Tổng Thư ký Quốc hội: Phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các cơ quan của Quốc hội phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 7 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý.

Chiều 22/4, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Về kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát, theo ông Cường, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) và các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2022.

Tổng Thư ký Quốc hội: Phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định pháp luật ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QH.

Theo đó, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành đã ban hành thêm được 15 văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng từ năm trước; sửa đổi, bổ sung 6 văn bản để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn 33 nội dung phải quy định chi tiết thi hành của 9 luật, 1 pháp lệnh chưa được ban hành và 5 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung; chưa bãi bỏ hoặc ban hành văn bản thay thế 11 văn bản đã hết hiệu lực.

Về cơ bản, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 7 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi giám sát được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn 1 văn bản có sai sót kỹ thuật về căn cứ pháp lý và đã được phát hiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Báo cáo của các cơ quan Quốc hội cho thấy vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Qua tổng hợp các đề xuất, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh; tăng cường quy định trực tiếp trong các luật, nghị quyết, pháp lệnh, hạn chế thấp nhất việc phải giao quy định chi tiết.

Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường kiểm soát nội dung giao quy định chi tiết trong các dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh được giao chủ trì thẩm tra; trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cần xác định rõ phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đề nghị Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan khẩn trương ban hành và chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung còn nợ và xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị hàng quý các Ủy ban tổng hợp gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ và mỗi năm sẽ báo cáo Quốc hội một lần.

MỚI - NÓNG