Như một sự lựa chọn
Năm 1997 tôi chính thức về đầu quân cho báo Tiền Phong, nhưng trước đó vài năm tôi đã viết nhiều phóng sự đăng trên báo. Khi ấy, tôi là phóng viên ảnh của TTXVN. Hai lần báo Tiền Phong đánh công văn xin người sang Ban tổ chức cán bộ của TTXVN, đó là hai lần tôi phải đứng trước sự lựa chọn: tiếp tục theo nghề ảnh hay chuyển sang nghề viết?
Sở dĩ có tới hai công văn bởi vì công văn xin người đầu tiên gửi tới, tôi vẫn còn do dự chưa muốn rời khỏi nghề nhiếp ảnh. Ban Ảnh với tôi khi đó là một gia đình. Bởi tôi biết tính tôi đã làm gì thì hay dốc sức vào, nên bước ra khỏi nghề nhiếp ảnh thì cơ hội quay lại chỉ là con số không. Cho tới khi, quyết định đi viết, chuyển đổi cơ quan và còn hơn thế là rời bỏ biên chế nhà nước để chuyển sang làm việc hợp đồng, tôi vẫn không cảm thấy tiếc nuối bởi, những trang viết và cây bút khi đó hấp dẫn tôi hơn tất cả.
Sang Tiền Phong chẳng bao lâu, viết nhiều phóng sự, tôi lại nhận được “lệnh miệng” của thầy tôi là nhà báo Trần Đăng Tuấn về một dự án thành lập kênh VTV3, là kênh giải trí đầu tiên của Đài THVN. Tôi còn nhớ ngày Chủ Nhật, tôi được thầy mời cơm tại nhà để chuẩn bị cho lễ ra mắt VTV3 vào sáng thứ Hai hôm sau. Thầy bảo tôi: “Kênh này mới, nhiều kế hoạch mới, thẻ ra vào Đài truyền hình của Nguyên Anh đã có ở chỗ bảo vệ, mai cứ đến đó lấy vào ra mắt VTV3”. Khi đó, tôi chưa ký hợp đồng hay bất kỳ văn bản nào với Đài THVN, chỉ là nghe lệnh thầy giáo đã dạy tôi ở trường đại học, tôi đi làm thôi. Song quãng đường từ báo Tiền Phong đi qua Đài THVN sao mà xa quá.
Đến nửa đường, tôi chợt nghĩ bụng: “Mình đi làm truyền hình, thế là từ nay không viết phóng sự nữa à?”. Tự dưng, chân mình đi không nổi nữa. Tôi quay xe máy vào quán cà phê ngay trước cổng đài Truyền hình Việt Nam, để cố đưa ra lựa chọn cho mình… Và tôi đã không có mặt trong buổi ra mắt Kênh VTV3, như một lời thất hứa với thầy tôi. Nhưng tôi biết, thầy hiểu tôi, bởi vì chính thầy thường bảo: “Thầy vẫn đọc phóng sự của em trên Tiền Phong mỗi ngày”. Tôi muốn thầy tôi và các bạn đọc của tôi không đánh mất thói quen ấy…
Tình phóng sự
Tôi đã toàn tâm toàn ý làm việc tại Ban phóng sự Báo Tiền Phong hàng chục năm trời và đó là những tháng ngày ý nghĩa và hạnh phúc của đời một người viết như tôi. Anh em chúng tôi, anh Xuân Ba, anh Mạnh Việt và tôi đều lao đi viết. Ngày thường, tôi và anh Ba có mặt ở phòng làm việc, gặp gỡ các nhân vật, đọc đơn thư, tỏa đi viết bài. Anh Mạnh Việt lâu lâu mới ghé nhưng thường đưa ra những phóng sự dài kỳ.
Anh Xuân Ba không dạy tôi viết phóng sự, tính anh không thích chuyện đao to búa lớn, nhưng bằng những lời nhỏ nhẹ, tâm sự và có thể là giải bày, anh cho tôi những cái nhìn của một người viết phóng sự đầy kinh nghiệm. Anh Xuân Ba nói: “Người viết phóng sự luôn có những nỗi niềm, những suy tư, đánh giá, cảm nhận, viết phóng sự như là một cái cớ để người viết trải lòng mình dựa trên các sự kiện, nhân vật và tính huống”. Là một nhà báo, nhưng anh Xuân Ba giỏi chữ Hán, viết thư pháp đẹp có tiếng...
Có chuyện thế này. Một lần Tết tôi tới nhà anh Xuân Ba chơi. Vợ anh bộc bạch: “Anh mày viết báo giỏi, quan hệ rộng, nhưng không làm quảng cáo bao giờ. Bao nhiêu tiền lương và nhuận bút đều dồn vào để đi viết. Nói không ai tin, mỗi tháng đưa về số tiền chỉ đủ để đóng tiền gọi điện thoại cho bố cháu”. Anh Ba ngồi trên cái phản gỗ cười rất hiền, bảo: “Vậy mẹ cháu tưởng viết lách dễ lắm à?”. Thường anh thức trắng đêm viết cho xong bài, ít khi viết dở dang, mái tóc dài bạc trắng ra nhìn thấy rõ…
Chung một đam mê
Có lẽ ngọn lửa phóng sự sẽ bị dập tắt nếu những người “tuyến sau” ở tòa soạn không quan tâm. Tôi còn nhớ một phóng sự của tôi viết về chuyến đi mùa xuân lên biên giới, chính tay Tổng biên tập Dương Xuân Nam đọc và rút lại tít thành “Mùa xuân nghiêng”. Anh lấy chữ đó trong bài tôi đưa ngay lên thành tên bài. Sau này, khi in sách ký, cuốn ký đầu tiên, tôi cũng lấy tên đó làm sách, như một kỷ niệm của tôi với tờ báo mình làm.
Nhà báo nhà thơ Hữu Việt thường biên tập bài cho tờ Tiền Phong Chủ Nhật, anh đọc từng chữ trong bài của tôi và đôi khi hỏi tôi, góp ý cho tôi. Có lần, viết bài về việc làng đào Nhật Tân sắp bị xóa sổ, anh em chúng tôi rất buồn. Đọc bài viết chưa in đã thấy buồn nẫu ra. Ấy nhưng anh Hữu Việt vẫn rất “tỉnh”, anh hỏi là tôi viết “đi trên cánh đồng hoa”, hay “đi qua cánh đồng hoa”. Cuối cùng chúng tôi chọn chữ “đi trên cánh đồng hoa”, nghĩa là đi giữa cánh đồng hoa đào.
Sau một thời gian dài ở Hà Nội, tôi quyết định thiên di vào TPHCM cho biết cuộc sống phương Nam. Vừa vào TPHCM chân ướt chân ráo, tôi được giới thiệu “Báo Tuổi Trẻ cần người viết phóng sự, mời bạn ghé chơi”. Lúc này, tôi đang làm biên tập viên cho tờ Sài Gòn Giải Phóng. Tôi tới gặp anh Nhất, làm ở Ban tổ chức của tờ Tuổi Trẻ. Anh bảo: “Chỉ cần Ban biên tập thông qua đề tài, bạn sẽ có kinh phí đi viết bài dài kỳ, kể cả đi nước ngoài, đi khắp châu Á”. Sau đó, những lùm xùm về một vụ kỷ luật lãnh đạo tờ báo này hình như khiến cho ý tưởng phát triển ban phóng sự bị lãng quên? Chưa hết, chẳng bao lâu sau, tôi lại được giới thiệu gặp anh Phú ở Báo Thanh Niên, với câu chuyện: “Báo Thanh Niên muốn củng cố phát triển ban phóng sự, bạn sẽ tham gia chứ?”. Tôi đi xa Hà Nội hàng ngàn cây số, mà vẫn nghe những chuyện viết phóng sự, ban phóng sự… thấy lòng mình xốn xang, khó tả. Thường tôi chỉ ngồi im, nghe mọi người nói chuyện, đề ra các đường hướng mà chẳng biết nói gì hơn.
Một ngày, tôi thấy mình muốn trở lại Tiền Phong, tôi liên lạc với nhà báo Tô Nam, khi đó là Phó Tổng Biên Tập. Tôi hỏi: “Vẫn còn trang phóng sự chứ bác?”. Anh Tô Nam đáp: “Vẫn còn đấy, ngày nào cũng có”. Sau câu nói đó, tôi quyết định trở lại chốn xưa sau mấy năm lưu lạc.
Nghề viết phóng sự đôi khi chỉ thấy mình ngồi trước trang giấy, nào những chuyện Trường Sa, nào chuyện Tây Bắc, hết nhân vật nổi danh lại là những người vô danh không ai biết. Trong cuộc đời viết phóng sự, chúng tôi không biết đến khái niệm “phong bì phong bao”. Mỗi lần đi đến nơi khó khăn, gặp nhân vật khốn cùng, nhớ đem theo chút quà cho nhân vật, dù chỉ là vài phong kẹo. Những lời động viên của bạn đọc, nhất là của anh em trong tòa soạn chính là “phong bì phong bao” bồi dưỡng tinh thần. Có lần, một đồng nghiệp tên là Hải bảo tôi: “Em vừa đọc phóng sự của anh”. Tôi hỏi: “Có đọc thật không đấy?”. Hải bèn đọc luôn cho tôi một đoạn mà bạn ấy thuộc lòng bài viết tôi còn thơm mùi mực.
Ngày nay, báo chí đã có nhiều thay đổi và những tờ báo còn lại Ban phóng sự không nhiều và những người chuyên viết phóng sự cũng không còn nhiều. Phóng viên bây giờ đa năng hơn. Song, mỗi lần lật những trang báo cũ úa màu, tôi vẫn dừng lại đọc những bài phóng sự chứa chan cảm xúc nhân tình thế thái của những người viết phóng sự năm xưa. Lật trang báo mới in, tôi cũng tìm xem đâu đó một giọng phóng sự, một tiếng nói cá tính được cất lên giữa cuộc sống bộn bề. Phóng sự là những trải nghiệm những suy ngẫm về cuộc sống, là cái nhìn từ bên trong ra của những người viết đã gắn bó với cuộc sống như những người trong cuộc.
10/2018
Nhà báo Trần Nguyễn Anh từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi phóng sự trên báo Tiền Phong từ năm 1995-1997 và từng làm việc tại Ban Phóng sự Báo Tiền Phong, hiện đang công tác tại Ban đại diện Tiền Phong tại TPHCM. Các phóng sự in trên báo Tiền Phong của tác giả được tập hợp trong 3 cuốn phóng sự Mùa Xuân Nghiêng, Sống với núi lửa, Ngược suối trời (Nhà xuất bản Văn Học).