Tổng 36, ông TGĐ và dự án dân sinh quan trọng Tây xứ Nghệ

Ngày 12/10, tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, Tổng Cty 36 (Bộ Quốc Phòng) đã làm lễ khởi công công trình Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình, có kinh phí đầu tư hơn 825 tỷ đồng.
Tổng 36, ông TGĐ và dự án dân sinh quan trọng Tây xứ Nghệ ảnh 1

Ấn nút khởi công dự án

Đây là một công trình bổ trợ cho hồ chứa nước Bản Mồng - công trình đại thủy nông vào loại lớn nhất Bắc Miền Trung (chứa 235 triệu mét khối nước, có khả năng giảm cắt lũ hạ du, cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh vùng ven sông Hiếu, cải tạo môi trường sinh thái và mang lại dòng điện cho miền Tây Nghệ An...) .

Dự án vừa khởi công sẽ bảo vệ được khu dân cư khoảng 565 hộ và cơ sở hạ tầng xã Châu Bình (UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện, trạm biến áp, đường dây điện…), 138ha đất thổ cư và lúa 2 vụ, đường quốc lộ 48, giảm áp lực việc bồi thường, di dân và hỗ trợ tái định cư của dự án; đồng thời cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, ổn định đời sống dân sinh, tạo tiền đề du lịch hồ Bản Mồng trong tương lai; tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá – Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Cty 36 đã khẳng định ý nghĩa kinh tế xã hội to lớn của dự án. Đặc biệt, ông dành thời gian nhìn lại con đường phát triển đi lên của một doanh nghiệp Quân đội thành đạt.

Ông nói: “Từ một doanh nghiệp thua lỗ 34 tỷ đồng nay đã trở thành một Tổng Công ty hùng mạnh với uy tín, thương hiệu cao. Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Tổng Cty 36, chúng tôi luôn biết phát huy thế trận lòng dân, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, gắn liền quyền lợi của doanh nghiệp với lợi ích của người lao động và xã hội. Vì vậy năm 2013, TCT 36 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Tổng 36, ông TGĐ và dự án dân sinh quan trọng Tây xứ Nghệ ảnh 2 Đại tá – Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp phát biểu tại lễ khởi công
“Là một doanh nghiệp kinh tế quốc phòng có uy tín lớn, thương hiệu mạnh, mang tính chuyên nghiệp cao trong ngành xây dựng dân dụng, thủy lợi, thủy điện... đang tỏa sáng và được thừa hưởng thương hiệu của Quân đội anh hùng. Song, trước yêu cầu cấp bách về việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là Cổ phần hóa. Chúng tôi đã tự nguyện, tiên phong cổ phần hóa Công ty mẹ - Đây là việc làm chưa có tiền lệ ở BQP nhằm công khai sức khỏe Doanh nghiệp”.

Qua đó từng bước chuyển đổi, nâng cao phương pháp quản trị điều hành, hoàn thiện mô hình quản lý chuyên nghiệp bảo đảm tính minh bạch, tư duy tự chủ, sáng tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp xu thế phát triển tất yếu của thời đại trong thế giới phẳng mà trước mắt trọng tâm là công trình Bản Mồng này”. –Đại tá Giáp nói tiếp.

Đại tá Giáp cũng tiết lộ vì sao ông và Tổng Cty 36 gắn bó với các công trình miền Tây Nghệ An. Ông chia sẻ: “ Hôm nay tôi phát biểu không phải mang tính chất nghi lễ mà là thể hiện một tấm lòng son sắt của người con xứ Nghệ đã có bao duyên nợ với quê hương miền Tây đói nghèo, lạc hậu. Từ năm 1972 chính từ con đường 7, đường 15 ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ đã giúp tôi trở thành một tay lái hoàn hảo để vững vàng thẳng tiến vào chiến trường giải phóng Miền Nam”.

Tổng 36, ông TGĐ và dự án dân sinh quan trọng Tây xứ Nghệ ảnh 3 Phối cảnh đập phụ Bản Mồng và kênh tiêu Châu Bình

“Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng và tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào 10 năm, tôi trở về gắn bó với đường số 7. Và từ đó đến nay biết bao công trình đã gắn bó với tôi và in dấu ấn sâu đậm như: Môn Sơn, Khe Thị, Quỳnh Tam, Tân Thành, Cồn Lều, Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Khe Bố, Thủy điện Nậm Mô và nhiều Công trình khác trên đất Nghệ An…”

“Đặc biệt cách đây hơn 1 thập kỷ, tại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng: xã Môn Sơn - Huyện Con Cuông. Những người lính thợ 36 đã có một cú vượt vũ môn ngoạn mục, chiến thắng dòng sông Giăng hung dữ mà trước đó đã có 2 nhà thầu phải bỏ cuộc để làm nên đập Môn Sơn sừng sững, oai hùng góp phần làm đổi thay cuộc sống của dân bản nơi đây vốn còn nhiều bộn bề gian khó và nơi đây đã trở thành một địa chỉ du lịch của Miền Tây Nghệ An. Gần đây, chúng tôi đã bàn giao và đưa vào hoạt động nhà máy Thủy điện Bản vẽ; Thủy điện Khe Bố; Thủy điện Nậm Mô hòa vào lưới điện toàn quốc và đóng góp một phần đáng kể vào an ninh năng lượng quốc gia”. – Ông Giáp nhớ lại.

“Nay vào tuổi lục tuần lại trở về với miền Tây Bắc Nghệ An để gắn liền với địa danh, công trình Bản Mồng, với tư duy của tôi đây là “Bản Mong” đúng nghĩa. Đó là sự mong đợi của bao thế hệ từ cán bộ lãnh đạo đến nhân dân địa phương muốn biến nơi đây từ một vùng nghèo khó, đời này sang đời khác trở thành một vùng đất hứa sung túc, giàu có; ít ra cũng không xấu hổ với các công trình tỉnh bạn như Cửa Đạt - Thanh Hóa, Ngàn Trươi – Hà Tĩnh, Hồ Tả Trạch – Thừa Thiên Huế và nhiều vùng quê khác. Chắc chắn 36 sẽ hoàn thành Công trình này một cách đúng hẹn, chất lượng và hoành tráng”. - Vị Đại tá Tổng Giám đốc xúc cảm khẳng định.
MỚI - NÓNG