Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Phát biểu hôm 23/9, Tổng thống Mỹ cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga - bắt đầu ngày cùng ngày tại Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye của Ukraine - là “một sự giả dối, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Ông Biden cam kết “phối hợp với các đồng minh và các đối tác để áp đặt thêm các gánh nặng kinh tế lên Nga”, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông cũng nói rằng Washington sẽ “tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine và cung cấp hỗ trợ an ninh cho họ” để đối đầu với quân đội Nga.
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức “nhằm tiếp tục leo thang xung đột”. “Nó không có tính hợp pháp, và tất nhiên sẽ không thể thay đổi bất cứ điều gì”, ông Stoltenberg nói.
"Câu trả lời của chúng tôi, câu trả lời của NATO, là tăng cường hỗ trợ", ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh với CNN trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Sáu và nói thêm rằng: "Cách tốt nhất để kết thúc cuộc xung đột này là tăng cường sức mạnh cho người Ukraine trên chiến trường để họ có thể - vào một thời điểm nào đó - ngồi vào bàn đàm phán và đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được đối với Ukraine, giúp bảo tồn Ukraine như một quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu."
Mặc dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vẫn chưa được công bố, nhưng Mátxcơva đã tuyên bố nếu các khu vực ly khai Ukraine bỏ phiếu sáp nhập Nga, họ sẽ coi các cuộc tấn công vào những khu vực đó là cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình và đáp trả tương ứng.
Cuộc trưng cầu dân ý sẽ kết thúc vào ngày 27/9, và kết quả dự kiến sẽ được công bố một ngày sau đó.
Nga đã công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Donbass vào đầu năm nay, trong khi khu vực Kherson và Zaporozhye - tuy vẫn là một phần của Ukraine - nhưng phần lớn đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt.
Một số nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng phản đối cuộc bỏ phiếu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, giống như ông Stoltenberg, gọi đây là "cuộc trưng cầu dân ý giả, không thể được chấp nhận". Nhóm G7 cáo buộc các cuộc bỏ phiếu được tổ chức “một cách bất hợp pháp, thiếu dân chủ”, đồng thời tuyên bố sẽ "không bao giờ công nhận" kết quả.