Một mùa mía bội thu
Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn. Nhưng theo kế hoạch, vẫn sẽ nhập khẩu gần 81.000 tấn đường.
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ năm 2007 và tăng thêm mỗi năm 5%. Như vậy, năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập 81.000 tấn đường.
Lượng đường được dự báo sẽ tồn kho lớn như vậy trong năm 2015, song, Bộ Công thương cho biết, trong năm nay vẫn sẽ nhập khẩu hơn 80 ngàn tấn đường. Đáng nói là, nhiều năm qua nguồn cung đường trong nước bao giờ cũng vượt quá cầu, dẫn đến ngành đường tồn kho một lượng không nhỏ. Năm 2014 vừa qua, tình trạng tồn kho đường cũng vẫn diễn ra. Thông tin từ Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường tính đến ngày 15-1-2015 là khoảng hơn 300.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 12.470 tấn. Tồn kho lớn như vậy, thế nhưng, quyết định cấp hạn ngạch nhập khẩu đường vẫn được Bộ Công thương đưa ra.Lý giải nghịch lý này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đường là điều không thể tránh. Mặc dù ông Hải thừa nhận, tại thời điểm này, lượng đường tồn kho vẫn rất cao, cung vượt cầu. Song, theo quy định khi tham gia WTO Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng đường nhất định. Năm nay lượng đường Việt Nam cần phải nhập là 81.000 tấn, theo ông Hải, đây là lượng hạn ngạch tối thiểu trong quy định của WTO.
Và Việt Nam đã tận dụng mức tối thiểu đó để áp dụng trong việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường. "Khi gia nhập WTO, Việt Nam được rất nhiều, chúng ta đàm phán để giành những lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam thì ngược lại ta cũng phải có những cam kết nhất định trong các lĩnh vực về xuất khẩu, nhập khẩu và nhiều vấn đề khác nữa. Trong đó có một vấn đề là chúng ta cam kết hàng năm phải nhập khẩu lượng đường tối thiểu là 81.000 tấn”- ông Hải lý giải.
Việc nhập một lượng đường lớn như vậy chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn cho các DN ngành mía đường, bởi vậy, ông Hải cho biết, nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, Bộ Công thương đã và đang tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường ra nước ngoài. Bộ cũng chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam để tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường như hiện nay.
Trước đó, khi nghe thông tin về việc Bộ Công thương quyết định nhập khẩu lượng đường lớn, trong đó nhập khẩu 50 ngàn tấn đường từ Lào, ngay lập tức Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã lên tiếng xin tạm trì hoãn quyết định này. Cụ thể, VSSA đưa ra dự báo, tổng nguồn cung vụ mía đường 2014-2015 là khoảng 2 triệu tấn, đó còn chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường nhập lậu…
Trong khi mức tiêu thụ năm 2015 chỉ khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn. Đây là nguyên nhân làm giá đường liên tục giảm kéo theo giá mía giảm sâu, dẫn đến tình trạng nông dân thua lỗ và phá bỏ mía hàng loạt. Do đó, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng tạm thời chưa cho nhập lượng đường này để xem xét các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến thời điểm, cơ chế, chính sách.
Nhiều ý kiến cho rằng, phản ứng nói trên của VSSA một lần nữa cho thấy, từ lâu ngành mía đường Việt Nam vốn đã rất bấp bênh, nay lại càng mong manh hơn khi cánh cửa hội nhập đang rộng mở. Trên thực tế, với nền sản xuất manh mún, thiếu sự tham gia của các công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa… dẫn đến năng suất thấp. Tình trạng này luôn đẩy giá đường trong nước lên cao, và như vậy khó có thể cạnh tranh được với đường ngoại nhập.
Bởi vậy, theo các chuyên gia trong ngành, nếu các DN Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh được trong thời gian tới. Sự bảo hộ sẽ không thể kéo dài mãi được. Nói như chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, việc bảo hộ nếu cứ kéo dài mãi sẽ có hại cho người tiêu dùng trong nước bởi họ phải mua đường sản xuất trong nước với giá cao.
Post by Báo Tiền Phong.