Cuộc phẫu thuật về tinh thần
Lê Quốc Phong, người miền Nam sống tại Hà Nội, là họa sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long. Gương mặt có những đường nét nhỏ nhắn, dáng dấp khá nữ tính, giọng nói hơi trầm đục. Phong nói muốn đổi tên thành Lê Ánh Phong, đổi toàn bộ giấy tờ liên quan giới tính - trước kia ghi là nam của cô, vì cô là một người chuyển đổi giới tính đã qua phẫu thuật.
Phong kể đã “không ra khóc không ra cười”, xúc động, vui sướng vô bờ trước việc Quốc hội ngày 24/11 biểu quyết thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) công nhận quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) chiều 26/11 đã mau mắn tổ chức cuộc gặp gỡ của những người trong cuộc, cả chuyên gia với báo giới, trước tin sốt dẻo trên.
Phong nói tiếp: “Tôi có cảm giác như được phẫu thuật lần hai. Trước là phẫu thuật về thể xác còn bây giờ là phẫu thuật về tinh thần. Thấy tự tin hẳn lên, vì bây giờ tôi là con gái rồi, được mọi người thừa nhận rồi. Trước kia thì mặc cảm nhất là khi vào nhà vệ sinh nữ hay phòng tập Aerobic nữ. Trước chưa bao giờ dám nghĩ chuyện kết hôn, giờ đã khác”.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu người chuyển giới cũng kể chị đã khóc trước tin vui này. “Chúng tôi mới chỉ nghiên cứu vấn đề này 3 năm, không ngờ đã đạt được tiến bộ đến mức này”. Chị cũng nhấn mạnh: Điều 37 của Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua chỉ dành cho người chuyển giới, không liên quan người đồng tính”.
Từ trái sang: Lam, Tú và Phong.
“Luật này không dành cho tôi”
Sau sự kiện 24/11, không chỉ cộng đồng chuyển giới ăn mừng mà nhiều người ngoài cuộc cũng chia vui với họ. Tuy nhiên, chỉ những ai trải qua phẫu thuật chuyển giới mới được tận hưởng Điều 37 mới mẻ. Ai không muốn hoặc không thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ không được hưởng điều này.
Phong ở trên kia, là nam muốn chuyển thành nữ, thì gọi là người chuyển giới nữ. Còn Tú Lơ Khơ, tên tắt là Tú (anh muốn được gọi như vậy), ngược lại giấy tờ ghi là nữ nhưng là người chuyển giới nam, cho biết điều luật mới “không bao gồm Tú trong đó”. Gương mặt thư sinh sáng sủa, giọng thanh nhẹ, Tú nói:
“Đứng trên góc độ cộng đồng thì luật mới là một điều rất hạnh phúc. Nhưng cá nhân tôi lại không được thụ hưởng gì từ luật này. Vì nó chỉ có tác dụng với người đã phẫu thuật chuyển giới hoặc có mong muốn đó và sẽ làm. Còn tôi không hề có ý định”.
Cho nên, điều anh băn khoăn là: “Tiếp theo đây tôi sẽ thế nào. Tôi rất muốn chuyển đổi giấy tờ, muốn được thừa nhận là nam và có cái tên nam tính hơn. Thì hiện tại điều luật mới chưa bao gồm tôi dù tôi cũng là người chuyển giới”.
“Một trong các kiến nghị của Liên Hợp Quốc là nên công nhận giới tính của người chuyển giới mà không đưa ra các điều kiện xâm hại cơ thể hay tinh thần của họ, không đòi hỏi phải qua phẫu thuật hoặc sử dụng hooc-môn”.
Anh Liễu Anh Vũ (UNDP)
Phong, từ bé đã chỉ muốn chuyển phắt sang giới tính khác, cuối cùng thỏa nguyện bởi được một đoàn làm phim tài trợ đi Thái Lan đại phẫu. (Đoàn phim làm về cuộc đời cô). Còn Tú nói dù muốn lấy vợ như những cặp đôi dị tính nhưng lại không muốn rủi ro với sức khỏe, trước hết sẽ giảm tuổi thọ. “Có lẽ Quốc hội phải có những điều luật mới quan tâm hơn những người như Tú. Nhưng dù sao, trên tất cả thì đây là bước tiến rất lớn, chắc chúng ta phải đi từng nấc một”.
La Lam là một người chuyển giới nữ, sinh viên năm thứ 3 khoa Biên kịch, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Vận váy ngắn, trang điểm kỹ, cô cho biết nóng lòng phẫu thuật nhưng chi phí quá lớn, không kham nổi.
Lam nói: “Tôi vui chung với cộng đồng nhưng buồn vì chưa biết bao giờ thì mình mới có thể phẫu thuật để được công nhận giới tính mới”.
Hội Phẫu thuật Nhi Việt Nam từng khẳng định, trong nước đủ khả năng phẫu thuật chuyển giới, đã và đang xử lý những ca giới tính bẩm sinh không rõ ràng. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cũng khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm việc này, chỉ chờ cho phép thôi.
Người ta biết rằng những người chuyển đổi giới tính thường phải trải qua thủ thuật tăng cường hooc-môn giới tính mong muốn. Lam cho biết: Ngay cả muốn sử dụng hooc-môn sao cho đúng, cô cũng không biết tham vấn ở đâu. “Tôi hy vọng cơ sở y tế cho những người chuyển giới sẽ được đẩy mạnh hơn để những người tôi có thể sử dụng hooc-môn đúng cách. Và nhất là được phẫu thuật trong nước, chi phí sẽ giảm rất nhiều”.
Mong đợi gì?
Tú Lơ Khơ nói: “Báo chí có lúc nhầm lẫn rằng phải qua phẫu thuật chuyển giới thì mới là người chuyển giới. Thực tế, một người có bản dạng giới đối lập với cơ thể sinh học, đã là người chuyển giới rồi”.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiện những người như Tú, vì chưa qua phẫu thuật nên không thể thay đổi giới tính trên giấy tờ.
Anh Liễu Anh Vũ, chuyên trách về LGBT của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) thông tin:
“Các nước có những luật khác nhau trong vấn đề này. Nhiều nước chỉ phải trải qua một qui trình đơn giản để xác định giới tính. Chủ yếu chỉ cần bạn tự xác nhận bản dạng giới của mình là gì. Cũng có những nước yêu cầu phải có những bước phẫu thuật, can thiệp y học thì mới được công nhận chuyển giới. Có thể nói, đa số người chuyển giới ở Việt Nam không có điều kiện hoặc không có ý định phẫu thuật. Ở một số nước, ngay cả đã trải qua phẫu thuật thì các bạn còn phải làm những xét nghiệm khác, quá trình đó có thể xâm hại đến lòng tự trọng khi các bạn bị kiểm soát về thân thể. Những qui định này cần phải hạn chế, bỏ dần”.
Ngày 24/11 vừa qua thực sự là ngày hội đối với cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam. Dù phải đến 1/1/2017 Điều 37 mới có hiệu lực. Tuy vậy, theo anh Liễu Anh Vũ, phía trước đầy hy vọng: “Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có nói sẽ phát triển một bộ luật riêng về chuyển đổi giới tính. Hy vọng trong đó sẽ thoáng hơn, cởi mở hơn, tạo điều kiện cho đại đa số người chuyển giới đều được công nhận mà không có những điều kiện ngặt nghèo. Liên hợp quốc ở Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhà nước và chính phủ trong vấn đề này”.
“Một bệnh viện nổi tiếng về phẫu thuật chuyển giới ở Thái Lan cho chúng tôi biết: Khoảng 2 ngày thì có một người Việt đến bệnh viện của họ để phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn, một ngày khoảng 3 bệnh nhân người Việt phẫu thuật chuyển đổi giới tính một phần. Có nghĩa là hàng ngàn ca một năm, chỉ riêng bệnh viện này”. Thông tin của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường