Tội phạm lợi dụng dịch bệnh, cải trang thành nhóm từ thiện

Thứ trưởng Lê Tấn Tới chủ trì cuộc họp báo.
Thứ trưởng Lê Tấn Tới chủ trì cuộc họp báo.
TPO - Đây là nội dung báo cáo của Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc. Theo cơ quan này, tội phạm gây thiệt hại cho các nước ASEAN số tiền 100 tỷ USD/năm.

Gây thiệt hại 100 tỷ USD

Sáng 25/11, Bộ Công an tổ chức Họp báo Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14). Hội nghị được diễn ra trong các ngày 25 và 26/11 dưới hình thức trực tuyến.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Hội nghị AMMTC là một trong những cơ chế hợp tác nòng cốt và bao trùm nhất về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia thuộc Trụ cột Chính trị - An ninh của ASEAN.

AMMTC tập trung vào phòng, chống 10 loại tội phạm xuyên quốc gia phổ biến trong khu vực gồm tội phạm về ma tuý; cướp biển; mua bán người; khủng bố; buôn lậu vũ khí; rửa tiền; tội phạm kinh tế; tội phạm công nghệ cao; buôn lậu động vật hoang dã và gỗ; đưa người di cư trái phép.

Theo tài liệu Hội nghị, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm và phức tạp về trật tự xã hội.

Báo cáo từ Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc (UNODC) cho thấy, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, cải trang thành các nhóm từ thiện để gia tăng hoạt động và kiểm soát người dân tại các cộng đồng khó khăn và dễ bị tổn thương trong xã hội.

Cũng theo UNODC, tội phạm xuyên quốc gia gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD mỗi năm đối với khu vực ASEAN. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh.

75% nạn nhân buôn người bị bán sang Trung Quốc

Tại Việt Nam, 10 loại hình tội phạm AMMTC tập trung đấu tranh vẫn diễn biến phức tạp. Với tội phạm mạng, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Công an phát hiện 1.721 trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tin tặc tấn công, thay đổi giao diện, trong đó có 181 trang của cơ quan nhà nước

Các đối tượng xấu cũng đăng tải thông tin xấu, sai sự thật, gây hoang mang dư luận, nhất là “cơn bão tin giả” liên quan đến tình hình đại dịch COVID-19. Từ đầu năm 2019 đến nay, công an đã phát hiện trên 1.500 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 500 đối tượng.

Với tội phạm ma túy, riêng 6 tháng đầu năm 2020, cảnh sát đã phát hiện, bắt giữ 14.032 vụ với 19.738 đối tượng liên quan; thu giữ hơn 284 kg heroin; hơn 1, 7 tấn và 1 triệu viên ma túy tổng hợp; 131,26 kg cần sa…

Đáng chú ý, thời gian gần đây, do biên giới được kiểm soát chặt khiến nguồn cung giảm dẫn đến ma túy trong nước khan hiếm nên một số đường dây phạm tội đã móc nối giữa các đối tượng người nước ngoài với các đối tượng trong nước nhằm sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam tiêu thụ hoặc bán sang nước thứ ba.

Điển hình là vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy bằng đường biển do một cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu cùng với 27 đối tượng. Triệt phá đường dây này, cảnh sát thu giữ 170kg ma túy các loại.

Về tội phạm mua bán người, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện xảy ra 74 vụ liên quan đến 104 đối tượng, lừa bán 98 người. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê… Trong đó, 75% số vụ mua bán người ra nước ngoài tập trung ở tuyến biên giới Việt - Trung Quốc.

Các loại tội phạm xuyên quốc gia khác như buôn lậu vũ khí, cướp biển, tội phạm kinh tế quốc tế, rửa tiền mặc dù được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp khi các băng nhóm tội phạm đang triệt để lợi dụng không gian mạng, mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội.  

MỚI - NÓNG