Chỉ vài giờ sau khi cách chức Thống đốc vùng Dnepropetrovsk của tỉ phú Igor Kolomoysky, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lại ký sắc lệnh bắt khẩn cấp Giám đốc Cơ quan Các tình trạng khẩn cấp quốc gia Sergey Bochkovsky và cấp phó của ông này là Vasyl Stoyetsky ngay tại cuộc họp được truyền hình trực tiếp ngày 25/3.
Tại sao ông Poroshenko lại đưa ra quyết định gần như đồng thời vào thời điểm này? Liệu có phải sự phản kháng của người dân đang khiến ông Poroshenko lo ngại xảy ra một “phong trào Maidan phiên bản 2.0” hay một chiến dịch chống tham nhũng nhằm trấn an người dân trong bối cảnh kinh tế ngày càng suy kiệt và sức ép từ các định chế tài chính về một nền kinh tế minh bạch hơn.
Hiểm họa mới: "Bạn" biến thành "thù"
Ngày 25/3 vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký sắc lệnh cách chức tỉ phú Igor Kolomoysky, Thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk thuộc miền Đông Ukraine, giáp với Cộng hòa nhân dân Donetsk và tỉnh Mariupol.
Động thái này được xem là "cực chẳng đã" ông Poroshenko phải thực hiện, nó là kết quả tất yếu của những mâu thuẫn gây chia rẽ giữa Tổng thống với các đồng minh tỉ phú được giao quản lý các khu vực, các tỉnh của Ukraine.
Tỉ phú Kolomoysky là một trong những người giàu nhất Ukraine, với tài sản được tạp chí Forbes đánh giá vào khoảng 3 tỉ USD. Sự giàu có đó đến từ việc kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngân hàng cho đến hàng không, năng lượng.
Là một người theo trào lưu thân phương Tây, Kolomoysky từng đem số tài sản kếch xù của mình ra để ủng hộ các đảng phái chính trị thân châu Âu, như Khối Yulia Tymoshenko, rồi Khối Ukraine của chúng ta - phong trào Tự vệ nhân dân của cựu Tổng thống Viktor Yushchenko.
Tháng 3/2014, khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, Kolomoysky được Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov bổ nhiệm làm Thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk. Đây là một trong những tỉnh quan trọng nhất của Ukraine, là tỉnh công nghiệp hàng đầu của nền kinh tế nước này.
Nhưng đa số dân của tỉnh Dnipropetrovsk lại nói tiếng Nga và thân Nga. Khi phiến quân ly khai đánh chiếm các tỉnh lân cận (Donetsk và Luhansk), Dnipropetrovsk được đặt trong tình trạng báo động cao, nguy cơ rơi vào tay phiến quân ly khai rất cao.
Trong tình hình đó, Thống đốc Kolomoysky đã không ngần ngại bỏ tiền túi ra để xây dựng một đội quân vũ trang riêng để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trong tỉnh Dnipropetrovsk.
Nhờ được trang bị tốt, quân đội của Kolomoysky bảo đảm duy trì hòa bình, không để quân ly khai làm chủ. Khi lên nắm quyền, ông Poroshenko đã xem Kolomoysky như một đồng minh và tin tưởng giao cho ông nhiệm vụ "bảo vệ hòa bình" cho Ukraine trên cơ sở những gì Kolomoysky đã thực hiện.
Trong mối quan hệ giữa Kolomoysky, bên cạnh sự liên minh về chính trị còn có các mối quan hệ trong làm ăn kinh tế.
Kolomoysky là ông chủ của một số doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực ngân hàng, hàng không dân dụng, truyền thông và năng lượng. Đồng thời ông cũng có cổ phần (thiểu số) trong Công ty Năng lượng nhà nước UkrNafta.
Tuy nhiên, mối lương duyên không bền chặt đó đã mau chóng tan vỡ, khi Kiev buộc phải thực hiện những yêu cầu khắt khe do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.
EU vốn đã rất thận trọng khi quyết định móc hầu bao tiền tỉ viện trợ kinh tế cho đất nước Ukraine vốn rất mong manh và trì trệ, lại chậm chạp trong đấu tranh chống tham nhũng.
Tiêu chuẩn được châu Âu đặt ra là Kiev phải nhanh chóng đẩy lùi tham nhũng, xóa bỏ cơ chế ưu ái cho các tỉ phú trong điều hành nền kinh tế.
Nhằm cải tổ cung cách điều hành các tập đoàn kinh tế nhà nước, Quốc hội Ukraine vừa thông qua một đạo luật, theo đó làm hạn chế quyền hành của các cổ đông thiểu số như Kolomoysky trong các tập đoàn, công ty nhà nước, đồng thời cho phép các công ty thực hiện các hành động cải tổ quản lý mà trước đây Kolomoysky từng cản trở.
Ngay sau đó, Chính phủ Kiev bắt đầu hành động cho thôi chức Giám đốc điều hành Công ty UkrTransNafta đối với Oleksandr Lazorko, một người thân tín của Kolomoysky. Ngay lập tức, hàng chục tay súng vũ trang bịt mặt được cho là người của Kolomoysky đã xông vào chiếm trụ sở Công ty UkrTransNafta và ngăn cản người của công ty này vào làm việc.
Cuộc xung đột mới với Kolomoysky một lần nữa đặt ra vấn đề nghiêm trọng cho Kiev vì nó không chỉ đe dọa an ninh nội bộ mà còn khiến cho các "đồng minh" của Kiev ở châu Âu "chột dạ" lo lắng.
Mối bận tâm ở đây là việc các tỉ phú như Kolomoysky đã được phép duy trì một lực lượng vũ trang riêng và được trao quyền hạn khá lớn trong việc duy trì an ninh trật tự tại các địa phương trong tình hình đất nước xung đột vũ trang với lực lượng ly khai ở miền Đông.
Chính điều này đặt ra một nguy cơ xung đột mới một khi các tỉ phú này "trở mặt" từ bạn thành thù với chính quyền Kiev.
Người ta thống kê được rằng, lực lượng vũ trang riêng của tỉ phú Kolomoysky, có tên gọi là Dnepro-1, hiện có khoảng 10.000 người, ngoài ra ông ta còn chi tiền tài trợ cho một số nhóm bán vũ trang khác nữa đang tham gia chiến đấu ở miền Đông Ukraine.
Báo chí Ukraine và châu Âu từng phỏng vấn Kolomoysky và đánh giá rằng, ông ta có khả năng điều động ngay lập tức khoảng 2.000 người có vũ trang đến Kiev để bao vây các tòa nhà chính phủ.
Nhìn thấy được mối hiểm họa này, Tổng thống Poroshenko từng ra lệnh cho các tỉ phú duy trì quân đội riêng như Kolomoysky phải chuyển giao quân gia nhập quân đội quốc gia để cùng tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình vẫn chưa có động tĩnh gì, vì các chỉ huy quân đội riêng vẫn tiếp tục trung thành với các ông chủ tỉ phú, vì các ông chủ này giàu có và trang bị chiến đấu cũng tốt hơn.
Bây giờ, khi Kolomoysky đã chính thức "lộ mặt", giới quan sát đang nín thở theo dõi xem sắp tới đây, ông chủ giàu có này sẽ có những hành động gì để đáp trả Kiev. 10.000 người vũ trang cộng với các nhóm được tài trợ ở mặt trận miền Đông là con số không nhỏ, là một thế lực tiềm ẩn nguy cơ xung đột mới trong khi Kiev vẫn đang loay hoay chưa thể giải quyết xong lực lượng ly khai ở miền Đông.
Sergey Bochkovsky bị bắt ngay tại cuộc họp nội các.
Chống tham nhũng - cuộc chiến cam go
Ngày 25/3, các nhân viên an ninh thuộc Bộ Nội vụ Ukraine đã bất ngờ ập vào phòng họp chính phủ bắt giữ 2 lãnh đạo cao nhất của Cơ quan Các tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraine ngay trước sự chứng kiến của báo giới với các cáo buộc tham nhũng.
Ngay lập tức, Chính phủ Ukraine cũng thông báo quyết định sa thải hai quan chức này, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành điều tra hoạt động của toàn bộ cơ quan trên.
Các nhà điều tra cho biết ông Sergey Bochkovsky, Giám đốc Cơ quan Các tình trạng khẩn cấp quốc gia, và cấp phó của ông là Vasily Stoyetsky đã bị khởi tố hình sự do nghi ngờ tổ chức các cuộc đấu thầu mờ ám để nâng giá dầu ma-dút.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov, qua khám xét phòng làm việc của 2 quan chức trên tại Cơ quan Các tình trạng khẩn cấp Ukraine đã thu được các giấy tờ xác nhận họ đứng đằng sau một số công ty ở nước ngoài, thẻ ngân hàng, con dấu, mã khóa tài khoản...
Từ đó cơ quan điều tra đã làm rõ, hợp đồng mua dầu của chính phủ được thực hiện thông qua các công ty tư nhân, tiền được chuyển ra nước ngoài, và 15-20% số tiền hợp đồng được chuyển vào tài khoản các công ty của hai quan chức nói trên như tiền "lại quả".
Ông Avakov cũng cho biết việc bắt giữ công khai quan chức tham nhũng là để "răn đe" đối tượng tham nhũng khác trong bối cảnh kinh tế Ukraine đang đứng bên bờ vực phá sản.
Thủ tướng Arseny Yasenyuk cho rằng, cảnh tượng các quan chức cấp cao bị còng tay dẫn giải đi giữa một cuộc họp nội các được truyền hình trực tiếp sẽ là một lời cảnh báo sắc bén cho những quan chức khác đang bị tình nghi tham nhũng.
Ông Yasenyuk cảnh báo: "Điều này sẽ xảy ra với bất kỳ ai - những người vi phạm pháp luật và coi thường đất nước Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phải sống trong chiến tranh và dựa vào từng đồng xu thì có người lại ăn cắp của người dân".
Ông tuyên bố sẽ tiến hành điều tra hoạt động của toàn bộ ban lãnh đạo Cơ quan Các tình trạng khẩn cấp ở các tỉnh vì tình nghi tất cả đều liên quan đến mạng lưới tham nhũng biển thủ tiền công quỹ trên. Cuộc điều tra mở rộng đến cả các thanh tra viên, lính cứu hỏa và các nhân viên khác của cơ quan này.
Mặc dù được xem như chiến dịch mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là trong giới quan chức, song giới phân tích cho rằng đây là hành động nhằm "răn đe" giới tài phiệt đang chi phối trên chính trường nước này.
Ông Leonid Slutsky, nghị sĩ hàng đầu của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) lại cho rằng, vụ sa thải tỉ phú Kolomoysky có thể là sự "dằn mặt" trước làn sóng các nhà tài phiệt Ukraine đứng lên chống lại Tổng thống Poroshenko.
Vụ sa thải ông Kolomoysky khỏi vị trí người đứng đầu khu vực Dnipropetrovsk và cuộc đối đầu giữa ông này với chính quyền của Tổng thống Poroshenko đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong chính quyền Ukraine và cho thấy sự thất bại của chính sách do phương Tây áp đặt lên nước này.
"Dưới khẩu hiệu về sự hội nhập châu Âu, Ukraine đang quay trở lại thời kỳ của sự đối đầu đầy hận thù và sự cầm quyền của những nhà đầu sỏ chính trị. Chẳng thấy nền dân chủ ở đâu", ông Slutsky đưa ra nhận định. "Tất cả những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ukraine đang ở tình trạng nghiêm trọng nhất, đồng hryvnia sụt giảm nhanh chóng và sự bất ổn trong nước tăng cao".
Ông Sergei Leshchenko, thành viên Quốc hội Ukraine (tức Rada Tối cao) cho biết, Quốc hội Ukraine đã rất trăn trở với việc thành lập Cục Phòng chống tham nhũng với những quyền hạn lớn hơn để điều tra và bắt giữ những chính trị gia hàng đầu, những người lạm dụng quyền lực để mưu đồ lợi ích riêng.
Sâu xa hơn, các nhà lập pháp ở Kiev còn muốn ngăn chặn các ảnh hưởng chính trị to lớn của các nhân vật chóp bu, các ông trùm kinh doanh vốn vẫn chi phối nền chính trị nước này. Tuy nhiên, ông Leshchenko thú nhận, vấn đề ở đây là công cuộc cải cách hệ thống trong ngành tư pháp, quân đội và an ninh sẽ phải "mất nhiều năm" mới hoàn thành.
Điều này có lẽ là "không thể" đối với Ukraine khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố khoản ngân sách thiếu hụt nghiêm trọng giữa khoản viện trợ mà cơ quan này hứa trao cho Kiev và khoản Ukraine cần.
Hiện các nước phương Tây chưa có động thái nào sẵn sàng để viện trợ thêm tài chính cho Kiev. Họ lo lắng, Kiev dường như chưa làm đủ điều gì để cho họ thấy, nước này đã sẵn sàng giải quyết các vấn đề của riêng họ.
Một vấn đề quan trọng khác không thể không nhắc đến đó là các ông trùm kinh doanh vẫn nắm một số chức vụ trong bộ máy công quyền Ukraine, nhiều tháng sau vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.
Điển hình, người giàu nhất Ukraine, ông Rinai Akhmetov vẫn giữ được sức ảnh hưởng đáng kể của mình trong hệ thống chính trị nước này khi ông là thành viên của Khối Đối lập.
Chưa kể, tỷ phú Petro Poroshenko, chính là đương kim Tổng thống cũng là một trường hợp cần bàn. Dư luận đặt ra nghi vấn, liệu rằng ông Poroshenko có tránh được những sai lầm và ông có chịu từ bỏ đế chế kinh doanh của mình để "toàn tâm toàn ý" lãnh đạo đất nước.
Mặc dù Bộ Tài chính nước này thông báo đã nhận được khoản viện trợ tài chính đầu tiên trị giá 5 tỉ USD từ IMF trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính 17,5 tỉ USD kéo dài 4 năm, song ít có khả năng quốc gia Đông Âu này nhận được cả gói cứu trợ tài chính quốc tế có tổng trị giá 40 tỉ USD trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng chóng mặt trong khi những cam kết cải cách chưa chứng minh được điều gì.
Quyết định đau đớn nhất, ngày 26/3, Hãng Reuters dẫn các nguồn tin châu Âu giấu tên cho biết phương Tây tuyên bố tạm ngừng cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine do lo ngại các khoản tiền này rơi vào chiếc "túi không đáy" vì tham nhũng.