyên ngành về lịch sử, văn hóa Hà Nội. Tour đặc biệt này góp thêm lát cắt giới thiệu về những vỉa tầng văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến, nhưng đang biến đổi để gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo-vừa được UNESCO ghi danh hôm 30/10.

Mỗi đoàn khách chỉ dưới 20 người, đủ quây quần quanh nghệ sĩ nghe chuyện về Hà Nội. Sơn bảo, mỗi lần đi tour về đều kiệt sức vì khách hỏi quá nhiều. Khách được trải nghiệm không gian sống của Hà Nội, được gặp những nhân chứng đặc biệt. “Khi qua Phở Mười Lý Quốc Sư, tôi chỉ cho khách thấy tên Hợp tác xã Mùa thu trên trán nhà, cắt nghĩa cho họ về lịch sử của hợp tác xã ấy trong lòng phố cổ Hà Nội. Tôi có thể cho họ gặp cháu của ông chủ ngôi nhà Nghiêm Xuân Thúc. Người cháu ấy từng ra sức bảo vệ để người ta không đập bỏ chữ “Nguyên Xuân Thúc” trên trán nhà”, anh kể.

MỚI - NÓNG