> Sau tái đắc cử, tổng thống Mỹ thăm Myanmar
*Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á - Thái Bình Dương
Ông Barack Obama. |
Ông Obama sẽ gặp Tổng thống Myanmar Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Chính phủ Myanmar đã bắt đầu quá trình cải tổ kinh tế, chính trị và nhiều lĩnh vực khác - điều mà chính quyền Obama khuyến khích mạnh mẽ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng tới thăm Myanmar (tháng 12-2011).
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Jay Carmen tuyên bố, ông Obama dự định “nói chuyện với một xã hội dân sự để khuyến khích quá trình chuyển tiếp dân chủ đang diễn ra ở Myanmar”.
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Obama ngay sau khi tái đắc cử tổng thống cho thấy Mỹ rất coi trọng việc bình thường hoá quan hệ với Myanmar.
Theo họ, quá trình này đang tiến triển tương đối nhanh, và điều đó tạo cơ hội cho Mỹ dấn sâu hơn vào khu vực và từ đó ít nhất cũng chặn được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Myanmar nhiệt liệt chào đón chuyến thăm của ông Obama, theo thông báo của chính phủ nước này.
“Sự ủng hộ và khuyến khích của Tổng thống và nhân dân Mỹ sẽ thúc đẩy quá trình cải tổ của Tổng thống Thein Sein để tiến về phía trước”, phát ngôn viên Myanmar Maj Zaw Htay nói.
Quá trình cải tổ diễn ra ở Myanmar kể từ cuộc bầu cử tháng 11-2010, khi chính quyền quân sự được thay thế bằng chính quyền dân sự do quân đội hậu thuẫn.
Từ đó đến nay, nhiều tù nhân chính trị đã được thả tự do và cơ chế kiểm duyệt trong nhiều lĩnh vực cũng trở nên dễ thở hơn.
Bà Aung San Suu Kyi đã được tái tham gia hoạt động chính trị. Đáp lại, Mỹ đã cử đại sứ tới Myanmar và nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu hàng hoá từ quốc gia này.
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Getty Images. |
Nghị sĩ Mỹ Joe Crowley, người đang phụ trách các vấn đề về Myanmar, nhận định, chuyến thăm của ông Obama có thể là “bước đi quan trọng nhất” trong việc ủng hộ dân chủ ở Myanmar, dù rằng còn rất nhiều việc phải làm.
“Vẫn còn quá nhiều tù nhân chính trị bị giam cầm, tình trạng bạo lực với người thiểu số cần phải chấm dứt, và không phải tất cả cải cách chính trị đều đã được thực hiện,” ông Crowley nói.
Các nhóm nhân quyền có thể sẽ chỉ trích chuyến thăm của ông Obama là quá sớm, vì chính phủ cầm quyền Myanmar vẫn chưa thể ngăn chặn bạo loạn sắc tộc, tôn giáo ở miền tây đất nước.
Những xung đột giữa người theo đạo Phật và đạo Hồi ở bang Rakhine từ tháng 6 khiến 140 người chết và hơn 100.000 người (hầu hết là người thuộc nhóm thiểu số Rohingya theo đạo Hồi) phải chuyển nơi ở.
Nhiều nhà làm luật Myanmar đang kêu gọi chính phủ gửi thêm quân tới Rakhine để giúp làm dịu tình hình.
Ngày 9-11, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Ai Cập, Nhật Bản, Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt kêu gọi Myanmar đảm bảo cho các chuyến hàng viện trợ nhân đạo đến được với hàng vạn người dân đang phải sơ tán do bạo loạn sắc tộc, tôn giáo ở Rakhine. Các nước này yêu cầu tiến hành điều tra độc lập để xác định căn nguyên cuộc xung đột.
Ngoài Myanmar, ông Obama sẽ thăm Campuchia, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo một số thành viên ASEAN.
Trong chuyến thăm Thái Lan, ông Obama sẽ gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra, tái khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ - Thái.
Thắt chặt quan hệ quốc phòng Hôm qua, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc George Little thông báo, tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sẽ thăm một số nước châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện cam kết thực hiện chính sách tái cân bằng ở khu vực này. Nơi dừng chân đầu tiên của ông Panetta là Úc để cùng với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Martin Dempsey tham dự các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng giữa Mỹ và Úc. Cuộc gặp năm nay sẽ “tạo cơ hội để nhìn lại tiến trình hợp tác trong việc triển khai lực lượng thuỷ quân lục chiến và không quân ở miền bắc nước Úc và để thảo luận những bước đi tiếp theo để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quan trọng này”, ông Little nói. Ông Panetta cũng sẽ thăm Thái Lan và Campuchia, gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên ASEAN tại tỉnh Siem Reap của Campuchia. |
Gia Tùng
Theo AP, Xinhua,BBC, Strait Times