Tội phạm 'núp bóng' kinh doanh hợp pháp

Công an Hà Nội thu giữ nhiều vũ khí khi triệt phá băng nhóm Long “ma”
Công an Hà Nội thu giữ nhiều vũ khí khi triệt phá băng nhóm Long “ma”
TP - Mặc dù tình hình tội phạm có tổ chức đã được kiềm chế, hoạt động của các băng nhóm không còn lộng hành, công khai, trắng trợn như trước nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp. Các băng nhóm tội phạm hoạt động đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, với thủ đoạn núp bóng kinh doanh hợp pháp để che giấu hoạt động phạm tội.

Dự đoán về những diễn biến trong thời gian tới của tội phạm có tổ chức, Bộ Công an đã yêu cầu tập trung tấn công, trấn áp các băng nhóm hoạt động gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, nhất là các băng nhóm hoạt động kiểu “xã hội đen”, băng nhóm nguy hiểm sử dụng vũ khí “nóng”, băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Băng nhóm nhảy vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm

Đánh giá về tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức hiện nay, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho rằng, các nhóm kiểu “xã hội đen”, băng nhóm nguy hiểm hoạt động phức tạp, tinh vi, thường tạo vỏ bọc bằng việc lợi dụng các hình thức kinh doanh hợp pháp để che giấu hoạt động phạm tội như thành lập các Công ty Đòi nợ thuê, thu nợ, kinh doanh tài chính, cầm đồ…, gây khó khăn cho công tác phát hiện đấu tranh, triệt phá.

Bên cạnh đó, hoạt động của những băng nhóm này thường liên quan đến tín dụng đen, dẫn đến các vụ cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, khủng bố tinh thần bằng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải, đặt quan tài, nhắn tin, gọi điện đe dọa, gây thương tích, hủy hoại tài sản…

Cùng với đó, các băng nhóm tội phạm về ma túy có quan hệ mật thiết với tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, có xu hướng mở rộng địa bàn, quy mô hoạt động.

 Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức diễn ra cách đây ít ngày, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: “Ở TPHCM, tội phạm có tổ chức đan xen giữa tội phạm hình sự và ma túy, trong đó có thể nói hầu hết các vụ về ma túy là tội phạm có tổ chức. Còn tội phạm hình sự đã tìm cách “núp bóng” các doanh nghiệp và nhảy vào kinh doanh trên các lĩnh vực nhất là các dịch vụ nhạy cảm, có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, dịch vụ đòi nợ thuê và cầm đồ”.

Cũng theo ông Phan Anh Minh các đối tượng cầm đầu trong các băng nhóm kiểu “xã hội đen” có dấu hiệu “mafia” luôn luôn tìm cách, tìm sự trợ giúp, bao che, che chắn của người trong bộ máy chính quyền, thậm chí là người có trách nhiệm xử lý tội phạm.

Lôi kéo thanh niên làm tay sai cho băng nhóm

Theo báo cáo của Bộ Công an, qua thực tiễn đấu tranh cho thấy, có sự trẻ hóa trong cơ cấu tổ chức của các băng nhóm tội phạm. Thời gian gần đây, nổi lên vấn đề rất đáng quan tâm là tình trạng số đối tượng lưu manh, côn đồ, thanh thiếu niên tụ tập thành các băng nhóm với hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí đâm, chém do mâu thuẫn, thanh toán trả thù lẫn nhau xảy ra ở nhiều nơi như TPHCM, Đồng Nai, Kiên Giang, Tiền Giang, Phú Thọ, Hải Dương…

Đáng chú ý, các đối tượng sử dụng các mạng xã hội để liên lạc, thách đấu, lôi kéo nhiều người tham gia, gây mất an ninh trật tự. Trong khi đó, một số vụ xảy ra, công an cơ sở chưa phản ứng kịp thời trước diễn biến nhanh của tình hình tội phạm, biện pháp trấn áp, xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

Bộ Công an cho rằng, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập ăn chơi, dễ bị rủ rê, kích động tham gia gây án, hoặc làm tay sai, chân rết cho các băng nhóm tội phạm vẫn nhức nhối. Nguyên nhân một phần do sự phát triển của mạng xã hội, trào lưu đi bar, sàn, tệ nạn cám dỗ như đánh bạc (cá độ bóng đá, lô đề, máy bắn cá), chơi ma túy đá, cỏ mỹ, game online. Bộ Công an cho rằng, để giải quyết triệt để cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, các ban ngành mà lực lượng công an là chủ công.

Từ thực tiễn đấu tranh với các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức tại Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, tổ chức điều tra cơ bản, rà soát đối tượng xác định ổ nhóm, tổ chức tội phạm để tập trung lực lượng, biện pháp nghiệp vụ, xác minh làm rõ, lập án triệt xóa được xác định là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định.

“Cần làm tốt khâu trinh sát, nắm tình hình kịp thời xác minh thông tin, nhất là thông tin về các đối tượng hoạt động phạm tội từ các tỉnh khác về địa bàn Hà Nội hoạt động; chủ động phân cấp quản lý đối tượng không để chúng nhóm họp, câu kết với nhau, khi phát hiện thì phải tổ chức kiểm tra, áp dụng các biện pháp quản lý nghiệp vụ, quản lý pháp luật, biện pháp hành chính đối với các ổ nhóm trên địa bàn. Trong 3 năm Công an Hà Nội đã ngăn chặn 159 băng, ổ nhóm” - ông Khương chia sẻ kinh nghiệm.

Còn Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ chung để quản lý đối tượng theo địa bàn hoạt động của đối tượng chứ không phải theo nơi cư trú. “Chỉ như vậy mới mong rằng giải quyết và quản lý được các đối tượng tội phạm có tổ chức hoạt động trên nhiều địa bàn và có tính chất lưu động” - tướng Phan Anh Minh nói.

Sau 3 năm triển khai kế hoạch của Bộ Công an về đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức, số băng nhóm tại Hà Nội đã giảm cơ bản từ 91 xuống còn 34 băng nhóm, không còn tình trạng tội phạm hoạt động manh động, trắng trợn công khai, lộng hành, thách thức chính quyền. Số băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” giảm từ 4 băng nhóm xuống còn 2 băng nhóm, tội phạm có tổ chức nguy hiểm giảm từ 15 xuống còn 3 băng nhóm.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.