Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu: Chết còn ôm hận

Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu: Chết còn ôm hận
Thế là đã 38 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vĩnh viễn từ thời điểm 30/4/1975 đã kết thúc một chế độ của những thế lực chỉ muốn dựa vào ngoại bang để mưu cầu danh lợi và rốt cuộc đã phải kết thúc đời mình trong cô tủi.

Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu: Chết còn ôm hận

Thế là đã 38 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vĩnh viễn từ thời điểm 30/4/1975 đã kết thúc một chế độ của những thế lực chỉ muốn dựa vào ngoại bang để mưu cầu danh lợi và rốt cuộc đã phải kết thúc đời mình trong cô tủi.

Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu: Chết còn ôm hận ảnh 1
 

Một trong những nhân vật như thế là Nguyễn Văn Thiệu, người đã ngồi trên ghế tổng thống của chế độ Sài Gòn cũ tới cả một thập niên, và trước lúc bắt buộc phải rời đi đã tức tưởi thốt lên những câu đầy oán hận đối với các quan thầy Mỹ.

Lỡ một bước, lỡ một đời

Nguyễn Văn Thiệu là người con thứ tám trong một gia đình có cha làm nghề đi biển và lo chuyện ruộng đồng tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Một số tư liệu cho rằng, ông ta sinh ra vào ngày 5/4/1923.

Gia đình vị tổng thống tương lai của chế độ Sài Gòn cũ tuy không thuộc loại khá giả nhưng cũng có đủ điều kiện cho cậu con trai đi học tiểu học và trung học ở Phan Rang dù học lực của cậu bé lầm lì và đa nghi từ nhỏ rất tầm tầm. Hết lớp 9 ở quê nhà, Nguyễn Văn Thiệu đã lên Sài Gòn để học nghề ở Trường Kỹ thuật Đỗ Hữu Vị (sau đổi là Trường Cao Thắng) rồi lại nhảy sang học ở Trường Hàng hải Dân sự.

Trong bối cảnh Việt Nam thời đó đang sôi sục phong trào chống ngoại xâm, Nguyễn Văn Thiệu đã không chọn con đường đi cùng nhân dân đứng lên bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc mà lại xung vào đội ngũ những tay sai mới cho thực dân Pháp chống lại đất nước. Có thể lúc đó chàng trai quê ra tỉnh không hình dung được rõ tất cả những hệ lụy nảy sinh từ định mệnh mà mình đã chọn mà chỉ vui sướng với những phù hoa hiện hữu nhỡn tiền dễ dãi trong kiếp làm lính phục vụ ngoại bang.

Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao, Nguyễn Văn Thiệu không còn lối lui trong những nỗ lực công danh được xây dựng bởi cuộc đời binh nghiệp tưởng như phục vụ cho lý tưởng dân chủ tự do nhưng thực chất chỉ là theo đóm ăn tàn phản dân hại nước. Đây chính là một sai lầm định mệnh, khiến cho mọi nỗ lực sau này của Nguyễn Văn Thiệu đều trở thành vô nghĩa, mặc dù không thể phủ nhận được những phẩm chất lính tẩy cá nhân của ông ta.

Tháng 12/1948, Nguyễn Văn Thiệu đã vào học Khóa Sĩ quan trung đội trưởng tại Trường Sĩ quan Đập Đá (Huế) cùng với hơn 60 phần tử khác. Tốt nghiệp trường này vào tháng 6/1949 (do nhu cầu chiến tranh nên quan thầy Pháp đã không thể dành nhiều thời gian hơn để đào tạo lứa tay sai đầu tiên của thế hệ “hậu 1945”), Nguyễn Văn Thiệu với quân hàm thiếu úy đã tham gia binh nghiệp trong lực lượng người Việt trong quân đội liên hiệp Pháp và đã được quan thầy cử tới khu vực miền Tây Nam Bộ.

Ở đó có lẽ ông ta cũng đã sớm bộc lộ khá rõ sự hung hăng và trung thành với “mẫu quốc” nên đã được chọn đi thụ huấn ở Trường Sĩ quan căn bản Bộ binh tại Coequidan, Pháp. Trong thời gian trước năm 1954, là một sĩ quan trong cái gọi là quân đội quốc gia của chính quyền do thực dân Pháp dựng lên, Nguyễn Văn Thiệu đã cầm súng chống lại nhân dân ta ở nhiều nơi trong nước, ở cả Hưng Yên…

Năm 1952, sau khóa đào tạo tiểu đoàn trưởng và liên đoàn lưu động tại Hà Nội, Nguyễn Văn Thiệu được điều chuyển cùng với Cao Văn Viên, lúc đó cũng là trung úy, và Đại úy Đỗ Mậu về Bộ Chỉ huy Mặt trận Hưng Yên do Trung tá Dương Quý Phan làm chỉ huy trưởng. Tại đó, Ðỗ Mậu được giữ chức tham mưu trưởng, còn Nguyễn Văn Thiệu giữ chức trưởng phòng 3 và Cao Văn Viên giữ chức trưởng phòng nhì…

Trong hồi ký của mình, Đỗ Mậu nhận xét:

“Thiệu trầm tĩnh khôn ngoan, lại có khả năng về tham mưu, đã từng được Đại tướng Pháp De Linarès, Tư lệnh chiến trường Bắc Việt phê điểm rất tốt: Thông minh sắc bén, siêng năng, có phương pháp và tỉ mỉ. Sĩ quan hảo hạng. Có ý thức tuyệt hảo về tổ chức và bảo mật…”. Một số người thân cận với Nguyễn Văn Thiệu cũng nhận xét, ông ta là “người có tính tình rất bình dân mộc mạc, ăn nói huỵch toẹt theo nếp sống của người miền biển”…

Mặc dầu những phẩm chất quân nhân của Nguyễn Văn Thiệu vẫn nặng phần hoang tưởng, nhưng trong bối cảnh cụ thể của chính trường Sài Gòn lúc ấy, trong thế bó buộc của đội ngũ nhân sự xuất thân từ lực lượng đã cam tâm làm tay sai cho Pháp nhưng vẫn còn cơ để thay thầy đổi chủ, Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn là một trong những gương mặt có thể đầu tư được đối với những thủ lĩnh sắp sửa nắm quyền ở đây với sự trợ giúp của ngoại bang.

Nói cho cùng, lý lịch công vụ của ông ta cũng còn hơn rất nhiều kẻ đồng thời. Chính vì thế nên năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại nhục nhã và phải rời khỏi Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu đã gia nhập cái gọi là quân lực Việt Nam cộng hòa, phục vụ chính quyền Ngô Đình Diệm và được xếp vào vị trí chỉ huy của Sư đoàn 1 Bộ binh của quân đội Sài Gòn đóng tại Huế.

Rồi năm 1958, ông ta lại được đưa lên cấp trung tá, giữ chức chỉ huy trưởng Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt. Những ông chủ mới từ bên kia đại dương tới cũng đã kịp để ý tới viên sĩ quan trầm tính và có vẻ đa mưu Nguyễn Văn Thiệu. Chính vì thế nên năm 1957, Trung tá Thiệu được cho đi học một khóa chỉ huy và tham mưu tại Command and General Staff College ở Ft. Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ (tuy nhiên, trong danh sách khóa sinh tốt nghiệp học đường quân sự này đã không có tên Trung tá Nguyễn Văn Thiệu, có thể vì một lý do nào đó mà ông ta đã không dự thi tốt nghiệp).

Năm 1959, Nguyễn Văn Thiệu cũng được đi tu nghiệp tại Trường Phối hợp kế hoạch đồng minh ở Okinawa, Nhật Bản, và năm 1960 trở lại Mỹ học về vũ khí mới ở Fort Bliss.. Chính trong những chuyến đi như thế, CIA đã tiếp cận ông ta để tìm hiểu rõ hơn về một con bài có thể sẽ trở thành đắc dụng trên chính trường Sài Gòn.

Nguyễn Văn Thiệu đi thị sát một đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa. Ảnh tư liệu
Nguyễn Văn Thiệu đi thị sát một đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa. Ảnh tư liệu.
 

Lừa thầy phản bạn

Nhìn chung, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, con đường binh nghiệp của Nguyễn Văn Thiệu đã được rộng mở vì như Đỗ Mậu nhận xét, tính xu thời của viên sĩ quan này, dám “dứt khoát bỏ đạo Phật để theo đạo Công giáo bên vợ” (vợ ông ta là một bà sơ người Mỹ Tho xuất dòng) nên đã được các linh mục vốn rất có quyền uy nâng đỡ và đang làm tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh hành quân cho tướng Dương Văn Minh đã được Ngô Đình Diệm cử giữ chức chỉ huy trưởng Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt.

Đỗ Mậu kể tiếp: “Ngày ông Diệm có ý định cử Thiệu giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5 (gồm toàn những binh lính là người Nùng từ Bắc vào theo chân thực dân Pháp, rất lì lợm và trung thành, được coi như tinh binh của chế độ - TG), ông bảo tôi làm tờ trình về Thiệu. Trong mục ý kiến, tôi đã viết rằng: “Thiệu không theo một đảng phái nào mặc dù có người anh ruột theo đảng Đại Việt. Ông Thiệu là một trong số những sĩ quan ưu tú nhất của quân đội…”.

Cũng Đỗ Mậu nhận xét: “Dù sao thì Công giáo mới là yếu tố chính để hình ảnh Nguyễn Văn Thiệu được ghi khắc vào con tim ông Diệm để Thiệu được ông tín nhiệm và nâng đỡ…”.

Theo một số nguồn tin, cuối năm 1960, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu từ Mỹ trở về Sài Gòn và được Ngô Đình Nhu xếp vào làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh hành quân do tướng Dương Văn Minh làm Tư lệnh. Có ý kiến cho rằng, Bộ tư lệnh hành quân này thực ra chỉ là một tổ chức mới được lập ra để làm vì cho tướng Minh “ngồi chơi xơi nước” vì chính quyền Diệm – Nhu lúc đó đã nghi ngờ tướng Minh có mối quan hệ với Hà Nội qua người em trai là một cán bộ cao cấp, đảng viên cộng sản. Vì sợ “rút dây động rừng”, và lại cũng không có những chứng cớ rõ ràng nên Ngô Đình Diệm đành ngậm bồ hòn làm ngọt và vô hiệu hóa tướng Dương Văn Minh bằng cách này.

Hiểu rõ tình thế của mình, Nguyễn Văn Thiệu đã đi một nước cờ khá cao là xin gia nhập đảng cần lao để lấy lòng Ngô Đình Nhu hòng mua được sự tin tưởng hơn và có thể nhảy lên chức vụ hữu lợi hơn. Không những thế, Nguyễn Văn Thiệu còn cống hiến cho cố vấn Nhu nhiều ý kiến mà ông ta cho là rất xuất sắc để lấy lòng gia đình họ Ngô.

Sau khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm quyết định giải tán Bộ tư lệnh hành quân và đưa tướng Dương Văn Minh về ngồi ở một vị trí thực ra cũng hữu danh vô thực khác là “cố vấn quân sự” của tổng thống, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu được cử đi làm Tư Lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh ở Huế.

Đầu năm 1963 (hoặc cuối năm 1962, theo một số nguồn tư liệu khác), khi thấy tình hình có vẻ như lộn xộn và bất trắc, Ngô Đình Diệm đã đưa Nguyễn Văn Thiệu về làm chỉ huy Sư đoàn 5 đồn trú ở Biên Hòa. Đại tá Thiệu còn được cố vấn Ngô Đình Nhu trao nhiệm vụ giải cứu thủ đô khi có đảo chính.

Trớ trêu thay! Bởi lẽ chính với cương vị này, ông ta đã tham gia cuộc binh biến ngày 1/11/1963 vì mặc dù được hưởng ân huệ không ít của chế độ Ngô Đình Diệm nhưng thực tâm, trong mắt của Nguyễn Văn Thiệu, ông quan to còn lại từ triều đình nhà Nguyễn này, với rất nhiều tham vọng và định kiến, khó có thể trở thành minh chủ đối với một đội ngũ tướng lĩnh nhiều tham vọng và xu thời của Sài Gòn khi đó.

Và Nguyễn Văn Thiệu đã như “buồn ngủ gặp chiếu manh” khi một nhóm tướng lĩnh chóp bu và sĩ quan cao cấp của chế độ Sài Gòn dưới sự khuyến khích khá trắng trợn của quan thầy Mỹ đã tiến hành cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 để lật đổ chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu.

Thực ra, trong cuộc đảo chính này, Nguyễn Văn Thiệu, khi ấy vẫn chỉ là đại tá, chỉ là kẻ theo đóm ăn tàn, hành xử theo lệnh của CIA, cụ thể là thông qua Lucien Conein, đặc sứ của CIA ở Sài Gòn lúc đó. Trong vòng chơi nhớp nháp của cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Nguyễn Văn Thiệu đã hành xử theo kiểu đòn xóc hai đầu.

Một mặt, ông ta nhất nhất tuân theo lệnh của những viên tướng cầm đầu đảo chính nhưng mặt khác, vẫn để cho mình kẽ hở để sau này “thanh minh thanh nga” về sự bất đắc dĩ của mình. Vào lúc 1 giờ rưỡi ngày 1/11/1963, tại một vài nơi ở Sài Gòn đã vang lên tiếng súng.

Khi ông Cao Xuân Vĩ, Tổng giám đốc Thanh niên, đã gọi cho cố vấn Ngô Đình Nhu, đang ở Dinh Gia Long, hỏi thăm tin tức, ông Nhu bảo ông Vĩ đi quanh thành phố xem binh tình ra sao. Ông Vĩ lái xe đi một vòng rồi vào báo tin cho ông Nhu biết tình hình có vẻ vẫn yên tĩnh. Ngô Đình Nhu hỏi: “Chúng nó lấy lực lượng nào để đảo chính?”. Bản thân cố vấn Nhu cũng không thể hiểu được rằng, người vừa sáng nay vào gặp ông ta, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, để nói chuyện và báo cáo tình hình vẫn yên tĩnh, thực ra lại đang chỉ huy Sư đoàn 5 tham gia đảo chính.

Trong tình cảnh rối bời và chua chát của chính trường Sài Gòn lúc ấy, Nguyễn Văn Thiệu cũng rất khéo lảng chuyện vì khi Trung tá Lê Như Hùng, Tham mưu trưởng biệt bộ tại Phủ Tổng thống đặc trách liên lạc với quân đội, được gọi đến Dinh Gia Long để liên lạc với những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn và liên lạc ngay với Đại tá Nguyễn Văn Thiệu thì được trả lời rằng viên chỉ huy sư đoàn này “đang đi hành quân”(!).

Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách Sư trưởng Sư đoàn 5, đã không làm việc gì để thay đổi tình thế hòng giúp cho kết cục chính trị của gia đình họ Ngô đỡ thảm thiết hơn. Thế nhưng, sau khi anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị sát hại, Nguyễn Văn Thiệu, như sau này ông ta kể lại, đã về trình diện Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và tiếp theo, ra lệnh cho lính mở bửng thiết vận xa để chào thi hài anh em Diệm, Nhu trước khi về nhà.

Và sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, hàng năm cứ đến ngày này, Nguyễn Văn Thiệu lại xin thánh lễ cầu hồn cho anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tại Dinh Độc lập… Một cử chỉ lễ nghĩa thật lòng hay là một hành động nước mắt cá sấu?!

Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Nguyễn Văn Thiệu đã có chân trong cái gọi là Hội đồng quân nhân cách mạng do Dương Văn Minh, lúc đó là trung tướng cầm đầu.

Trong nhóm này với những chức danh nghe rất kêu còn có đệ nhất Phó chủ tịch, Trung tướng Trần Văn Đôn; đệ nhị Phó chủ tịch: Trung tướng Tôn Thất Đính; Tổng thư ký kiêm ủy viên ngoại giao, Trung tướng Lê Văn Kim; uỷ viên chính trị, Thiếu tướng Đỗ Mậu; uỷ viên quân sự, Trung tướng Trần Thiện Khiêm; uỷ viên kinh tế, Trung tướng Trần Văn Minh; uỷ viên an ninh, Trung tướng Phạm Xuân Chiểu cùng các ủy viên khác như các Trung tướng Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có (người từng đậu thủ khoa trong khóa đào tạo thiếu úy của thực dân Pháp ở Đập Đá cùng Nguyễn Văn Thiệu)... Tiếp theo, gần cuối năm 1964, Nguyễn Văn Thiệu còn được phong lên cấp Thiếu tướng, giữ chức Tư lệnh Quân đoàn IV và vùng 4 chiến thuật kiêm đại biểu chính phủ miền Tây…

Tay sai dưới búa

Ngay từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Washington đã nhanh chóng nhìn thấy trong Nguyễn Văn Thiệu một quân bài mới cho cuộc chơi tiếp theo của mình trong ván cờ Việt Nam. Người Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều để Nguyễn Văn Thiệu và đảng Dân chủ do ông ta lập ra chiếm được thế thượng phong trên chính trường Sài Gòn.

Chính nhờ thế nên trong cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu ngày 4/9/1967, Nguyễn Văn Thiệu trong liên danh với Nguyễn Cao Kỳ dù chỉ giành được 34,8% số phiếu của các cử tri đi bầu nhưng vẫn trở thành tổng thống của cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa. Tuy nhiên, tiếng gọi là tổng thống của một quốc gia độc lập nhưng trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Văn Thiệu thực ra chỉ là một kẻ tay sai luôn nằm dưới búa của các quan thầy Mỹ…

Và ông ta cũng đã có lần phải cay đắng thú nhận: “Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!”.

Khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/1968, để lấy điểm với cử tri, tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson đã buộc phải tuyên bố ngừng bắn vô điều kiện miền Bắc Việt Nam và cam kết sẽ không tái tranh cử nữa để, như chính lời ông ta nói, “dồn sức cho những nỗ lực hòa bình”.

Và để tìm kiếm cơ hội thắng cử cho Phó tổng thống Hubert Humphrey của ông ta có thể vượt lên truớc các đối thủ từ đảng Cộng hòa. Hà Nội lúc đó cũng đồng ý đàm phán với đối phương. Tuy nhiên, người đã chơi xấu ông Johnson lại chính là nhân vật mà ông ta đã góp phần dựng lên trong Dinh Độc Lập.

Bản tính thích những trò chơi hai mang, Nguyễn Văn Thiệu một mặt tỏ ra thuần phục Johnson nhưng mặt khác đã có nhiều lần tiếp xúc với ứng cử viên Tổng thống Mỹ Nixon thông qua nữ thành viên trong nhóm vận động tranh cử Tổng thống Nixon là bà Anna Chennault. Và khi cảm thấy có thể dùng mới để nới cũ, Tổng thống Thiệu đã tuyên bố ngay truớc khi bầu cử ở Mỹ bắt đầu là chính quyền Sài Gòn sẽ không tham gia đàm phán ở Paris như đã định trước đó.

Việc làm này đã được đánh giá như những điểm cộng rất đáng kể cho ưu thế của ứng cử viên Tổng thống Nixon và dồn ông Johnson vào thế bí và trong bộ sậu của ông này đã nảy sinh ra ý định hạ bệ Tổng thống Thiệu cho rảnh nợ. Người bộc lộ rõ nhất ý định này là Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford…

Vì nhiều lý do, Tổng thống Thiệu đã sống sót được qua năm 1968. Người kế nhiệm ông Johnson trong Nhà Trắng là vị Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon về sau đã được biết về âm mưu ám sát tổng thống Thiệu qua lời cảnh báo của cố vấn Henry Kissinger. Ông Kisinger nói: “Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ chắc chắn là chết…”.

Tuy nhiên, khi Nixon đã làm chủ Nhà Trắng rồi thì cũng chính Nguyễn Văn Thiệu vẫn gây nên những nỗi đau đầu bất tận cho các quan thầy Mỹ. Để có thể tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã gia tăng những nỗ lực để “Việt Nam hóa chiến tranh” và loại dần sự có mặt về quân sự của quân đội Mỹ ở Việt Nam.

Một mặt, Washington gia tăng viện trợ quân sự cho quân đội Sài Gòn. Mặt khác, sau những thất bại của các đợt ném bom tàn bạo xuống miền Bắc Việt Nam, chính quyền Mỹ đã buộc phải tìm cách thương thảo với Hà Nội tại bàn hội nghị ở Paris. Lo sợ vì bị quan thầy “đem con bỏ chợ”, Nguyễn Văn Thiệu lại thêm một lần trở nên cứng đầu cứng cổ, tìm mọi cách chống phá quá trình thương thảo ở Paris.

Đến mức ngay cả Henry Kissinger, Trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ ở Paris, trong hồi ký của mình cũng đã phải nhận xét rằng, trong suốt 5 năm từ 1968, Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách là tổng thống của chế độ Việt Nam cộng hòa, đã phá hoại tất cả những nỗ lực của quan thầy như muốn “bóp nát trái tim nước Mỹ”. Nắm 1972, khi mọi việc đã gần như suôn sẻ ở Paris, Nguyễn Văn Thiệu đã nhất định không chấp nhận ký Hiệp định. Cực chẳng đã, Tổng thống Mỹ Nixon đã phải nhắn khéo về một nguy cơ đảo chính có thể xảy ra ở Sài Gòn.

Trong bức thư đề ngày 6/10/1972, Nixon viết: “Tôi yêu cầu ông cố áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968...”.

Bản tính lì lợm, lại phải đối mặt với vấn đề sinh tử là mất hay còn tương lai, Nguyễn Văn Thiệu bất chấp những đe dọa từ phía Mỹ vẫn ngoan cố chống phá việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Già néo dễ đứt dây, Tổng thống Mỹ Nixon, chuẩn bị cho lễ nhậm chức lần thứ hai trong Nhà Trắng, tỏ ra rất bức xúc vì thái độ hỗn hào của kẻ “muốn ăn không muốn làm” theo ý người trả tiền trong Dinh Độc Lập, đã viết thẳng toẹt ra cho Nguyễn Văn Thiệu về nguy cơ đảo chính: “Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23/1, và sẽ ký vào ngày 27/1/1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình… Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong chính phủ của ông cũng không thể cứu vãn được…”.

Và đành “thân lươn chẳng quản lấm đầu”, dù rất cay đắng nhưng rốt cuộc Nguyễn Văn Thiệu vẫn bắt buộc phải xuống nước và thế là Hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký kết coi như là suôn sẻ vào đúng thời hạn mà Nixon đã nói…

Một tay sai như thế hiển nhiên không thể được quan thầy ưa chuộng. Henry Kissinger về sau trong hồi ký của mình đã dành những lời rất nặng nề để nói về Nguyễn Văn Thiệu, mặc dù không phủ nhận rằng Tổng thống Thiệu là một người khôn ngoan hoạt bát nhưng lại cho rằng, Nguyễn Văn Thiệu đã điều hành quốc sự theo một kiểu “tàn bạo”, “xấc láo”, “ích kỷ, độc ác” với những “thủ đoạn gần như điên cuồng” khi làm việc với người Mỹ… Kissinger cũng tiết lộ rằng, trong những câu chuyện riêng, khi nói về Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Mỹ Nixon đã giận dữ thốt lên: “Đó là một thằng chó đẻ” (!)

Ngày tàn tức tưởi

Cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1975 đã dồn chế độ Việt Nam cộng hòa vào con đường cùng. Tới lúc đó thì người Mỹ không thể không nhìn thấy sự phá sản của con bài Nguyễn Văn Thiệu trong ván cờ thế sự ở đây. Washington đã cố gắng tạo mọi sức ép để buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức và đưa một nhân vật nào đó khả dĩ hơn lên sân khấu chính trị nhằm vớt vát được chừng nào hay chừng ấy những điều kiện thuận lợi nào đó.

Ngày 21/4/1975, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Martin đã báo cáo cho ông Kissinger, lúc này là Ngoại trưởng Mỹ: “Tôi sẽ nói cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu từ chức thì các tướng lĩnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông ta làm điều này…”. Và thế là, cùng ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức trong một tâm trạng thật là tức tưởi và đầy oán hận đối với các quan thầy Mỹ.

Người lên thay Nguyễn Văn Thiệu là một gương mặt rất cựu trào ở Sài Gòn thuở đó, ông Trần Văn Hương. Ông Hương cũng chẳng hẹp lòng gì mà đuổi Nguyễn Văn Thiệu ra khỏi Dinh Độc Lập ngay nhưng dưới sức ép của dư luận xã hội, đã phải tìm cách để cựu Tổng thống Thiệu tháo lui ra hải ngoại.

Nhân dịp có tang lễ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, ông Hương lại sử dụng bài bản cũ là đề cử Nguyễn Văn Thiệu cũng như Trần Thiện Khiêm làm đại sứ lưu động sang Đài Loan dưới danh nghĩa phái đoàn đại diện Việt Namcộng hòa đến phúng điếu Tưởng Giới Thạch… Và thế là đêm 25/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã vĩnh viễn phải rời khỏi Việt Nam.

Câu chuyện khởi hành ly hương của kẻ đã từng một thời làm mưa làm gió ở Sài Gòn đã được các thuộc hạ về sau tường thuật như sau: “Vào khoảng 7 giờ 30 tối, Tổng thống Thiệu thay bộ đồ bốn túi trong phòng ngủ rồi qua phòng nhỏ bên cạnh nghiêng đầu qua cửa sổ nhìn xuống.

Dưới sân, bên cạnh thềm tam cấp một chiếc xe Mercedes màu xanh đậm đã đậu sẵn. Người lái xe là Đại tá Nhan Văn Thiệt. Thấy mọi việc đã sẵn sàng, Tổng thống Thiệu vội vã rút trong hộc tủ cây Browning đã lắp đạn, ông khóa chốt an toàn rồi cho vào túi áo.

Ông xuống tầng trệt bằng thang máy. Khi cánh cửa mở ra thì Đại tá Trần Thanh Điền đã túc trực tại đó. Ông vừa bước xuống bậc tam cấp thì cũng vào lúc có hai binh sĩ (tên là Sanh và Khình) xuất hiện làm ông giật mình. Thực ra là họ chỉ đến để đổi gác.

Ông Thiệu và ông Điền lanh lẹ bước vào xe. Đại tá Điền ngồi bên phải Tổng thống Thiệu ở băng sau. Như vậy là ông Điền đã ngồi vào chỗ chính thức của tổng thống và chịu làm Lê Lai liều mình cứu chúa! Vừa ngồi vào xe, ông Thiệu hỏi: “Có mấy cây súng?”. Đại tá Điền đáp: “Có hai cây, một cây dài, một cây ngắn”.

Như vậy thì vào lúc đó, Tổng thống Thiệu đã nhận thấy ông bị nguy hiểm trên đường tới Bộ tổng tham mưu (ta nhớ lại là Tổng thống Diệm đã bị sát hại trên đường tới Bộ tổng tham mưu).

Việc ông Điền ngồi vào chỗ chính thức của tổng thống thì cũng trùng hợp với câu chuyện ông Thiệu kể cho chúng tôi là khi đi xe tới dự nghi lễ bên quốc hội hay nơi khác, ông thường ngồi ngay bên cạnh tài xế lái xe chứ không ngồi chỗ dành cho tổng thống ở băng sau. Khi đoàn xe tới phi trường Tân Sơn Nhất, Thiếu tá Phận kể lại là đã “giật mình khi nhận ra cả khu vực phi trường tối om. Dường như hệ thống điện hoàn toàn bị cắt…

Đoàn xe chạy vòng qua khu dành riêng cho Hãng hàng không Air America của cơ quan tình báo Mỹ. Khi sắp tới đường băng, tất cả xe đều tắt đèn di chuyển trong bóng đêm. Sau đó một chiếc máy bay lù lù hiện ra dưới chân trời nhờ đèn trong buồng máy cháy sáng, một loại máy bay giống như DC6. Khi tới gần chiếc máy bay, đoàn xe bất thần thắng gấp vì thấy có bóng người…

Xe Tổng thống Thiệu bị bao vây bởi ba chiếc xe Chevrolet to lớn. Xa xa trong bóng đêm, xung quanh chúng tôi xuất hiện nhiều người Mỹ vạm vỡ, vận thường phục, súng M.16 dựng đứng bên hông, trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Rồi hình ảnh ông Đại sứ Graham Martin hiện ra tại chân cầu thang máy như một vị thần hộ mạng”.

Chuyện này làm cho chúng tôi mới hiểu được tại sao khi nói về chuyến ra đi của Tổng thống Thiệu, Đại sứ Martin cứ nói úp úp mở mở là “ông Thiệu đã ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn,” và “chúng tôi đã để ý và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết.” Thì ra, mọi chi tiết được sắp xếp gồm cả việc cắt điện để phi trường tối om và việc đoàn xe phải di chuyển trong bóng đêm. Khi máy bay đáp xuống thì đã có sẵn một toán lính Mỹ canh gác để đề phòng những biến động có thể xảy ra vào phút chót…”.

Cho tới cuối đời, Nguyễn Văn Thiệu vẫn không nguôi nỗi oán hận quan thầy mặc dù đã phải “bó thân” về ở trên đất Mỹ. Cựu phụ tá đặc biệt Nguyễn Văn Ngân nhận xét rằng, Tổng thống Thiệu “đã mang mối hận thù xương tủy người Mỹ đến tận cuối đời…”.

Đến mức, lúc chết vào ngày 29/9/2001, Nguyễn Văn Thiệu đã bày tỏ ý nguyện rằng, nếu có thể ông ta muốn xác của mình được hỏa táng để đem tro cốt về Việt Nam, bằng không thì sẽ rải xuống biển chứ không muốn chôn trong lòng đất Mỹ…

Theo Anninhthegioi

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.