“Tổng thống Trump nghĩ rằng, có những nơi mà chúng ta có thể làm việc với Nga, cho dù đó là Syria hay Triều Tiên… Ông sẽ tiếp tục tìm cách làm việc với họ nhằm mục đích mang lại lợi ích cho nước Mỹ”, bà Sanders cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (16/11).
Quan hệ Mỹ-Nga chuyển biến theo chiều hướng xấu đi liên quan đến cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, kéo theo đó là việc thông qua đạo luật trừng phạt mới nhằm vào Nga hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ, cho rằng lời buộc tội là vô lý, nhằm làm lệch hướng sự chú ý của công chúng từ những trường hợp gian lận bầu cử, tham nhũng cũng như các vấn đề khác.
Đây là nghịch lý, bởi so với các đời tổng thống trước, chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng rất xem trong việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Ý tưởng này đã được ông công khai khi còn đang trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái.
Đáng tiếc, những nỗ lực của ông đều rơi vào bế tắc, thậm chí còn vướng phải lùm xùm thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử.
Dẫu vậy, mong muốn hợp tác sâu rộng hơn với Nga vẫn không hề thuyên giảm trong suy nghĩ của vị tổng thống người New York.
Trong chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã lần thứ 2 gặp gỡ trực tiếp người đồng cấp Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017.
Ông Trump tỏ ra thân thiện với ông Putin, hai lần chủ động bắt tay, và luôn đứng gần ông Putin khi chụp ảnh với các nhà lãnh đạo APEC khác. Hai bên cũng có cuộc trao đổi ngắn bên lề hội nghị, và đưa ra tuyên bố chung về Syria.
Tuy có chút nuối tiếc vì không thể hội đàm chính thức theo kế hoạch, ông Trump thể hiện sự tâm đắc đối với cuộc gặp ngắn ngủi. Ông đổ lỗi cho đảng Dân chủ đã tạo ra “rào cản nhân tạo” cho quan hệ Mỹ-Nga, bằng cách buộc tội Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
“Nếu chúng ta có thể cứu nhiều và rất nhiều mạng sống bằng việc thỏa thuận với Nga về Syria, và sau đó vấn đề ở Syria được giải quyết, rồi đến khủng hoảng Ukraine được giải quyết và làm nhiều việc khác nữa, có một mối quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tuyệt vời. Và những gì đảng Dân chủ làm là ngăn cản điều đó. Mọi người sẽ chết vì điều này”, ông chia sẻ với phóng viên trên Air Force One hôm 11/11.
Trong khi đó, ông Putin nhận định, việc không tổ chức được hội đàm chính thức với ông Trump thể hiện quan hệ Nga-Mỹ vẫn chưa chuyển biến tốt lên.
Quả thật, mục tiêu cải thiện quan hệ Mỹ-Nga của ông Trump còn phải vượt qua nhiều rào cản khó khăn. Không chỉ ở sự phản đối từ Quốc hội Mỹ, mà còn từ sự khác biệt trong lập trường của hai cường quốc.
Có thể thấy rõ, dù ở vấn đề nào từ Ukraine, Triều Tiên đến Syria hai bên dường như đứng ở hai chiến tuyến khác nhau, thường xuyên chỉ trích chính sách, chiến lược của nhau.
Quá trình đi tìm “tiếng nói chung” với Moscow là thách thức lớn đối với Tổng thống thứ 45 của Washington, nhất là trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với mức tín nhiệm thấp nhất kể từ khi nhậm chức.