Tổng Bí thư: Tham nhũng là hệ quả của những người hư hỏng về phẩm chất đạo đức

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh TTXVN
TPO - Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng cũng chỉ là hệ quả của những con người hư hỏng về phẩm chất đạo đức. Đạo đức không trong sáng mới sinh ra ăn cắp. Lúc đầu ăn cắp “vặt”, dần dần ăn cắp lớn, rồi dần dần cấu kết với nhau làm hại đến ngân khố Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân.

Tham nhũng là hệ quả của sự hư hỏng về đạo đức

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính, ngày 15/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng: Một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): Trên kính dưới nhường, tôn ty trật tự, không thể vô lễ, vô phép, "cá mè một lứa", "thượng hạ bằng đẳng"... "nhà kia lối phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng"; như thế là một gia đình vô phúc.

Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính.

Điểm lại những kết quả nội của của các cơ quan Nội chính trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, các cơ quan nội chính đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, để lại nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87 nghìn đảng viên. Ngành Thanh tra, Kiểm toán qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỷ đồng, gần 9 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hơn 480 vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Tổng Bí thư: Tham nhũng là hệ quả của những người hư hỏng về phẩm chất đạo đức ảnh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị các cơ quan nội chính (ảnh TTXVN)

Các cơ quan tố tụng cả nước đã phát hiện, khởi tố mới hơn 375 nghìn vụ án hình sự; đã kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm hơn 300 nghìn vụ án hình sự với hơn 500 nghìn bị cáo. Ngành Toà án còn giải quyết, xét xử hơn 1.800 nghìn vụ việc dân sự, 32 nghìn vụ án hành chính.

Cho biết, mới đây Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung thêm chức năng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống đó mới là cơ bản. nếu không có suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống thì đâu có tham nhũng.

“Tham nhũng cũng chỉ là hệ quả của những con người hư hỏng về đạo đức, lối sống. Do đó phải xử lý tận gốc. Hư hỏng mới sinh ra ăn cắp. Lúc đầu ăn cắp “vặt” dần dần ăn cắp lớn, rồi dần dần cấu kết với nhau làm hại đến ngân khố nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân”, Tổng Bí thư nói.

Tại sao đối tượng lại trốn được đi nước ngoài?

Tại cuộc họp, Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý đến việc "chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng". “Tôi cứ hỏi tại sao vụ án vừa chuẩn bị đã để lộ ra bên ngoài. Tại sao đối tượng lại trốn đi được nước ngoài? Ai tổ chức cho đối tượng trốn đi nước ngoài? Tự đối tượng trốn đi được hay sao? Nếu không có dính dáng thì sao đối tượng đi được”, Tổng Bí thư đặt vấn đề.

Tổng Bí thư cũng thẳng thắn cho rằng việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa mạnh. Vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính; một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng.

Tổng Bí thư: Tham nhũng là hệ quả của những người hư hỏng về phẩm chất đạo đức ảnh 2

Hội nghị các cơ quan Nội chính (ảnh Đ.P)

Trong hoạt động tư pháp, còn để xẩy ra một số trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nội chính có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời… Những hạn chế và khuyết điểm đó đòi hỏi các cơ quan nội chính phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho bằng được trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, nhiệm vụ công tác nội chính trong thời gian tới là hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân; lại thường xuyên đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là "lợi ích nhóm", nó chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, rất nhịp nhàng và thống nhất với nhau.

“Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ở đây không có nghĩa là "dĩ hoà vi quý", nhân nhượng vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ”, Tổng Bí thư lưu ý.

Trong thực thi nhiệm vụ, Tổng Bí thư yêu cầu phải gương mẫu, rất công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh, xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm chân thành, đồng chí, anh em; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết. Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây".

Không để những viên đạn "bọc đường" xuyên thủng

Nhấn mạnh, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ, Tổng Bí thư yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, có bệnh phải chữa ngay, không để ung thành hoạ; phải "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã dạy. Kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

“Mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để "thanh bảo kiếm" luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để "lá chắn" luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên "bọc đường".

Cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nêu rõ quan điểm, phải kiên quyết chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, làm việc "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan nội chính các cấp.

“Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG