Nhạc sĩ nhiều biệt danh
Nhạc sĩ đa tài Nguyễn Văn Hiên còn có “nghề tay trái” là người dẫn chương trình (MC). Ông từng dẫn chương trình cho một số tụ điểm ca nhạc lớn nhỏ ở TPHCM. Ông trở thành MC có tiếng sau khi dẫn chương trình “Nhịp cầu âm nhạc” trong những năm đầu tiên của Đài truyền hình TPHCM. Nguyễn Văn Hiên sáng tác nhiều ca khúc có ca từ giản dị như lời kể chuyện, thỉnh thoảng anh cũng có phổ thơ. Bài hát thiếu nhi nổi tiếng nhất của ông mang tên “Hổng dám dâu”.
Là một nhạc sĩ tiên phong trong phong trào thanh niên TPHCM sau ngày thống nhất đất nước, ông không chỉ nổi lên với những ca khúc trong phong trào ca khúc tuổi trẻ (sau năm 1982 đổi tên thành ca khúc chính trị) mà còn là người tham gia tích cực trong các hoạt động văn nghệ của thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố. Với vai trò chuyên viên phòng Công tác chính trị của Đại học Kinh tế TPHCM từ lúc thành lập trường cho đến lúc về hưu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên được gọi là “nhạc sĩ phong trào”, “nhạc sĩ tuổi học trò”. Ông còn là tác giả nhiều bài tình ca đi vào lòng thế hệ trẻ.
Về cái “nợ” đến với âm nhạc, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên bộc bạch: “Từ những năm học trung học, tôi đã tham gia sinh hoạt văn nghệ trong nhà trường, đệm cho các bạn bè cùng trang lứa hát ca trong những dịp sinh hoạt cộng đồng và cũng tập tành viết vài bài ca sinh hoạt… Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đi vào con đường âm nhạc vì âm nhạc mênh mông quá, như biển cả, còn tôi như hạt cát bên bờ đại dương. Từ sau ngày đất nước thống nhất, tôi tiếp tục viết nhiều ca khúc cho tuổi trẻ học đường, thanh niên xung phong… rồi dần đi vào con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp lúc nào không biết.
Ngày trước ông là trưởng nhóm sáng tác âm nhạc quần chúng thuộc trung tâm văn hóa. Năm 1977 được chuyển về hoạt động tại CLB Thanh Niên. Năm 1982, đổi tên là Nhà văn hóa Thanh Niên và nhóm của nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên phát triển thành CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn. Năm 1978, khi nhóm ca khúc chính trị Lứa tuổi 49 của nước CHDC Đức sang thăm và biểu diễn tại thành phố đã dấy lên một phong trào nhạc trẻ sôi nổi và Thành đoàn đã phát động một phong trào đáp ứng nhu cầu ca hát của thanh niên, lấy tên là phong trào ca khúc tuổi trẻ. Năm 1982 do bài báo của nhạc sĩ Tô Hải trên báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng cụm từ “ca khúc tuổi trẻ” không có trong từ điển (?) nên TP đổi tên thành phong trào ca khúc chính trị (đến năm 1990 thì bỏ và chuyển sang… phong trào Pop-Rock, rồi… phong trào nhạc trẻ).
Ông Hiên có lời rằng: “Dù là phong trào gì, anh em nhạc sĩ thế hệ chúng tôi đã lớn lên từ trước khi có các tên gọi đó. Tôi còn nhớ thập niên 1980, báo Tuổi Trẻ gọi tôi là “nhạc sĩ của phong trào”, cuối những năm 1980 và bước sang thập niên 1990 báo Phụ nữ TPHCM gọi tôi là “nhạc sĩ của tuổi học trò”, còn Nhà thiếu nhi thành phố, báo Khăn Quàng Đỏ và nhiều báo khác thì gọi tôi là “nhạc sĩ của thiếu nhi”. Âm nhạc của tôi xuất phát từ tấm lòng gắn bó và viết cho giới trẻ. Ngay cả bây giờ đã về hưu, hằng năm Đoàn Trường ĐH Kinh tế TPHCM vẫn mời tôi tham gia và đi cùng phong trào tình nguyện để viết các ca khúc mới cho sinh viên hát trong Mùa hè xanh”.
Nghĩa tình và… ấp ủ
Hơn 10 năm trước nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên về quê hương miền đất võ Tây Sơn, Bình Định để tiếp tục nghiên cứu nhạc võ Tây Sơn. Đến cuối năm 2014 ông đã bảo vệ luận văn cao học về đề tài này và nhận bằng Thạc sĩ Âm nhạc vào cuối tháng 7/2015 tại Nhạc viện TPHCM. Võ nhạc là một di sản văn hóa của quê hương Bình Định xuất phát từ thời nhà Tây Sơn. Đó là những hiệu lệnh được biểu hiện bằng âm nhạc để điều binh khiển tướng trong trận mạc với những giai điệu và tiết tấu mang tính báo hiệu: Tập hợp quân, hành quân, công thành, hãm thành… và ca khúc khải hoàn chiến thắng được thể hiện qua dàn “Trống trận Tây Sơn” cùng các nhạc cụ như: Đàn nhị (đờn cò), kèn xô na, trống chầu, mõ, phèng la, cồng chiêng, phách, chập chõa (não bạt), sênh tiền…
Luận văn Thạc sĩ này đã bổ sung, hoàn thiện và viết thành sách. Ông Hiên bộc bạch, năm 2020 sẽ in và phát hành đến đông đảo người hâm mộ và dành tặng cho quê hương Bình Định. Trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên chúng tôi mới vỡ ra ở cái tuổi 70 ông vẫn nồng cháy những ấp ủ và nhiều dự án mà ông đang thực hiện. Năm 2020, kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, ông sẽ cho ra mắt một album viết về mảnh đất và con người nơi đây; rồi một album về quê hương Bình Định (cùng với phát hành sách về nhạc võ Tây Sơn); thêm một album nữa cho lứa tuổi học trò, lứa tuổi mà anh yêu mến, gắn bó.
Riêng với vai trò là “ông bầu” chương trình “Nhạc chiều Chủ nhật” tại Cung văn hóa Lao Động thành phố, sau khi qua chương trình thứ 100, ông còn muốn “mang” chương trình này đi khắp các tỉnh, thành cả nước. Hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đã “mang” chương trình này đến được với: Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, các tỉnh miền Trung và Hà Nội rồi.
Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật âm nhạc, hướng sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên luôn gắn liền với sự chân tình. “Tôi viết tình ca trước khi tham gia các phong trào. Và tôi nghĩ ai cũng thế. Đó là cái tôi với những rung động đầu đời và… tiếp biến trong tình cảm. Số lượng những tình khúc của tôi gấp năm lần các bài hát viết cho phong trào. Tình ca vẫn là đề tài mà tôi đeo đuổi, “bám” cho đến lúc không thể sáng tác nữa… thì thôi”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên thổ lộ.
Tôi còn nhớ thập niên 1980, báo Tuổi Trẻ gọi tôi là “nhạc sĩ của phong trào”, cuối những năm 1980 và bước sang thập niên 1990 báo Phụ nữ TPHCM gọi tôi là “nhạc sĩ của tuổi học trò”, còn Nhà thiếu nhi thành phố, báo Khăn Quàng Đỏ và nhiều báo khác thì gọi tôi là “nhạc sĩ của thiếu nhi”.
Nhạc sĩ
Nguyễn Văn Hiên
“Tôi viết tình ca trước khi tham gia các phong trào. Và tôi nghĩ ai cũng thế. Đó là cái tôi với những rung động đầu đời và… tiếp biến trong tình cảm. Số lượng những tình khúc của tôi gấp năm lần các bài hát viết cho phong trào. Tình ca vẫn là đề tài mà tôi đeo đuổi, “bám” cho đến lúc không thể sáng tác nữa… thì thôi”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên thổ lộ.