Tổng Bí thư: Cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước!

Báo Tiền Phong trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Tây Nguyên, sáng 14/10.
Tổng Bí thư: Cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước! ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị (ảnh Nhật Minh)

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí,

Như các đồng chí đã biết, trong tháng 4 năm nay, chúng ta đã tổ chức rất thành công 2 Hội nghị toàn quốc để phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 11-NQ/TW và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; và ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Chính trị cũng đã giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị các khoá trước, và xây dựng, trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành các Nghị quyết mới về 4 vùng: Vùng Tây Nguyên; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; vùng đồng bằng Sông Hồng; vùng Đông Nam Bộ và kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 06/10/2022 mới đây, Bộ Chính trị khoá XIII đã chính thức ban hành Nghị quyết Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và hôm nay, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) để phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết quan trọng này, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong Vùng, nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, theo tinh thần như tôi đã nhiều lần nói: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", và "Dọc ngang thông suốt". Đây là Hội nghị có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Trước hết, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và với tình cảm cá nhân, nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng tất cả các đồng chí tham dự Hội nghị ở trung tâm Hà Nội cũng như tại các điểm cầu, đặc biệt là tại điểm cầu các tỉnh Tây Nguyên. Mong các đồng chí tập trung nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, đáp ứng đúng được mục đích, yêu cầu đề ra.

Thưa các đồng chí,

Cũng như các Hội nghị trước, Ban Tổ chức Hội nghị lần này đã báo cáo, phổ biến đầy đủ với các đồng chí về chương trình, nội dung, cách thức tiến hành Hội nghị. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã được gửi tới các đồng chí; nội dung rất rõ ràng, dễ hiểu; các đồng chí cần nghiên cứu trực tiếp, kỹ lưỡng. Để giúp các đồng chí có thêm thông tin, hiểu rõ hơn, sâu hơn, tôi chỉ xin có một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, nhấn mạnh và làm rõ thêm một số khía cạnh; và cũng chỉ tập trung vào trả lời 3 câu hỏi: (1) Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninhvùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? (2) Những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới của Nghị quyết lần này là gì?; và (3) Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đã đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực của cuộc sống?

1. Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về Vùng Tây Nguyên?

Tại các Hội nghị về phát triển hai vùng cực Bắc và cực Nam của Tổ quốc được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, tôi đã đề cập khá đầy đủ về những lý do cũng như nguyên nhân khách quan lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ban hành Nghị quyết mới về phát triển các vùng trong cả nước. Khái quát lại, đó là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ chiến lược mới, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, tôi xin không nhắc lại; các đồng chí có thể tham khảo các bài phát biểu trước. Sau đây, tôi chỉ nêu lý do hay nguyên nhân chủ quan, liên quan trực tiếp đến Vùng Tây Nguyên của chúng ta.

Như các đồng chí đã biết, vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh, xếp thứ tự từ bắc vào nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; phía bắc và phía đông giáp 6 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận; phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia; với diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước; với khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được; đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, và khoảng 10 tỉ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước. Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê đê, Mnông, Giarai, Bana.... Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường; có nền văn hoá dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng. Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hoá vật thể và phi vật thể vô giá như cồng chiêng, rượu cần, đàn T'rưng... thì không thể không nhắc đến giá trị của sử thi, đặc biệt là sử thi Đăm Săn. Đây là một địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương". Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến thắng Buôn Mê Thuột - Tây Nguyên đã mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy "Mùa xuân đại thắng" với Chiến dịch "Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975". Nói về Tây Nguyên cách mạng, anh hùng và đa sắc mầu văn hoá, tôi lại nhớ đến những vần thơ say đắm đến nao lòng của nhà thơ Tố Hữu trong tác phẩm "Nước non ngàn dặm":

" Rằng: Qua gió lớn mưa to

Lòng dân như nước Pa-cô càng đầy

Tây Nguyên gan góc, dạn dầy

Như cây lim đứng chẳng lay giữa rừng".

Nói đến con người Tây Nguyên, tôi lại nhớ đến những vần thơ trong bài thơ "Tây Nguyên" của nữ nhà thơ Xuân Quỳnh:

"... Đất Tây Nguyên, đất đỏ những con người

Trời Tây Nguyên, trời rộng bao la

Người Tây nguyên rất đỗi hiền hoà

Làm ấm lên trang sử đỏ nước nhà..."

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng đất Tây Nguyên, ngày 18/01/2002, Bộ Chính trị khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Bộ Chính trị khoá XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khoá IX và khoá XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng đất Tây Nguyên. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước. Toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng như đã nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ. Thật đáng mừng khi ngày nay, đến với Tây Nguyên, là đến với vùng đất bao đời nắng gió, ngày càng giàu đẹp hơn, khiến ta quên cả lối về thành phố như Nhà thơ Đoàn Minh Hợp đã khắc hoạ trong bài thơ "Tây Nguyên Đại ngàn":

"Ta lên mây gió đại ngàn

Con sông, con suối miên man rì rào

Ta lên rường gỗ non cao

Chim kêu, vượn hú, chào mào hót ca

Dặm dài uốn lượn đi qua

Mênh mông trang trại, vườn hoa trải dài

Cao su thẳng tắp tường xây

Cà phê trĩu hạt đong đầy niềm vui

Tiêu cay ngào ngạt nách gùi

Vụ mùa gặt hái lui hui giữa rừng

Rộn ràng giai điệu tơ-rưng

Cồng Chiêng tấu nhịp ăn mừng bội thu,..."

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức lớn. Đó là: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc, nhất là của nhóm các dân tộc bản địa, chậm được thu hẹp. Giảm nghèo chưa bền vững; số hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo còn cao; tỉ lệ xã đạt chuẩn "Nông thôn mới" còn thấp. Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn bất cập. Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt được mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên bị xuống cấp cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ suy giảm. Nhiều di sản văn hoá dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồnphát triển. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức. Giáo dục - đào tạo chuyển biến còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình của cả nước. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; công tác phân giới cắm mốc biên giới chưa hoàn thành. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển.

Tình hình trên đây đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương và nghiêm túc tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI và nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này. Đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - vùng đất cách mạng, anh hùng, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đúng với truyền thống đoàn kết, thuỷ chung, nghĩa tình của Dân tộc Việt Nam ta.

2. Những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì?

Có 3 điểm mới đáng chú ý như sau:

- Một là, về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: Nghị quyết lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển 4 quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Ở đây có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta tại Đại hội XIII, quyết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về phát triển vùng Tây Nguyên trong thời kỳ mới.

Bộ Chính trị yêu cầu, cần phải nhận thức rõ: Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, và là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là của các địa phương trong Vùng và vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh và tăng cường công tác đối ngoại. Lấy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội.

Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng khôi phục, phát triển rừng gắn với giữ vững, bảo vệ rừng, ổn định và nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ổn định dân cư và tạo việc làm tại chỗ cho người dân gắn bó với quê hương. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề gắn với bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên.

Đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ; lấy việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển Vùng. Đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và các nước ASEAN. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương. Có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của Vùng. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết và điều phối để phát triển Vùng có hiệu lực. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, trong đó nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Xây dựng nền văn hoá Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; tôn trọng các giá trị văn hoá khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế. Ưu tiên giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá, giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số, nhất là các lễ hội truyền thống, không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên. Đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất và việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giảm tỉ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận với giáo dục, dịch vụ y tế có chất lượng. Nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Tập trung bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường đi đôi với sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

- Hai là, về mục tiêu và tầm nhìn: Có thể nói, đây là một nội dung và yêu cầu hoàn toàn mới. Nếu như Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW trước đây chỉ đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 thì Nghị quyết lần này đã xác định mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, nhất là cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong Vùng: Phấn đấu đến năm 2030, "Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc;điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hoá được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học, được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đượcduy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường".

Tầm nhìn đến năm 2045: "Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong Vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hoá được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường".

- Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu, yêu cầu phát triển Tây Nguyên trong thời kỳ mới.

3. Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiệncó kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về Tây Nguyên?

Vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định vẫn là làm thế nào để tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể, rõ rệt và thiết thực Nghị quyết của Bộ Chính trị gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ những kinh nghiệm và bài học thành công cũng như chưa thành công trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương, và nhất là các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng thời gian qua, và để có sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tôi xin đề nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau đây:

- Một là, về nhận thức: Phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng. Đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; về cơ chế, chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.

Đồng thời, phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - Cả nước vì Vùng và Vùng vì Cả nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành Trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết theo đúng tinh thần "đúng vai, thuộc bài" như tôi đã nhiều lần nói.

- Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, bị động, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương; quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.

- Ba là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng. Các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với Hội đồng Vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

- Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hoá, cách mạng; sự cần cù và ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng. Xây dựng tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân trong vùng với nhân dân vùng biên giới các nước bạn láng giềng.

- Năm là, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyếtKế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan, các cấp uỷ và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong Vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.

Ban cán sự đảng Chính phủ cần khẩn trương, ráo riết chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, đồng thời sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong Vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.

Thưa các đồng chí,

Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là vùng duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa; đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên; cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần: Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!

Một lần nữa, tôi xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc, có nhiều niềm vui mới, niềm tin mới, khí thế mới, và thắng lợi mới!

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.