Tổng GĐ Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận Dương Tuấn Minh:

Tôi không biết gì về lá thư cảnh báo...

Tôi không biết gì về lá thư cảnh báo...
TP - Sáng 6/10, tại hiện trường vụ tai nạn sập hai nhịp cầu Cần Thơ, PV Tiền phong đã phỏng vấn ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận về lá thư cảnh báo vụ sập cầu.

Thưa ông, báo Tiền phong số 276 ngày 3/10 phát hiện có 5 kỹ sư giám sát ở dự án cầu Cần Thơ là người của Cty Cửu Long và điều tra tiếp của PV Tiền phong thì Cty Cửu Long là “con” của Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận?

Vâng, 5 kỹ sư làm nhiệm vụ giám sát thi công ở dự án cầu Cần Thơ là người của Trung tâm Tư vấn Cửu Long thuộc Hội Cầu đường Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận.

Trung tâm này do ông Lê Long Dìn làm Giám đốc từ tháng 9/2004 sau khi nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận. Trung tâm được Bộ KH-CN cấp giấy phép hành nghề trong các lĩnh vực tư vấn khoa học, công nghệ, dịch vụ kỹ thuật xây dựng.

Để kỹ sư của Trung tâm này làm “thầu phụ” giám sát dự án cầu Cần Thơ, có phải Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận vừa đá bóng vừa thổi còi?

Nói thầu phụ giám sát là chưa chính xác. Bởi Tư vấn thiết kế và giám sát thi công ở đây chỉ có Cty Nippon Koei và Cty Chodai của Nhật Bản. Không có “thầu phụ giám sát”.

Cụm từ “thầu phụ giám sát” được viết trong văn bản do Bộ trưởng Bộ GTVT đọc ở cuộc họp báo ngày 29/9 tại hiện trường này. Thực tế 5 kỹ sư của Trung tâm Cửu Long đã trở thành kỹ sư giám sát như thế nào?

Tư vấn giám sát của Nhật Bản chỉ đưa sang lực lượng nòng cốt và phải tuyển thêm kỹ sư của Việt Nam. Việc tuyển lựa, phía Nhật Bản nhờ vào TEDI, TEDI South và cả Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận.

Các kỹ sư của TEDI và TEDI South cung cấp không bảo đảm cả số lượng lẫn chất lượng. Yêu cầu kỹ sư giám sát phải thạo tiếng Anh, có kinh nghiệm làm việc trong dự án sử dụng vốn ODA, hiểu trình tự công việc bởi có nhiều việc khác với quy định của Việt Nam.

TEDI chỉ cung cấp được 5 kỹ sư trong khi nhu cầu là 12. Lúc đó, Trung tâm Cửu Long có lực lượng kỹ sư giám sát đường Xuyên Á đã gần hoàn thành, tôi liền mời ông Dìn lên và thống nhất giới thiệu lực lượng kỹ sư đó với Trưởng tư vấn giám sát dự án cầu Cần Thơ là ông Enomoto. C

ác kỹ sư làm hồ sơ chuyển cho ông Enomoto, ông này trực tiếp phỏng vấn, chọn được 5 kỹ sư và có thư chấp thuận trình cho chúng tôi. Chúng tôi kiểm tra thêm, sau đó ký hợp đồng với từng kỹ sư.

Trung tâm Cửu Long với Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận nếu so sánh thì cũng giống như TEDI và TEDI South với Bộ GTVT, là “con” với “cha” hay người trong nhà với nhau, ông có thấy điều gì đó bất ổn không?

Tất cả kỹ sư giám sát đều làm việc dưới sự điều hành trực tiếp của Trưởng tư vấn giám sát nên cũng không phải băn khoăn nhiều.

Khoán việc và trụ tạm, ai chịu trách nhiệm?

Lãnh đạo Cty TNHH Cơ khí Xây dựng Vĩnh Thịnh và Cty TNHH Thế Thành trả lời phỏng vấn báo Tiền phong là họ nhận khoán từng phần việc ở công trình, trong lúc điều khoản hợp đồng thì cấm Nhà thầu làm điều đó?

Tôi không nắm được hợp đồng giữa nhà thầu với các đơn vị ấy. Theo báo cáo của nhà thầu thì các Cty kia chỉ cung ứng nhân công, làm việc dưới sự giám sát của nhà thầu với vật tư thiết bị thi công do nhà thầu cung cấp. Việc cung ứng nhân công thì nhà thầu không phải báo cáo với tư vấn giám sát.

Hợp đồng giữa nhà thầu với các Cty nhỏ một đằng nhưng thực tế làm một nẻo, vậy trách nhiệm của chủ đầu tư tức là tư vấn giám sát ở đâu?

Tư vấn giám sát không biết được bởi họ ký với nhau hợp đồng cung ứng lao động và như tôi đã nói, việc đó nhà thầu không phải báo cáo với tư vấn giám sát.

Hợp đồng của chủ đầu tư với nhà thầu có quy định việc hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân, trong lúc thực tế nhiều công nhân làm việc không có chuyên môn, không được hướng dẫn gì cả, trách nhiệm thuộc về ai?

Phải căn cứ vào hợp đồng giữa nhà thầu với các Cty cung ứng lao động và thông thường tuyển qua đầu mối như thế thì các Cty cung ứng lao động chịu trách nhiệm về tay nghề của công nhân. Tương tự như cung ứng lao động xuất khẩu, đây là xuất khẩu lao động tại chỗ.

Ông có cho rằng quản lý lao động như thế là có vấn đề không?

Quản lý lao động của các Cty rất sơ sài. Sau khi tai nạn xảy ra, chúng tôi phải ba lần làm việc với tư vấn giám sát để yêu cầu nhà thầu xác định số luợng công nhân có mặt trên công trình mới ra con số 134 người. Đến nay chúng tôi vẫn yêu cầu tư vấn giám sát buộc nhà thầu tiếp tục kiểm tra.

Trách nhiệm của tư vấn giám sát ở đâu trước tình trạng đó?

Tư vấn giám sát không quản lý lao động, việc đó của nhà thầu. Tư vấn giám sát chỉ quản lý chất lượng, kỹ thuật, tiến độ và sự an toàn.

Nói về sự an toàn, dư luận đang hướng vào trụ tạm và giàn giáo của hai nhịp cầu bị sập, theo ông trách nhiệm chính thuộc về ai?

Làm trụ tạm và thiết kế giàn giáo thuộc về thiết kế tổ chức thi công, nhà thầu chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bởi thiết kế tổ chức thi công do nhà thầu lập và tự chịu trách nhiệm, chỉ trình cho tư vấn giám sát để kiểm tra xác nhận.

Về lá thư của một kỹ sư giám sát cảnh báo sự thiếu an toàn của giàn giáo, có giá trị như thế nào?

Đó là thư của một kỹ sư kết cấu thép cảnh báo về kết cấu của giàn giáo được gửi cho hai đồng nghiệp anh ta (một của Nhật Bản, một của Việt Nam) và gửi cho ông Trưởng tư vấn giám sát gói thầu số 2.

Việc cảnh báo như thế đã được nhà thầu lắng nghe, bằng cách tăng cường thêm sắt thép vào giàn giáo. Đó là họat động nội bộ bình thường. Về lá thư ấy, Trưởng tư vấn giám sát dự án là ông Enomoto và bản thân tôi không biết.

Việc thử tải trụ tạm theo một số nguồn tin đã không được tiến hành, việc này nghiêm trọng đến đâu?

Cầu Cần Thơ xây dựng theo các tiêu chuẩn của Mỹ và tiêu chuẩn của Mỹ thì không buộc phải thử tải trụ tạm theo phương pháp nào, khác với Việt Nam buộc phải thử tải tĩnh. Trong hợp đồng cũng không có khoản kinh phí dành cho thử tải, chỉ có yêu cầu chất lượng đối với công trình. Quá trình thi công không đảm bảo an toàn, để sự cố xảy ra thì nhà thầu phải chịu.

Thảm họa xảy ra lại nhức nhối vấn đề công nhân tại chỗ không được đóng bảo hiểm, mà theo hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu thì lẽ ra chủ đầu tư phải biết điều này bằng cách yêu cầu báo cáo?

Công nhân không được đóng bảo hiểm chủ yếu do ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc không ký hợp đồng. Đây là một cách lách luật của các Cty nhỏ để tăng lợi nhuận bởi luật pháp nước ta quy định hợp đồng lao động ngắn hạn không phải đóng bảo hiểm. Chúng tôi đã không nắm được điều này.

Sáu Nghệ thực hiện

MỚI - NÓNG